Thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành;
Nhằm góp phần vận động toàn xã hội bảo vệ, trợ giúp, chăm sóc trẻ em khuyết tật, giúp các em đến được với các dịch vụ trợ giúp (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, vui chơi, chăm sóc thay thế, trợ giúp xã hội); đảm bảo cho các em được hưởng các quyền của trẻ, cũng như góp phần nâng cao nhận thức để thay đổi thái độ, hành vi của các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp, của cộng đồng xã hội, người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.
Đối tượng dự thi là trẻ em Việt Nam từ 6 – 16 tuổi đều có thể gửi tranh vẽ dự thi Cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ vượt khó” về trẻ em khuyết tật.
Nội dung: Tranh vẽ “Ước mơ vượt khó” về trẻ em khuyết tật có nội dung liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như: Thông tin bằng hình ảnh sinh động cũng như những thông điệp chuyển tải tới đông đảo quần chúng về cuộc sống của một bộ phận trẻ em khuyết tật cùng những khát vọng, ước mơ về những điều tốt đẹp mà các em mong muốn, hướng tới; Phản ánh và nói lên quan điểm của trẻ em về việc bảo vệ, giúp đỡ và chăm sóc trẻ em khuyết tật; Phản ánh sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em khuyết tật và chống phân biệt, đối xử kì thị với trẻ em khuyết tật; Vận động toàn xã hội bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, trợ giúp trẻ em khuyết tật; Tạo điều kiện để tất cả trẻ em khuyết tật được học tập, vui chơi và phát triển toàn diện; Giúp trẻ em khuyết tật đến được với các dịch vụ trợ giúp (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, vui chơi giải trí, chăm sóc thay thế, trợ giúp xã hội…). Đảm bảo trẻ em khuyết tật được hưởng các quyền của mình và được hưởng tất cả các dịch vụ xã hội cần thiết (được quan tâm, chăm sóc, học tập, vui chơi, khám chữa bệnh…) như những trẻ em bình thường.
Về quy cách tác phẩm dự thi: Tranh vẽ dự thi phải do chính tác giả vẽ ra, chưa từng tham gia các cuộc thi trước đó và chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tranh vẽ được gửi qua bưu điện hoặc trực tiếp mang đến nơi nhận (kích thước: khổ giấy A3). Ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ và số điện thoại, email (nếu có) của người dự thi (hoặc địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người dự thi); tên gọi của tác phẩm dự thi, ý nghĩa của tác phẩm.
Lưu ý: Ban Tổ chức sẽ lựa chọn tranh vẽ của trẻ em khuyết tật để Ban Giám khảo chấm riêng. Vì vậy, đối tượng là trẻ em khuyết tật gửi tác phẩm dự thi cần ghi rõ mình thuộc diện trẻ em khuyết tật. Mỗi tác giả tự lựa chọn và gửi dự thi tối đa 03 (ba) tác phẩm.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi: Từ ngày 15/10 đến 15/11/2020. Tác phẩm dự thi gửi qua bưu điện: hạn cuối ngày 15/11/2020 tính theo dấu bưu điện, ngoài bì thư, ghi rõ nơi nhận tác phẩm: Tạp chí Gia đình và Trẻ em, 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Lê Đại Hành, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. ĐT (024) 3.8463299/ 0979797715
Ban tổ chức sẽ tổng kết và trao giải thưởng tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2020.Với cơ cấu giải thưởng như sau:
Giải dành cho cá nhân: 02 Giải Nhất, mỗi giải 6.000.000 đồng; 04 Giải Nhì, mỗi giải 3.000.000 đồng; 06 Giải Ba, mỗi giải 2.000.000 đồng; 10 Giải Khuyến khích, mỗi giải 1.000.000 đồng; 01 Giải cá nhân gửi nhiều tranh vẽ dự thi có chất lượng, giải 500.000 đồng; 01 Giải dành cho tác giả nhỏ tuổi nhất gửi tranh vẽ dự thi chất lượng, giải 500.000 đồng.
Giải dành cho tập thể: 02 giải tập thể cho đơn vị có nhiều tranh vẽ dự thi chất lượng, trị giá 500.000 đồng.
Các tác giả đoạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tới dự lễ trao giải tại Hà Nội. Các tác giả ở xa (không tới được) sẽ được Ban Tổ chức chuyển giải thưởng qua đường bưu điện.
Người dự thi có trách nhiệm thực hiện đúng những quy định của cuộc thi; thể hiện tính trung thực của tác phẩm dự thi; tự nguyện cam kết chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm cho Ban Tổ chức cuộc thi. Nếu phát hiện tác phẩm vi phạm bản quyền, Ban Tổ chức sẽ hủy bỏ kết quả chấm chọn, tước giải thưởng (nếu có) đối với tác phẩm đó.
Tác phẩm đoạt giải không trả lại tác giả, Ban Tổ chức được quyền sử dụng để phục vụ cho công tác tuyên truyền, đối ngoại và in ấn các tài liệu tuyên truyền không nhằm mục đích thương mại mà không phải trả bất cứ một khoản thù lao nào khác. Quyền nhân thân thuộc về tác giả.
Theo Tầm Nhìn