Nữ doanh nhân Việt: Bản lĩnh – Trí tuệ – Từ ái
Báo cáo “Chỉ số nữ doanh nhân 2020” (MIWE 2020) của Mastercard vừa công bố cho biết, Việt Nam có 26,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước do phụ nữ làm chủ, xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và tham gia vào lực lượng lao động. 23% nữ lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, mỗi ngày họ dành 6 giờ trở lên để làm việc nhà và chăm sóc gia đình. Nữ doanh nhân Việt Nam ngày càng có vai trò trong xã hội hiện đại, đang “gánh” tròn cả hai vai khá thành công, đặc biệt là trong kinh doanh. Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu tới bạn đọc một số gương mặt tiêu biểu.
Anphabe do bà Thanh Nguyễn sáng lập đã trải qua hành trình 10 năm, đến nay trở thành đơn vị tiên phong cung cấp các giải pháp về thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc, chuyên tư vấn và đồng hành cùng hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.
Thế nào là doanh nghiệp hạnh phúc?
Chặng đường 10 năm này chắc chắn có rất nhiều áp lực. Đặc biệt là ở giai đoạn đầu, khái niệm về “Thương hiệu nhà tuyển dụng” cũng như “Hạnh phúc trong công việc” vẫn còn khá mới mẻ, chưa phổ biến trong kinh doanh và không dễ để đo lường. Tuy nhiên, trái ngọt mà bà Thanh Nguyễn gặt hái được và cũng là giá trị lớn nhất mà bà tạo ra cho các doanh nghiệp là giúp họ nhìn nhận đúng hơn về môi trường làm việc hạnh phúc và tầm quan trọng của hạnh phúc thực sự trong công việc.
Với bà Thanh Nguyễn, doanh nghiệp hạnh phúc sẽ phát triển bền vững và ngược lại, khi doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ tạo nên môi trường làm việc hạnh phúc hơn cho tất cả nhân viên. Nói về phong cách quản lý của mình, bà Thanh Nguyễn cho biết có ba yếu tố được bà áp dụng trong quản trị doanh nghiệp là “cùng nhau, yêu thương và làm gương”.
Bà Thanh Nguyễn khá thân thiện, cởi mở và gần gũi với nhân viên. Bởi với bà, làm một người sếp không có nghĩa là chỉ đạo người khác làm việc này việc kia mà phải dẫn dắt họ. Bà muốn các nhân viên làm việc cùng nhau, có thể học hỏi, tương tác, cùng cống hiến và tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Bà cũng không xem nhân viên là những người làm thuê mà là những người thân, người em.
“Khi các bạn khó hiểu, khó chiều, khó quản lý, tôi sẽ luôn gắng để thông cảm, thấu hiểu, chấp nhận và giúp đỡ họ hoàn thiện hơn. Mỗi nhân viên, dù cũ hay mới, tôi đều dành thời gian và hướng họ trở thành một con người tốt hơn”.
Bà tâm niệm, trước khi đặt ra tiêu chuẩn cho người khác mình phải nghiêm túc thực hiện trước. Thế nên, khi yêu cầu nhân viên làm bất cứ điều gì, bà thường chủ động thực hiện trước. Ví như khi muốn khuyến khích đồng nghiệp đọc sách, bà sẽ là người đầu tiên đọc chúng và chia sẻ cùng họ thói quen của mình.
Đánh giá về vai trò của nữ doanh nhân trong môi trường kinh doanh hiện nay, bà Thanh Nguyễn cho rằng, một khi đã khởi nghiệp và làm kinh doanh, chị em phụ nữ nên biết điều quan trọng nhất là bạn phục vụ ai, giá trị bạn tạo ra là gì. Những thách thức và cơ hội trong kinh doanh sẽ không quá khác biệt giữa phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, so với nam giới, phụ nữ Việt Nam có nhiều khó khăn khi trở thành doanh nhân, nhất là khi chúng ta ở châu Á – nơi kỳ vọng về người phụ nữ phải luôn chu toàn gia đình trước sự nghiệp.
Phụ nữ thành công ít nhiều có khí nam tính
Tuy vậy, theo bà, nữ giới cũng có nhiều thuận lợi trong kinh doanh hơn so với nam giới. Ví dụ như bản tính mềm mại, uyển chuyển sẽ giúp họ thu phục nhân tâm dễ dàng và vận hành bộ máy nhân sự hiệu quả hơn. “Những người phụ nữ thành công mà tôi biết ít nhiều đều có chút nam tính và tôi cũng vậy. Nam tính khi phải quyết đoán, mạnh mẽ để đưa ra những quyết định hợp lý và kịp thời trong các tình huống kinh doanh khó khăn. Nhưng người đàn bà thép nơi công sở cũng cần khép nép và duyên dáng bên chồng khi trở về mái ấm”, bà Thanh Nguyễn chia sẻ bí quyết giữ lửa hôn nhân.
