Khu Di tích Bạch Đằng Giang nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử QG
Tối 2/1, tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ.
Cùng dự có các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương trên cả nước, các nhà khoa học, khảo cổ học tiêu biểu của nước ta.
Khu di tích Bạch Đằng Giang là một địa danh lịch sử đặc biệt nằm trên thế đất tựa sơn, phía trước có thiên nhiên hùng vĩ là sông, biển, đồi núi, đồng bằng.Từ sông Bạch Đằng nhìn vào, Tràng Kênh như một Hạ Long trên cạn với nhiều núi non hùng vĩ. Tràng Kênh cũng là vùng đất lưu giữ di chỉ của người Việt cổ, nơi giao thoa văn hóa của người miền núi ở cánh cung Đông Triều với người miền biển của văn hóa Hạ Long của các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt. Từ trước công nguyên đến thời Bắc thuộc, Núi Tràng Kênh – Sông Bạch Đằng án ngữ con đường xâm lăng duy nhất về phương Nam của các thế lực Phương Bắc. Nơi đây, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 3 lần đều dùng trận địa cọc, cả 3 lần đều chỉ xảy ra trong 1 ngày, 1 con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống giặc, chém chết chủ tướng, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn. Không một khúc sông nào nơi đây không nhuốm máu quân thù. Bạch Đằng – Tràng Kênh thực sự là một địa danh có lịch sử truyền thống hào hùng, oanh liệt trong lịch sử trường tồn của dân tộc.
Đây cũng là một trong số ít điểm tham quan du lịch trong cả nước thực hiện nghiêm quy chế “ba không” – không thương mại, không buôn bán hàng quán tại khu di tích; không thu bất kỳ một loại phí nào khi du khách vào tham quan, kể cả phí gửi xe và không rác thải, khu di tích luôn luôn được vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Khu Di tích Bạch Đằng Giang được Nhà nước xếp hạng Khu Di tích lịch sử quốc gia là vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của Khu Di tích. Để hoàn thành trách nhiệm đó, đồng chí đề nghị UBND thành phố khẩn trương kiện toàn Ban quản lý Khu Di tích, thực hiện nhiệm vụ quản lý theo nhiệm vụ đã được phê duyệt và các quy định của Luật Di sản văn hóa, cùng hệ thống các luật liên quan. Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý Khu Di tích ban hành quy chế quản lý, phát huy mô hình ba không trong những năm vừa qua. Tiếp tục duy trì khu Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang là công trình phục vụ nhân dân, tuyệt đối không thu vé thăm quan, không tổ chức kinh doanh thương mại dịch vụ; không thu tiền trông giữ xe của nhân dân và du khách. Ban quản lý Khu Di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho khu di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi như lời danh sĩ nổi tiếng thời nhà Trần, Phạm Sư Mạnh đã khẳng định “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”.
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 1082 năm chiến thắng đầu tiên trên sông Bạch Đằng của Đức vương Ngô Quyền (31/12/938-31/12/2020), chuẩn bị kỷ niệm chẵn 1045 năm chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 2 của Hoàng Đế Lê Đại Hành (28/4/981 – 28/4/2021), và kỷ niệm 733 năm chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (9/4/1288 – 9/4/2021).
Đây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo Môi trường và Đô thị VN