Lát hè để làm gì?
Câu hỏi thật ngớ ngẩn. Lát hè đương nhiên để cho đẹp mắt, giữ vẻ đẹp đô thị, tạo thuận tiện cho người đi bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông do họ không còn phải đi xuống đường. Đơn giản, đứa trẻ nhỏ nào cũng có thể hiểu.
Câu hỏi thật ngớ ngẩn. Lát hè đương nhiên để cho đẹp mắt, giữ vẻ đẹp đô thị, tạo thuận tiện cho người đi bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông do họ không còn phải đi xuống đường. Đơn giản, đứa trẻ nhỏ nào cũng có thể hiểu. Vậy mà lại phải đặt ra câu hỏi trên. Bởi lẽ những người có trách nhiệm quản lý đô thị đã cố tình phớt lờ một điều hiển nhiên: Hè là một phần của đô thị, là quỹ đất công, không một cá nhân hoặc tổ chức, đơn vị nào có quyền xâm phạm.
Sở dĩ phải đặt ra câu hỏi có phần ngây ngô trên là vì hè ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và HCM hiện nay hầu hết đã bị tư nhân lấn chiếm. Có đến 95 phần trăm diện tích vỉa hè ở hai thành phố này bị biến thành chỗ kinh doanh, để xe khiến người đi bộ buộc phải đi xuống đường. Không ít nơi, một phần lòng đường cũng bị chiếm nốt nên người đi bộ đã phải đi ra đến giữa đường và tai nạn giao thông đã xảy ra.
Tình trạng trên diễn ra từ lâu. Chính quyền thành phố đã quá nhiều lần tổ chức các lần gọi là “ra quân” khá rầm rộ, trống rong cờ mở để truy quét, dẹp bỏ quán xá, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè để người dân đi bộ. Nhưng lần nào cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy để tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Cho đến nay, việc này trở nên hoàn toàn bất lực đối với chính quyền. Ở TP HCM, cách đây mấy năm có một vị “anh hùng” đi tiên phong trong việc kiên quyết dẹp nạn chiếm dụng vỉa hè mang tên Đoàn Ngọc Hải. Ai cũng hưởng ứng và ngưỡng mộ sự kiên quyết của vị anh hùng này.
Tất nhiên là loại trừ những người bị xâm hại quyền lợi không chính đáng và những kẻ chống lưng cho họ nằm trong bộ máy chính quyền. Vậy nên hành vi anh hùng, rất đáng được đề cao tôn vinh của Đoàn Ngọc Hải cuối cùng đã dẫn đến bi kịch: Ông bị các thế lực ngầm chống đối, bật đèn đỏ, thậm chí bị đe dọa. Trứng không chọi được với đá, ông đành ngậm ngùi nếm thất bại. Nhưng những người dân lương thiện thì chắc chắn còn mãi mãi nhắc đến ông.
Trở lại việc lát hè. Hiện nay, rất nhiều hè ở Hà Nội đang được cậy đá cũ lên để thay bằng đã mới. Tiền chi cho việc này hẳn là không ít. Cứ tưởng dân sẽ được nhờ vì có chỗ đi bộ thoải mái hơn, thành phố cũng sẽ đẹp, thông thoáng hơn.
Nhưng không. Hè mới vừa làm xong, ô-tô, xe máy, quán xá càng thuận lợi để chiếm dụng. Thế là tiền nhà nước – tức là của toàn dân – đã được dùng cho việc phục vụ lợi ích của các nhà hàng, những người trông giữ xe.
Tất nhiên, không phải tự nhiên họ có được điều đó. Chung chi, đi đêm, “thuế” bất hợp pháp đã được họ “xử đẹp” với những kẻ mà nhờ chúng, những vỉa hè mới được sang sửa. Bởi vậy mà người ta không ngạc nhiên khi rất nhiều hè vẫn còn đẹp mắt, gạch lát vẫn chắc chắn mà bôgnx dưng bị sửa. Nhà nước thì mất tiền một cách cực kỳ lãng phí nhưng những túi cá nhân thì lại nặng, đẫy. Lợi ích nhóm đã phát huy hết tác dụng ở đây.
Ví dụ như ở trước số nhà 18 phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đồng Đa (Hà Nội) và ở ngay bên cạnh Bệnh viện lao phổi Trung ương trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội). Hè vừa được lát lại thì ô-tô đỗ chật kín.
Rất đáng nói một cửa hàng bán đồ ăn chiếm gần hết vỉa hè, ngay sát cạnh một điểm đỗ xe buýt. Quán này cố định từ lâu chứ không phải chỉ bán có lúc rồi dọn đi, có nghĩa phần hè này đã bị chủ cửa hàng chiếm dụng toàn bộ từ lâu.
Nghe nói khi dân ở đây thắc mắc thì chính quyền phường nói đó là quán của một gia đình có công với cách mạng nên không ai “động” vào. Ô hay! Vậy là cứ có công alf có quyền vi phậm pháp luật. Đó là chưa kể người ta bịa ra lý do như vậy chứ sự thực chưa hẳn đã như thế./.
Theo Môi trường và Đô thị VN