Ô tô nhập khẩu ‘đòi’ giảm 50% phí trước bạ
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam kiến nghị áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho cả các doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy giải ngân, đầu tư công và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ vừa qua đã phê duyệt giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Hiện tại, người mua xe ô tô dưới 9 chỗ tại Việt Nam phải chịu lệ phí trước bạ 10%, và 12% cho xe đăng ký lần đầu tại Hà Nội.
Với quyết định giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ, người mua ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ chỉ phải trả một khoản phí 5 – 6%. Trong khi đó, những người mua ô tô nhập khẩu từ nước ngoài vẫn phải nộp lệ phí trước bạ 10 – 12% tùy theo từng địa phương.
Như vậy, trong số các công ty liên doanh ô tô trong nước, chỉ có hai thương hiệu châu Âu là Mercedes và Peugeot trong số 19 thương hiệu xe nhập khẩu tại Việt Nam nhận được hỗ trợ đối với các mẫu xe lắp ráp trong nước.
“Việc ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước như một biện pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng trong nước là không phù hợp trong thời điểm đại dịch Covid-19 rõ ràng là một cuộc khủng hoảng toàn cầu”, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh trong Sách Trắng 2020 công bố mới đây.
Hiệp hội này đánh giá sự phân biệt đối xử theo hướng ưu tiên xe lắp ráp trong nước không thể hiện động thái tích cực của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sớm đi vào hiệu lực.
Eurocham đề nghị xóa bỏ phân biệt đối xử trong áp dụng giảm thuế, thay vì chỉ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước thì áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới cũng như kiến nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc cũng vấp phải nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 biến năm 2020 trở thành một năm cực kỳ thách thức với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Các nhà sản xuất ô tô tại EU, Mỹ và Việt Nam đã phải tạm dừng hoạt động, bao gồm sản xuất, phân phối và bán lẻ, trong khoảng một tháng (tháng 4) để đảm bảo phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ.
Mặc dù lệnh giãn cách xã hội đã được thu hồi vào tháng 5, doanh số bán hàng trong năm 2020 chắc chắn vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Fitch Rating cuối tháng 4 đã dự báo doanh số bán xe mới của Việt Nam cho cả năm 2020 sẽ giảm tới gần 22% trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết doanh số bốn tháng đầu năm 2020 đạt mức thấp nhất trong 5 năm khi giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn khoảng 61.000 xe. Dịch vụ hậu mãi hiện đã giảm 30-40%.
Trong bối cảnh doanh số bán xe rất thấp, thị trường cần thời gian để phục hồi thì các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên chiếc vẫn phải nộp tất cả các loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) cũng như các chi phí như phí thuê đất và nhân công không giảm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn phải đối mặt với tình trạng dòng tiền khan hiếm ở cả công ty nhập khẩu và đại lý và tình hình này vẫn sẽ kéo dài cho đến khi chuỗi cung ứng và thị trường phục hồi trên toàn cầu.
Để ngành công nghiệp ô tô duy trì việc làm cho người lao động và hoạt động của doanh nghiệp cho đến khi phục hồi từ Covid-19, đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính đặc biệt cho phép thông quan một phần bằng cách lại ủy quyền cho các kho ngoại quan đối với xe mới nhập khẩu nguyên chiếc cho đến tháng 12/2020.
Việc hỗ trợ thông quan như vậy sẽ cho các nhà nhập khẩu thêm thời gian cần thiết để phục hồi khả năng tài chính để nộp thuế dần dần trong quá trình bán hàng lưu kho khi nền kinh tế phục hồi.