Mặt trận kinh tế vỉa hè
Chính quyền đô thị ở nhiều nơi, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không phải chỉ một lần quyết liệt với cuộc chiến giành lại vỉa hè, nhưng đều lần lượt “thất thủ”. Ra quân dọn dẹp, tịch thu hết bàn ghế, bảng hiệu của quán xá vỉa hè, có khi tịch thu luôn cả hàng hóa của người buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Quay lưng đi thì mọi chuyện như cũ.
Vỉa hè – nhiều lần thất thủ
Cứ đem một chút lý thuyết quản trị đơn giản để nhìn vào thực tế ấy thì cũng có thể hiểu, ra quân dọn dẹp vỉa hè chỉ là giải pháp đầu ngọn, chẳng đụng đến được cái nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nên chính quyền có cử lực lượng túc trực vỉa hè 24/24 cũng chưa chắc làm được.
Ngay trong thời điểm năm 2017, nhiều địa phương chịu tác động domino từ trường hợp quyết liệt của quận 1 (TP.HCM) nên cũng thành lập đoàn công tác ra quân ráo riết, mà trật tự vỉa hè cũng chỉ như một bức tranh ảo diệu biến hóa khôn lường. Tôi có lần hỏi một chị bán xôi bên đường gần nhà, là sao chị vẫn dám bán, không sợ bị hốt sao. Câu trả lời ráo hoảnh: “Anh cảnh sát khu vực tội lắm, ảnh dặn nếu có đoàn của quận kiểm tra thì ảnh báo trước để tui né. Chứ không bán lấy tiền đâu sống”. Cũng trong thời gian chính quyền kiểm tra ráo riết đó, có lần tôi thấy trên lề đường buổi sáng sớm một chiếc xe Wave cà tàng dựng sát bức tường gạch cũ, trên đầu xe máy dán một miếng giấy ghi nguệch ngoạc: “Ở đây có bán xôi và bánh mì”. Không thấy người, không thấy xe bánh mì. Tôi tò mò dừng lại hỏi, thì từ trong một khoảng hở toác khá lớn của bức tường cũ vọt ra một người đàn ông nhỏ con nước da sạm nắng: “Anh mua gì?”.
Báo chí thời điểm ấy, sau đoạn đầu tỏ ra ủng hộ sự quyết liệt của quận 1 thì bỗng dưng quay lại dựng những tít bài nghe như một nỗi trăn trở liên quan đến những người mẹ bán gánh xôi lề đường nuôi con học tiến sĩ. Những tít bài như thể chạm vào tận đáy sâu của lòng trắc ẩn vốn vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức mỗi người và thậm chí còn đưa những người bán hàng rong vào vị trí vô đối của người mẹ hy sinh vì con cái trong trái tim của hàng triệu người Việt.
Thế là cái chiến dịch vỉa hè quyết liệt của chính quyền lâm thế việt vị. Dừng quyết liệt thì xem như thừa nhận thất thủ lần nữa, mà tiếp tục quyết liệt thì có khác nào đang làm việc bất nhẫn.
Thế “chia ba thiên hạ”
Cái tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy của chính quyền trong cuộc chiến vỉa hè phản ánh một trong những nan đề xã hội của chính quyền các đô thị lớn ở những quốc gia mà người nghèo là số đông. Có dễ dàng gì đâu để lạnh lùng ra quyết định triệt hạ cơ hội sinh kế của người dân nghèo đô thị. Chưa kể, người nghèo có phải là “lực lượng” duy nhất bám lấy vỉa hè để hoạt động kinh tế?
Thật ra, cái “thiên hạ” vỉa hè nhìn cho thật cụ thể thì đã ở thế “chia ba”. Có đến ba “lực lượng” kinh tế khác nhau “thôn tính” vỉa hè, áp đặt những mức “trật tự” rất khác nhau lên “lãnh địa” của từng lực lượng.
Kể đến đầu tiên là lực lượng “kinh tế hàng rong” của những người dân nghèo buôn gánh bán bưng. Họ là những đại diện rất tiêu biểu cho người dân nghèo đô thị đang nỗ lực bám trụ trong phạm vị của cuộc đời lương thiện, kiếm sống bằng lao động mồ hôi nước mắt, dãi nắng dầm sương mỗi ngày. Không phải là không có những trường hợp gây rắc rối trật tự vỉa hè, nhưng nhìn chung họ cần được tôn trọng bởi vẫn đang kiên cường để sống lương thiện. Bất cứ chính quyền nào cũng nên xem sự lương thiện của người dân là một loại nguồn lực xã hội vô giá. Họ cũng là đối tượng yếu thế rất dễ bị tổn thương trong đà phát triển đô thị. Chỉ một thay đổi nhỏ về quy định quản lý đô thị thôi thì những người này mất sinh kế. Mà mất sinh kế thì những thúc đẩy bản năng sinh tồn rất dễ khiến con người ta phải tự lật trang giấy cuộc đời sang mặt trái đầy tiêu cực. Bất cứ một chính quyền đô thị nào ra quân dọn dẹp vỉa hè với giả định đơn giản là “bắt và tịch thu” mà không có một giải pháp xã hội nào để thay thế sinh kế cho người nghèo đô thị thì xem như những chiến dịch ra quân ấy đã thất bại từ trong trứng nước.
Lực lượng thứ hai là lực lượng “kinh tế mặt tiền” của những hộ gia đình có nhà mặt tiền. Cái lợi thế mặt tiền ở đô thị là một thứ lợi thế được đầu tư bằng chi phí không hề nhỏ và theo lẽ đó nó phải sinh lợi đánh giá cho người đầu tư. Mở cửa hàng, trưng biển hiệu để làm ăn mua bán thu lời xét cho cùng là nhu cầu chính đáng. Rồi từ chính đáng đi đến quá đáng cũng không có gì là khó hiểu. Lấn đồ đạc ra lề đường công cộng để thêm chỗ ngồi kinh doanh, chìa biển hiệu ra lề đường nhiều nhất có thể để thu hút cạnh tranh. Và đặc biệt, trong bối cảnh hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, thì chiếm luôn diện tích lề đường làm chỗ để xe cho khách hàng cũng là một nhu cầu thiết thực. Đem câu hỏi “khách mua sắm sẽ gửi xe ở đâu?” để đi hỏi các nhà chức trách thì chắc cũng chẳng vị nào dám trả lời cho ra nhẽ. Đúng sai cứ vậy mà lẫn lộn trong cái thực tế các quán xá, cửa hàng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Chính quyền nghĩ đơn giản là tháo dỡ biển hiệu, cấm đoán để xe trên lề đường thì không chỉ triệt đường kinh doanh mua bán của các cửa hàng cửa hiệu mà còn tự cắt luôn nguồn thu thuế của địa phương.
Những thế lực ngầm…
Nhưng lực lượng thứ ba mới là đáng gờm, không ra mặt nhưng lại có thể đang áp đặt trật tự vỉa hè hiện tại. Đó là lực lượng “kinh tế ngầm”, mà thành phần của nó thì không đơn giản để chỉ mặt đặt tên. Không phải tự dưng mà một nhà hàng nào đó hiên ngang chiếm dụng cả một đoạn dài lề đường làm bãi giữ xe cho khách hàng. Không phải tự dưng mà bạn vừa dừng xe ô tô thì có người đến gõ cửa thu tiền đậu xe bên đường với giá trên trời. Không phải tự dưng mà những bãi giữ xe tự phát trên lề đường ở trung tâm thành phố có thể hoạt động với mức giả cả chục nghìn đồng cho một chiếc xe máy. Phường biết không? Quận biết không? Có phải biết mà như không, không mà như biết?
Rồi một ngày nào đó, câu chuyện dọn dẹp lề đường sẽ trở lại trong một bản kế hoạch rầm rộ nào đó của các địa phương. Nhưng liệu có sẵn một kết cục “thất thủ” đang chờ phía trước hay không?
Không có giải pháp căn cơ cho chiến lược sử dụng vỉa hè ở đô thị phù hợp với thực tiễn đời sống và nhu cầu của người dân thì cuộc chiến vỉa hè sẽ còn mãi ở thế giằng co, và lực lượng “kinh tế ngầm” sẽ vẫn cứ áp đặt “trật tự kinh tế vỉa hè” theo cách có lợi nhất cho họ. Khi ấy, dù chính quyền có tuyên bố nỗ lực “giành lại vỉa hè cho người dân” thì người dân vẫn là người chịu thiệt nhất trong mối tương quan của ba lực lượng kinh tế vỉa hè đã nói mà thôi.
Theo TS. Huỳnh Văn Thông ( Doanh nhân Sài Gòn)