Kiểm tra chuỗi của hàng mang thương hiệu Sam Sam
Sau khi nhận được thông tin phản ánh việc chuỗi cửa hàng kinh doanh Sam Sam tại địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đội QTTT số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an Thành phố Vĩnh Yên tiến hành kiểm tra chuỗi cửa hàng mang thương hiệu nêu trên. Đây được cho là động thái đầu tiên của cơ quan chức năng trong việc làm rõ thông tin sai phạm liên quan đến chuỗi cửa hàng Sam Sam – thương hiệu mỹ phẩm gây chú ý thời gian qua trên một số phương tiện truyền thông đại chúng.
Động thái làm rõ sai phạm!
Được biết, chuỗi cửa hàng Sam Sam thuộc thương hiệu Sam Sam được đưa vào hoạt động kinh doanh từ năm 2018 đến nay. Hiện thương hiệu này có 3 cơ sở đều nằm trên những tuyến đường đắc địa tại thành phố Vĩnh Yên. Trong quá trình kiểm tra, phía cơ quan chức năng xác định, Sam Sam có 18 mã sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội QLTT số 1 đã lập 2 biên bản làm việc số: 61010052/BB-KT, 61010053BB-KT, phần kết luận của biên bản làm việc có ghi cụ thể: “Cửa hàng Sam Sam kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là trái quy định tại thông tư liên tịch số 64/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, hành vi trên là hành vi kinh doanh nhập lậu…”. Đồng thời phía đội QLTT số 1 cũng lập 2 biên bản tạm giữ 18 mã sản phẩm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
“Không có chuyện bao che”
Ông Lê Hùng, phó cục trưởng cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Sau khi ghi nhận thông tin về việc chuỗi cửa hàng Sam Sam nghi vấn bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chúng tôi đã chỉ đạo điều tra làm rõ. Phía QLTT không có chuyện bao che và yêu cầu làm nghiêm túc, đội phải có trách nhiệm rà soát, nắm bắt, phải xây dựng phương án kiểm tra theo đúng quy định. Phía Cục QLTT đã có công văn số: 157/CQLTT-NVTH, chỉ đạo đội QLTT số 1 lập báo cáo sự việc, trong công văn nêu rõ “yêu cầu đội QLTT số 1 triển khai thực hiện và báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về cục QLTT”. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có thường xuyên kiểm tra, giám sát chuỗi cửa hàng Sam Sam hay không? Cục phó cục QLTT lại phản hồi: “Chắc là chưa kiểm tra cửa hàng này, chúng tôi sẽ nắm bắt lại và trả lời sau”. Trên thực tế, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Sam Sam hoạt động kinh doanh tới nay đã được 4 năm, nhưng không hiểu vì lý do gì, mà cho tới thời điểm kiểm tra, vẫn chưa từng có một cuộc kiểm tra, rà soát trước đó? Cũng không hiểu vì lý do gì mà toàn bộ các cửa hàng mang thương hiệu Sam Sam đều nằm trên những tuyến phố trung tâm của thành phố Vĩnh Yên, chỉ cách cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc một vài km nhưng lại không thể gây được “sự chú ý” với cơ quan chức năng???.
Liệu có “kịch bản” nào cho Sam Sam?
Trước khi có sự vào cuộc của đội QLTT, qua ghi nhận thực tế, PV nhận thấy tại 3 cửa hàng thuộc hệ thống của Sam Sam bày bán rất nhiều sản phẩm. Phần lớn sản phẩm đều sử dụng thông tin bằng tiếng nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt. Theo nhân viên tư vấn của cửa hàng, hàng hóa tại đây chủ yếu là “hàng xách tay” mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, chuỗi cửa hàng Sam Sam vẫn có thể cung cấp sỉ, số lượng lớn nếu khách hàng yêu cầu. Vậy nhưng, khi Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 61010052/QD-KT, quyết định số 61010053/QĐ-KT, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại 2 cửa hàng Sam Sam trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc thì hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trong cửa hàng chỉ còn lại số lượng rất ít. Mỗi mã hàng chỉ có khoảng vài ba sản phẩm, hầu hết sản phẩm đều có tem xuất xứ, ghi tiếng Việt, dán đè lên vỏ bao bì ngoài rất… “đúng quy trình”. Liệu rằng Sam Sam có thực sự “khan hàng” như những gì đã diễn ra tại cuộc kiểm tra, hay đã có sự chuẩn bị trước khi cơ quan chức năng tiến hành làm việc?
Các sản phẩm do Sam Sam cung ứng đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc Sam Sam sử dụng hàng không rõ nguồn gốc cung cấp ra thị trường sẽ để lại hậu quả rất khôn lường đối với sức khoẻ người sử dụng. Theo quy định của pháp luật, hành vi buôn bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu trốn thuế có thể xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các sản phẩm “đeo” mác nổi tiếng, được bán trong những cửa hiệu nổi tiếng nhưng không có thông tin chỉ dẫn tương tự như chuỗi cửa hàng Sam Sam, chẳng những vẫn ngang nhiên tồn tại, mà thậm chí còn trở thành một thực trạng phổ biến tại khắp mọi địa phương trong cả nước. Đây thực sự đã trở thành một vấn đề rất đáng lo ngại, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn