Quỹ đạo mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Chúng ta đã vượt qua “năm Covid-19” một cách ấn tượng, là một trong số rất ít quốc gia đạt “mục tiêu kép”, thành công trong phòng, chống kiểm soát dịch bệnh.
Chúng ta vừa trải qua một năm 2020 đầy sóng gió với rất nhiều khó khăn chồng chất, vừa phải đối mặt với căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, kinh tế thế giới suy thoái, thương mại sụt giảm, vừa phải chống chọi với những tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid- 19, thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua “năm Covid-19” một cách ấn tượng, là một trong số rất ít quốc gia đạt “mục tiêu kép”, thành công trong phòng, chống kiểm soát dịch bệnh và hạn chế tối đa tác động tới nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, duy trì tăng trưởng GDP dương ở mức 2,91%, cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28/12/2020, thành công này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá “là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt”, trong thành tựu chung đó của đất nước, có đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong năm 2020, đầu tư công nổi lên như “trụ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Điều gì đã làm nên sự đột phá này?
Trong những năm qua, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có đầu tư công. Bởi lẽ đó, năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, đã giao một lần, ngay từ cuối năm 2019 toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hòa vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã được giao mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển. Thành ngay một số tuyến, như đường cao tốc Bắc – Nam với mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Đây là mục tiêu rất lớn, chúng ta đặt ra và chắc chắn làm được, không thể chậm trễ hơn.
Thứ hai là đường ven biển cũng mở rộng không gian mới cho các địa phương phát triển kinh tế biển, trước tiên tập trung xây dựng hoàn thành toàn bộ đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An; các tỉnh miền Trung có thể làm một số đoạn, do địa hình hẹp, đã có một số tuyến giao thông quốc gia sẵn có; còn lại toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long phải đầu tư, phát triển, tuyến đường ven biển chạy bọc kín toàn bộ đê vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có điều kiện để bứt phá và phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Đây là quyết tâm và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tham mưu quyết liệt thực hiện.
Cách mạng công nghiệp 4.0 “tạo cơ hội cho những nước đi đầu về ứng dụng” – đó là ý kiến rất hay của người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông. Để nắm bắt cơ hội đó, trước hết phải nhanh chóng chuyển đổi số, thay đổi mô hình vận hành để các công nghệ 4.0 phát huy tác dụng. Cú hích của đại dịch, lựa chọn thay đổi của lãnh đạo, niềm tin vào công nghệ là yếu tố quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành một nước hùng cường thịnh vượng.
Công nghệ số giúp người nghèo giàu lên
Rất thú vị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng, người được Chính phủ giao việc chủ trì thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg – Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã dí dỏm ví đại dịch là “cú hích trăm năm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số”
Dẫn câu chuyện từ tỉnh Bến Tre, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, thật khó thể tin nổi chỉ trong vòng 3 tháng của năm 2020 mà Bến Tre đã thực hiện cung cấp đầy đủ 100% dịch vụ cổng trực tuyến (DVCTT) mức 4 lên Cổng DVCTT của tỉnh. Cái việc mà trước đó – mất bao nhiêu năm rồi, đến hết năm 2019 tỉnh cũng mới chỉ đạt 6% việc cung cấp các DVCTT cấp độ 4.
Không những vậy, các ứng dụng công nghệ số cũng xuất hiện nhiều trong thời gian này, giúp chúng ta kiểm soát dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới. Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều ứng dụng và nền tảng số phục vụ các hoạt động của người dân và doanh nghiệp lẫn chống dịch Covid-19 đến như vậy. Từ các phần mềm khai báo bắt buộc khi hành khách lên, xuống máy bay đến phần mềm khai báo tự nguyện Bluezone. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay đã có hơn 23 triệu người Việt Nam khai báo trên Bluezone. Nhờ đó mà Hải Dương đã ngăn chặn rất nhanh đợt bùng nổ dịch lần thứ hai. BlueZone đã giúp chúng ta giảm được việc thực hiện các biện pháp giãn cách với số lượng người ít hơn rất nhiều. Thật tuyệt, nếu 50-70 triệu người Việt Nam cài đặt ứng dụng này thì hiệu quả chống dịch sẽ rất cao.
Một điều thú vị khác cũng chính do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bật mí trong nền kinh tế số: đó là, càng dùng nhiều càng rẻ, càng dùng nhiều càng thông minh. Trong công nghệ số có thuật ngữ: “nền tảng” (Platform). Một nền tảng kết nối và cung cấp dịch vụ cho cả triệu người. Công nghệ số tạo ra các nền tảng. Khi làm ra một nền tảng, nếu một người dùng dĩ nhiên rất đắt, nhưng nhiều người dùng thì đơn giá sẽ giảm và rất rẻ cả 100 triệu người dân Việt Nam đều dùng thì giá trên đầu người sẽ gần như bằng không.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chưa có cuộc cách mạng công nghiệp nào lại thú vị như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng 4.0, sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo, giúp chúng ta xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi nó sẽ làm cho người dân có cơ hội vươn lên trở thành sung túc; làm cho họ kinh doanh dễ hơn trước đây. Các sàn thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân bán sản phẩm ra toàn quốc mà không cần phải ra khỏi nhà. Vậy nên ai cũng có thể kinh doanh, biết kinh doanh để trở lên giàu có như dân gian có câu: “Phi thương thì bất phú”.
Khi đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đi Lai Châu, người dân ở đó không có tiền, nhưng họ có tới 8 con trâu. Họ mang ra chợ huyện bán nhưng không ai mua, vì nhà ai cũng có trâu. Vậy làm sao để người dân ở vùng cao có thể bán con trâu cho người dưới xuôi? Sàn thương mại điện tử sẽ giúp cho người dân bán trâu, còn người mua thì mua qua mạng; rồi sẽ có người của công ty bưu chính đến nhà dắt con trâu đi và mang đến giao cho người mua. Công nghệ số giúp các hộ nông dân dễ dàng trở thành nhà kinh doanh, họ càng dùng các ứng dụng số nhiều thì càng thông minh. Khi bán được trâu họ sẽ tiếp tục nuôi con trâu khác, cư thế mà giàu lên.
Công nghệ còn làm cho những người nghèo tiếp cận dễ dàng với dịch vụ tốt nhất, giá rẻ nhất. Hiện những xã xa xôi, hẻo lánh chỉ có khoảng dưới 8 bác sĩ/vạn dân, đây là một tỷ lệ thấp khiến người dân ít có cơ hội tiếp xúc với bác sĩ. Nếu có một phần mềm và một nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp cho các bác sĩ giỏi ở khắp mọi nơi, như Hà Nội vẫn có thể tư vấn khám chữa bệnh cho người dân ở một xã biên giới, xa xôi. Rất nhiều ca mổ nhất thiết không phải đến Hà Nội. Đó là những chuyện thần kỳ chỉ có ở công nghệ số.
Năm 2021 là năm đầu của một giai đoạn mới. Dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội 13 đã xác định rõ khát vọng Việt Nam và cả con đường thực hiện khát vọng đó. Con đường đó đã được chọn, đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số và bước đầu tiên là chuyển đổi số.
Khó nhưng hay
Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số là nội dung mới. Đã nói về cái mới thì bao giờ cũng có sự phản đối kể cả tạo ra những lực cản. Ngày chúng ta mới bắt đầu đưa Internet vào Việt Nam cũng không dễ dàng. Rất nhiều ý kiến phản đối, lo ngại, kể cả ở lãnh đạo cấp cao. Bác Mai Liêm Trực, người có công rất lớn trong việc đưa Internet vào Việt Nam chia sẻ: “Ai cũng nghĩ rằng Internet sẽ vào Việt Nam, nhưng có điều đưa sớm hơn hoặc chậm hơn mà thôi. Vì vậy, vấn đề là liệu chúng ta có mất cơ hội lần nữa hay không. Lúc đó, chúng tôi cảm nhận Internet sẽ vào Việt Nam nhưng có nguy cơ chậm, và nếu cho mở thì sẽ bị nhiều yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Vì vậy, chúng tôi phải thuyết phục mở càng sớm càng tốt, thậm chí tạm thời chấp nhận cả những chỉ đạo mà mình không hài lòng, thậm chí là ấm ức để mở Internet rồi tính tiếp”. Dù vậy, Internet cũng đã vào Việt Nam và chỉ chậm sau Thái Lan, Singapore đúng 1 năm.
Còn việc lựa chọn công nghệ 2G cũng vậy, chúng ta là một trong những nước nằm trong top đầu thế giới triển khai công nghệ này. Từ năm 1990 đã xuất hiện chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Là cơ quan “tiên phong” trong đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm gì để thúc đẩy tiến trình này?
Năm 2021 phải là năm “chuyển đổi số” của Việt Nam, nghĩa là phải thực hiện chuyển đổi số trên mọi cấp độ từ quốc gia tới địa phương và doanh nghiệp. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đây là con đường tất yếu Việt Nam phải đi, không thể nào khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp tới năm 2025. Đây là chương trình thiết thực, hiệu quả và cấp thiết, phải làm ngay và phải làm cho hơn 800.000 doanh nghiệp của Việt Nam. Làm được điều này, chắc chắn sẽ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, từ đó doanh nghiệp lớn mạnh lên và đóng góp trở lại cho nền kinh tế. Đây là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới và ngay từ tháng 1/2020, chúng tôi đã giao cho các đơn vị tổ chức triển khai ngay, càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt vì mục tiêu của chương trình này nhằm thay đổi về “chất doanh nghiệp”.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trước mắt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau đó là thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, để “hoàn chỉnh vòng kết nối ” từ quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng làn sóng cải cách thể chế với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tư duy phát triển mang tính đột phá, táo bạo, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược, vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có những đề xuất nào trong năm 2021 ?
Vấn đề lớn nhất hiện nay là tập trung phát triển trung tâm tài chính tại TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, tôi đề nghị hai thành phố này cần nhanh chóng xây dựng đề án với những cơ chế, thể chế riêng, đặc thù sớm báo cáo Bộ Chính trị để hình thành những trung tâm tài chính có sức cạnh tranh, mang lại cơ hội phát triển cho đất nước. Đây là thời điểm vàng, thời cơ “ngàn năm có một” để tạo ra đột phá cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước trong tương lai. Nếu không nắm bắt, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội một lần nữa mà nếu bây giờ không làm thì không bao giờ chúng ta làm được.
Đảo Cayman là một ví dụ sinh động, cách đây 40 năm, đây là đảo quốc nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng, hàng nghìn quỹ đầu tư đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới… và hiện Cayman đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính dòng tiền chảy qua đây hàng nghìn tỷ USD/ngày. Mặc dù Cayman không thu thuế nhưng phí mà đảo quốc này thu được đạt hàng trăm triệu USD/ngày. Tại sao chúng ta không làm trong khi rất nhiều điều kiện thuận lợi, từ vị trí địa lý cho đến dân số, quy mô nền kinh tế và đặc biệt là múi giờ khác biệt. Nếu lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng thì bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi, chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế khác, dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó, đây chính là khe hẹp để chúng ta chen vào. Rất nhiều người đã rời bỏ các trung tâm tài chính truyền thông do quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, hết hấp dẫn… doanh nghiệp đang đi tìm nơi trú ẩn mới. Đây chính là cơ hội nhưng chúng ta phải nắm bắt ngay bởi nếu một trung tâm nào khác hình thành trước, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ không còn cơ hội.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1.Đặng Phương phỏng vấn đ/c Nguyễn Chí Dũng Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Chúng ta không thể lại đi sau”.
2.Lý Hà “Quỹ đạo cho tăng trưởng kinh tế”. Tạp chí Kinh tế số Xuân Tân Sửu 2021
Theo Môi trường và Đô thị VN