Với 10 năm kinh doanh, bà Thanh Nguyễn thừa nhận mình dành nhiều thời gian cho công việc khi có đến 8-10 tiếng ở công ty. Nhưng mỗi tuần vào buổi trưa bà tranh thủ đi tập thể dục 2-3 lần hoặc kết hợp ăn trưa với khách hàng để tranh thủ kết nối và tạo mối quan hệ. Quan trọng là trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại, bà luôn dành thời gian chất lượng đầu ngày và cuối ngày để tâm sự với chồng, chơi với con, đọc sách hoặc ngồi thiền.
“Có những ngày, 8 giờ sáng tôi ra khỏi nhà và đôi khi đến 8 giờ tối hơn mới về. Để có thể dành thời gian chất lượng cho gia đình, bản thân và các sở thích cá nhân khác, đòi hỏi tôi phải có năng lực kết hợp rất nhiều thứ”, bà Thanh Nguyễn cho biết.
Khởi sự từ tình yêu đặc biệt với sách, đặc biệt là dòng Bách khoa tri thức dành cho trẻ em, sau 16 năm, Đông A đã có được vị trí vững chắc trong ngành xuất bản. Ở mảng bán lẻ, Cá Chép – hệ thống nhà sách concept đầu tiên ở Việt Nam ra đời vào năm 2013 đã có những chuyển dịch mạnh mẽ trên nền tảng trực tuyến. Khi được hỏi về bí quyết vận hành hai lĩnh vực riêng biệt này, bà Nguyễn Thủy Hằng Giang – Giám đốc Vận hành bộc bạch: “Niềm tin chính là khởi đầu của mọi thành công”.
Những dấu mốc trong năm 2020
Chọn 2020 là điểm mốc bởi đây là thời điểm tròn 15 năm Đông A có mặt trên thị trường xuất bản và gặt hái được nhiều quả ngọt. Một trong những quả ngọt đó chính là khơi dậy thú chơi sách phiên bản đặc biệt (bản S) từng là nét văn hóa đẹp trước năm 1975, bằng sự miệt mài, tỉ mỉ. Đây cũng là năm Đông A giới thiệu tủ sách Đông Dương. Dù chỉ là thành tựu bước đầu, nhưng để đạt được, đội ngũ phía sau đã phải chuẩn bị trong suốt một thời gian dài. Ngoài ra, đây còn là năm nền kinh tế thế giới lao dốc vì Covid-19.
Trong bối cảnh đó, Đông A và Cá Chép đã tiến hành nhiều cải cách trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ để thích ứng với biến cố từ thị trường và hành vi người dùng. Chuyển dịch một phần trọng tâm kinh doanh sang môi trường trực tuyến, gia tăng sự hiện diện qua thông tin và hình ảnh dưới nhiều dạng thức khác nhau để tiếp cận khách hàng. Nhờ ứng biến kịp thời, xét trên tổng chi tiêu toàn bộ các kênh và hệ thống, Cá Chép có sự tăng trưởng khoảng 5%. Với Đông A, cùng với sự thành công của bản S cũng như đầu tư về mặt hình ảnh trên môi trường trực tuyến, mức tăng trưởng ở khoảng 30%.
“Dịch bệnh khiến khách hàng không thể trực tiếp đến cửa hàng, chúng tôi phải tạo ra những điểm chạm khác để duy trì sự tương tác liên tục với họ. Do vậy, tôi đã lên kế hoạch để xây dựng hạ tầng về vật chất, đặc biệt là nhân sự cho việc chuyển dịch một phần hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh trên môi trường trực tuyến. Về mặt vận hành, tôi liên tục lắng nghe những phản hồi của nhân viên với hệ thống quản trị để có thể mang đến những giải pháp tốt nhất hỗ trợ quá trình vận hành nội bộ này. Tuy rằng hệ thống sẽ không thay thế được con người nhưng ở nhiều góc độ, việc sử dụng công nghệ đúng cách giúp chúng tôi theo dõi và đánh giá các quy trình, dự án một cách khoa học và rành mạch hơn. Từ đó, các nhân sự chuyên môn có thể tập trung vào công việc của mình để tạo ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn”, bà Giang chia sẻ bí quyết vượt khó.
Khách hàng như người thân, nhân viên như gia đình
Bà Giang cho rằng, cả hai công ty đều là hành trình mang đến những dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, do đó với bà, yếu tố con người luôn đặt ở vị trị trọng tâm. Xem nhân viên như người nhà, xem khách hàng như người thân là phương châm cốt lõi được bà Giang xây dựng ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp.
“Đối với việc quản trị con người, tôi luôn lắng nghe và thấu hiểu nhân viên một cách dung dị. Tôi nghĩ sự chia sẻ và quan tâm giữa người chủ doanh nghiệp với đội ngũ là điều vô cùng cần thiết. Nghĩ một cách đơn giản, những hành động, lời nói xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới và thúc đẩy tư duy tích cực cho nhân viên của mình, đồng thời tiếp thêm động lực và năng lượng cho các bạn vượt qua khó khăn trở ngại”, bà Giang bày tỏ.
Bằng sự mềm mỏng của phụ nữ, bà Giang luôn dành sự quan tâm sâu sát và có cái nhìn bao dung, rộng lượng với nhân viên toàn hệ thống, dù là cấp thấp nhất. Bà cho biết: “Để thực hiện được mục tiêu mang đến dịch vụ văn hóa đọc và những trải nghiệm sáng tạo trong không gian sách, chúng tôi cần những nhân viên từ cấp thấp nhất hiểu được sứ mệnh của công ty và xem trọng khách hàng như chính người thân của họ. Muốn là được điều ấy, cách duy nhất là phải gần gũi, kiên trì chia sẻ”.
Cũng như nhiều phụ nữ bước chân vào thương trường, bà Giang cho rằng phụ nữ phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía giữa việc đảm đương công việc và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, bà không nhìn mọi việc dưới góc độ gánh nặng mà xem đó là món quà, là mối nhân duyên sâu sắc. Bà Giang thừa nhận mình may mắn khi có đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, gắn bó và một người chồng thấu hiểu, cùng chia sẻ đam mê từ những ngày đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Đông A.
8 năm trước, bà Huỳnh Hải Yến bắt đầu khởi nghiệp với những thỏi son dưỡng môi, lọ nước hoa khô trong thời gian “không biết làm gì” sau khi đóng cửa hệ thống spa đang ăn nên làm ra, bằng sự nhẩn nha, thong thả. 8 năm sau, bà sở hữu thương hiệu mỹ phẩm NauNau “made in Vietnam” đủ sức cạnh tranh với mỹ phẩm ngoại nhập và một thương hiệu chuyên về nước hoa Niche mang tên Y25 Perfume, hướng đến phân khúc cao cấp.
Bà Yến nói, chìa khóa giúp thương hiệu đứng vững trong 8 năm qua chính là “luôn luôn cố gắng cải tiến” trong mọi khâu, từ nghiên cứu sản phẩm, thị trường cho đến cách vận hành và marketing. “Quan trọng nhất là xây dựng được một đội ngũ và cộng sự đồng lòng. Chỉ cần một cá nhân đi chệch hướng, cả bộ máy sẽ chậm lại. Tôi tin, chỉ cần một đội ngũ mạnh và đồng tâm hiệp lực, doanh nghiệp sẽ phát triển tốt”. Tuy nhiên, còn một yếu tố nữa làm nên thành công của NauNau và Y25 Perfume như hiện tại chính là niềm tin, sự kiên định của bà Yến. Từ những hoài nghi ban đầu của người dùng về mỹ phẩm “made in Vietnam”, bằng niềm tin ấy, bà đã vượt qua trở lực để khơi dậy niềm tự hào về ngành làm đẹp với các sản phẩm thuần Việt.
Từ những sản phẩm bỏ túi, giản đơn ban đầu, NauNau hiện có 6 dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu khác nhau của người dùng. Bà Yến bật mí, trong năm 2021, NauNau dự kiến ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc toàn diện Unisex. Sản phẩm của NauNau xuất hiện tại các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản ngoài Việt Nam. Trong khi đó, Y25 ghi dấu ấn với bộ sưu tập nước hoa mang tên Scents of Vietnam giới thiệu ra thế giới những mùi hương đặc trưng của các thành phố ở Việt Nam. Dòng nước hoa này đặc biệt được ưa chuộng ở Mỹ và Úc – một giấc mơ của các nhà hương liệu Việt. “Khách hàng thích sự khác biệt của nó từ packaging với với nguyên liệu gốm sứ, chi tiết nắp bọc da khâu bằng tay đến những thành phần đặc biệt trong nước hoa”, bà Yến chia sẻ.
Chia sẻ về cách vận hành, nghiên cứu hai thương hiệu ở hai phân khúc khác nhau về tệp khách hàng và thị trường mục tiêu, bà Yến nói: “Tùy từng thời điểm mà tôi sẽ tập trung vào Y25 hoặc NauNau. Y25 mang dấu ấn cá nhân của tôi nhiều hơn NauNau. Và nó cũng là nơi để tôi thỏa sức sáng tạo mà không bị gò bó bởi thị hiếu hay nhu cầu của khách hàng. Khách hàng của Y25 là những người có trình độ hiểu biết và gu thẩm mỹ cao, họ quan tâm đến câu chuyện, đến nguồn gốc nguyên liệu của mùi hương hơn là chỉ dùng để làm thơm cơ thể. Tuy là một phân khúc nhỏ trên thị trường, nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải phát triển dòng sản phẩm cho họ, nếu không họ sẽ mãi thuộc về những thương hiệu nước ngoài. Đó sẽ là điều rất đáng tiếc”.
Vận hành từ xa
Làm đẹp là ngành nhiều thách thức, đòi hỏi sự nhanh nhạy, kịp thời trong mọi khâu bởi nhu cầu của khách hàng liên tục thay đổi và sự cạnh tranh từ các thương hiệu, tập đoàn là rất lớn. Bà Yến bộc bạch: “Người làm kinh doanh dễ bị sa đà và cuốn đi vì phải đạt được doanh thu, chiếm lĩnh thị trường… Nhưng tôi luôn muốn giữ bản sắc của chính mình. Hòa ái nhưng vẫn có nét riêng. Và tôi không ngừng khám phá và tìm tòi cái mới để duy trì nguồn cảm hứng cho chính mình, để mỗi sản phẩm ra mắt là kết quả của những ngày làm việc trong hạnh phúc chứ không phải dưới bất kỳ áp lực nào”.
Ba năm trước, khi NauNau đang trên đà phát triển, bà Yến quyết định sang Úc để vừa chăm lo việc học của hai cô con gái nhỏ, vừa phát triển thị trường tại đây. Đồng nghĩa, bà chuyển giao toàn bộ quy trình vận hành cho đội ngũ ở Việt Nam và đóng vai trò quan sát từ xa. NauNau vẫn tiếp tục chứng minh vị thế, có thêm nhiều sản phẩm mới, mở rộng hệ thống online và offline. Bà Yến thành thật chia sẻ, điều hành từ xa là chuyện không hề đơn giản. Bà có hai điều may mắn. Thứ nhất, sự chênh lệch múi giờ không quá lớn. Thứ hai, bà luôn nhận được nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình. Không chỉ được đón nhận rộng rãi từ những sản phẩm sẵn có, NauNau còn được truyền miệng và được nhiều đối tác tìm đến. “Làm việc hết sức, hết lòng, tận tâm trong từng công việc nhỏ. Công sức của mình sẽ được đền đáp. Ngoài ra mình cũng phải trang bị cho mình sự sẵn sàng để nếu có cơ hội vụt qua thì mình sẽ bắt lấy”, bà Yến nói.
Năm 2020 là một năm khó khăn chung trên toàn thế giới vì dịch Covid-19 đã xảy ra đảo lộn mọi thứ, tuy nhiên NauNau vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu, hơn 37% so với 2019. “Đó là một thành quả mà chúng tôi vô cùng tự hào, nên đã cố gắng hết sức để đáp lại sự tin tưởng và ủng hộ của khách hàng bằng nhiều chương trình và hoạt động hỗ trợ cộng đồng như ủng hộ chương trình trồng rừng, ủng hộ Quỹ Nhà chống lũ, Quỹ Nguyễn Hiến Lê giúp các bé có hoàn cảnh khó khăn đến trường và nhiều hoạt động khác nữa”.
Dòng sản phẩm Aromatherapy – trị liệu tinh thần ra đời trong chính giai đoạn giãn cách xã hội với mong mỏi “giúp được nhiều người bình tâm hơn, quan tâm sức khỏe tinh thần nhiều hơn”. “Trong năm 2021, chúng tôi vẫn tiếp tục đi theo hướng chăm sóc tinh thần chứ không chỉ làm đẹp bên ngoài. Và quan trọng hơn nữa là lan tỏa lối sống xanh để mọi người cảm thấy yêu cuộc sống và muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội. NauNau sẽ có một nhà máy xanh, cùng hợp tác với nhiều vùng nguyên liệu cho ra đời nhiều sản phẩm “thực sự Việt Nam”, bà Yến chia sẻ.
Theo Doanh nhân Sài Gòn