Thân quyến của người đã khuất nếu là phật tử sẽ được học những giáo pháp từ bi và trí tuệ nên có cái nhìn thiết thực, thể hiện tình cảm với người đã khuất hợp lý để vừa lợi lạc cho người mất, vừa hạn chế cảm xúc tiêu cực cho bản thân và cả mọi người xung quanh.
Trong đạo Phật có chuyện một bà mẹ bị mất đứa con yêu quý. Khi mọi người đưa đứa bé đã chết đi thiêu, bà vẫn nghĩ con còn sống nên bế con chạy hết nhà này tới nhà khác để xin thuốc cứu con. Có người hiểu biết bèn chỉ cho bà đến gặp Phật, và Phật bảo bà đi tìm một nắm hạt cải trắng của nhà nào trước nay chưa có ai chết đem về để Ngài cứu con bà.
Bà mẹ đi từ sáng đến chiều, hỏi nhà nào cũng có người thân đã chết. Mệt mỏi quá bà nằm nghỉ bỗng chợt tỉnh ra rằng người chết quá nhiều, không chỉ riêng mẹ con bà chịu sự vô thường đó mà tất cả mọi người đều chịu chung nỗi đau khổ đó. Thế là bà vơi bớt đau thương và chấp nhận sự thật con mình đã qua đời.
Bất cứ ai hiểu được định luật vô thường của cuộc sống, luôn quan sát sự vận hành của nó trong cuộc đời và vận dụng nó vào đời sống đều có đủ tỉnh thức, đủ mạnh mẽ để đối diện với sự thực về cái chết của người thân yêu, và cả khi họ phải đối diện với cái chết cũng không quá sợ hãi.
Theo chuyên gia Tuệ An (CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hạnh phúc), có mấy cách để vượt qua nỗi đau đớn, mất mát người thân như sau:
1. Nỗi đau là phản ứng tự nhiên, không nên đè nén trong lòng: Hãy làm bạn với cảm xúc nỗi đau để giải tỏa theo cách riêng, hoặc bộc lộ ra ngoài (như đóng cửa, khóc, la hét, tâm sự với ai đó về nỗi đau…).
2. Cần hiểu rõ Sinh – Lão – Bệnh – Tử: Đó là quy luật đời người, hiểu được quy luật và hiểu được tính vô thường bạn sẽ chấp nhận sự ra đi của người thân nhẹ nhàng hơn.
3. Tuy người đã mất, nhưng năng lượng của người ấy vẫn ở quanh ta: Người tuy đã mất nhưng năng lượng của họ vẫn sống trong tâm trí, trái tim người nhà, chứ không phải chết đi hoàn toàn (như con mất bố mẹ thì nhớ bố mẹ là một phần trong cơ thể mình, hoặc bố mẹ mất con thì con vẫn luôn ở trong trái tim bố mẹ). Vì vậy người sống cần sống vui khỏe, làm những điều có ích (làm từ thiện, phóng sinh, tụng kinh…) để người mất an lòng.
Chuyên gia Tuệ An chia sẻ, nhà có người mất bạn cần hiểu là bố mẹ, chồng con và cả bản thân mình trước sau rồi cũng chết, bởi cuộc sống không có gì là của mình. Sinh – Trụ – Hoại – Diệt là quy luật muôn thuở. Chứng nghiệm là cơ thể mình 1 giây có hàng ngàn suy nghĩ cũ mất đi, hàng ngàn suy nghĩ mới phát sinh. Hàng ngàn tế bào mới sinh ra, hàng ngàn tế bào cũ chết đi. Sự sống mỗi ngày cũng có hàng ngàn người chết đi, hàng ngàn người sinh ra. Sinh – Lão – Bệnh – Tử, Sinh – Trụ – Hoại – Diệt là vậy, đừng quá đau buồn mà dính mắc quá vào đó.
Mất người thân là nỗi đau rất lớn, nhưng người thân không thể ở với ta cả cuộc đời. Hãy thay thế nỗi đau bằng cách biết ơn bố mẹ/ con cái đã đến với bạn trong cuộc đời này để bạn vui vẻ hạnh phúc bao năm qua. Trải nghiệm xong rồi thì nay bố mẹ/ con cái ra đi, người sống không nên ôm nỗi buồn khóc mà làm linh hồn người đã mất không được an.
Buồn đau nào hơn nỗi buồn sinh ly tử biệt. Để bày tỏ tình cảm thương yêu với đã người đã mất thì không nên trầm mình trong nỗi đau thương, buồn khổ, khóc lóc, bi thương thái quá… vì không mang lại ích lợi cho người đã mất, mà bản thân thì bị mệt mỏi, suy nhược cơ thể, suy sụp tinh thần… ảnh hưởng tiêu cực đến những sinh hoạt của cuộc sống, hạn chế bớt được những hành vi, thái độ bất thường.
Hãy tích cực chuyển hướng trong đời sống, biết thương yêu, quan tâm và chia sẻ với mọi người hơn, biết sống tốt hơn, đặc biệt hãy vì người đã mất mà làm các việc phúc đức, thiện lành, phóng sinh, tụng kinh để hồi hướng công đức cho họ với niềm tin chuyển bớt phần nào nghiệp nhân quả giúp người đã mất.
Để giúp bản thân hồi phục sau mất mát người thân, cần:
– Tìm kiếm sự giúp đỡ: Một cộng đồng bạn bè và gia đình là một nguồn lực tuyệt vời. Chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào mà họ có thể hỗ trợ và đừng ngại yêu cầu thêm sự trợ giúp.
– Đi gặp gỡ bạn bè, đăng ký tham gia vào hội những người mất người thân, hoặc tìm một cộng đồng tôn giáo hoặc thực hành thiền định…hãy chọn bất cứ hoạt động nào mang lại cho bạn những giây phút vui vẻ, thư giãn.
– Duy trì chăm sóc bản thân: Luôn năng động, trải nghiệm những điều mới như tập thể dục, viết nhật ký, khiêu vũ.
– Quan trọng là ra khỏi nhà sẽ giúp thoát khỏi mớ cảm xúc tiêu cực. Hãy tham gia một lớp học, dự hòa nhạc truyền cảm hứng, đến những nơi ưa thích…
– Tuyệt đối không vùi mình trong cô lập vì sẽ càng đau khổ, dẫn tới cảm xúc tiêu cực kéo dài và có nguy cơ cao mắc rối loạn trầm cảm.
Chuyên gia Tuệ An khuyên: Nhà có người mất nên tìm đọc các cuốn sách “Trở về từ cõi sáng”, phóng tác của Nguyên Phong. Hãy đọc vài lần để hiểu sau khi chết người đã mất cần gì, người sống cần làm gì… Đọc kỹ rồi thì nỗi đau mất mát sẽ giảm rất nhiều, bởi khi hiểu đúng nỗi đau là sự sân (sân hận), sợ (sợ hãi) và có tí tham dính mắc thì sẽ hiểu về quy luật Sinh – Tử và sẽ biết cách để tìm lại sự bình an cho người sống.
Cuốn sách “Tìm ý nghĩa cuộc đời: Giai đoạn thứ sáu của nỗi đau, mất mát” rất hay của tác giả David Kessler sẽ giúp bạn nhận ra rằng bạn không cô đơn, cung cấp cho bạn một số cách thức để giúp bạn phục hồi, vượt qua nỗi đau mất mát.
Theo Tầm Nhìn