Ô nhiễm không khí ở Hà Nội – cần đồng bộ nhiều giải pháp

Tác giả : Admin 11/01/2021
Kết quả quan trắc từ tháng 11/2020 tới đầu năm 2021 cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội và các thành phố phía Bắc đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Trong những năm gần đây, Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung thường xuất hiện ô nhiễm không khí vào thời điểm cuối thu đầu đông và mùa xuân.

Kết quả quan trắc từ tháng 11/2020 tới đầu năm 2021 cho thấy chất lượng không khí tại Hà Nội và các thành phố phía Bắc đã bị suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt trong những ngày đầu năm 2021, chất lượng không khí của Thủ đô đã chạm ngưỡng cảnh báo “rất xấu” tại nhiều địa điểm.

Trong khuôn khổ Dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ, Trung tâm Sống và Học tập Vì môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) cùng Tạp chí Tia Sáng và Mạng lưới Không khí Sạch Việt Nam (VCAP) phối hợp tổ chức tọa đàm về chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí. Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học cùng thảo luận về nghiên cứu xoay quanh việc cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội, các cách tiếp cận khoa học, và kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí.

Kiểm tra khí thải xe máy giảm thiểu ô nhiễm

Với đề xuất của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) vừa đề nghị UBND TP Hà Nội và TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế, đây không phải là lần đầu chuyện thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành được nêu ra như giải pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm từ phương tiện giao thông, nhưng đến nay vẫn khó thực hiện được.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, khẳng định: “ Dù Bộ Tài nguyên – Môi trường có văn bản đề nghị như vậy, nhưng với quy định của pháp luật hiện nay, không có cách nào để thu hồi tài sản xe máy cũ của người dân. Vì đây là tài sản được chứng nhận sở hữu cho người dân, hiện nay cũng chưa có quy định thế nào là xe thải bỏ, không có khung pháp lý thu hồi tài sản xe máy cũ của cá nhân nên tôi tin là các địa phương không thực hiện được”.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam. (Ảnh:Internet).

Theo ông Tùng, “ Khi không thu hồi được xe máy cũ nát, phải thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe máy để áp dụng biện pháp chứng nhận xe máy đủ điều kiện lưu hành và dừng lưu hành với xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Tôi hy vọng chủ tịch Hà Nội cũng cho thực hiện kiểm tra khí thải xe máy trong thời gian tới”.

Kiểm soát chặt nguồn bụi từ giao thông, xây dựng

Ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: ” Từ kinh nghiệm của bản thân và qua nghiên cứu, tôi khẳng định hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch”, ông Đăng khẳng định, và cho rằng cần thực hiện đồng bộ 10 giải pháp, nhưng đầu tiên là phải kiểm soát chặt nguồn bụi từ giao thông, xây dựng.

Ông Đăng cho rằng từ thời điểm “bùng” lên thông tin không khí ở Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, ông đã lên tiếng khẳng định thông tin này không chính xác, khẳng định rằng để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở một thành phố, trị số để đánh giá là trị số trung bình nhiều ngày, trung bình năm, còn ô nhiễm không khí ở Hà Nội có nhiều thời điểm rất báo động.

Ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng với sức khỏe, nhưng “nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5, bụi này siêu nhỏ, có thể đi sâu vào trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh tật, kể cả ung thư”.

GS Đăng nêu số liệu dẫn chứng nguồn gây ô nhiễm không khí khoảng 40% từ hoạt động giao thông, 16% từ hoạt động xây dựng. Hoạt động giao thông làm phát sinh bụi mịn PM2.5, còn xây dựng gây ra bụi có kích cỡ lớn hơn là PM10 nhưng khi rơi xuống đường phố, xe cộ chạy qua lại cũng làm bào mòn bụi PM10 thành mụi mịn.

Nguồn gây ô nhiễm thứ cấp chiếm khoảng 35% nhưng cũng từ hoạt động xây dựng như xây nhà mới, phá nhà cũ, đào đường, đào hè, xây dựng cầu cống… (Ảnh:Internet).

Ngoài ra, số liệu nguồn gây ô nhiễm thứ cấp chiếm khoảng 35% nhưng cũng từ hoạt động xây dựng như xây nhà mới, phá nhà cũ, đào đường, đào hè, xây dựng cầu cống… vì quá trình thi công ở Việt Nam đều không có ý thức bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, cần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu. Tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến đường giao thông. Thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm…

Theo Môi trường và Đô thị VN

Tin liên quan