Khoảng tối gần trăm tỷ đồng tại HUD1
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HUD1 – Mã Ck: HU1) rót hàng chục tỷ đồng vào các công ty con. Nhiều khoản tiền lớn mà HUD1 chi sang công ty con hiện không có cơ sở hiện hữu và mập mờ đến khó hiểu.
“Lập lờ” nợ
HUD1 trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị (HUD) được cổ phần hóa từ Doanh nghiệp Nhà nước hạng I, có số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2020 được công bố gần đây, công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về những khoản công nợ phải thu và nợ phải trả hơn 52 tỷ đồng không có đầy đủ bằng chứng thích hợp về tính hiện hữu, đúng đắn.
Đến nay, Ban Giám đốc HUD1 vẫn chưa có giải trình cụ thể, mới chỉ đưa ra câu trả lời qua loa là sẽ thu hồi các bản đối chiếu sớm nhất để cung cấp cho cơ quan kiểm toán.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2020, HUD1 có các khoản nợ phải thu với giá trị 37,11 tỷ đồng, nhưng không hề có các bản đối chiếu công nợ hợp lý để đảm bảo tính hiện hữu, đúng đắn và đầy đủ của khoản nợ này. Do đó, khả năng thu hồi nợ cũng không có cơ sở xác thực.
Ngoài ra, HUD1 có một khoản nợ phải trả được hạch toán với giá trị 15,53 tỷ đồng mà không có căn cứ làm bằng chứng thích hợp.
Là một công ty lớn với 20 năm xây dựng và phát triển, nhưng HUD1 lại khá “dễ dãi” trong xử lý tài chính những khoản nợ và phải trả hàng chục tỷ đồng. Có lẽ, trong những tháng đầu năm 2021, HUD1 sẽ phải cố gắng xoay xở tìm thu các văn bản đối chiếu, thậm chí phải “bút toán” cho hợp lý các khoản này.
HUD1 có một khoản đầu tư 12,75 tỷ đồng vào công ty con là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD1.02 (nắm quyền sở hữu 51% cổ phần của HUD1.02). Khoản trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động này chiếm 35% tổng số vốn đầu tư (4,43 tỷ đồng). Hiện tại, HUD1.02 đã tạm dừng hoạt động do khó khăn.
Do hiệu quả đầu tư không có, khả năng thu hồi vốn của HUD1 không xác định được do công ty con này không có báo cáo tài chính cụ thể, cũng như kế hoạch hoạt động trong năm tiếp theo. Khoản dự phòng rủi ro hơn 4 tỷ trên vì thế cũng không có cơ sở chính xác.
Không những mất trắng số vốn đầu tư trên, HUD1 cũng có nguy cơ mất số tiền tạm ứng trước cho HUD1.02 là 35,26 tỷ đồng và khoản phải thu tiền cổ tức là 1,4 tỷ đồng.
Thông thường, các doanh nghiệp hay “giấu” những khoản lỗ, khoản thiệt hại vào các dự án đầu tư công ty con, rồi để các công ty con tự xử lý nhằm hợp lý hóa lỗ kinh doanh, hoặc tiền rút ruột công ty mẹ, dự án lớn. Như vậy, những khoản thua lỗ “không biết giải thích thế nào” sẽ được hợp thức trước cổ đông. Nói cách khác, những khoản công nợ phải thu không rõ nguồn gốc cũng là một trong những thủ thuật tài chính của lãnh đạo công ty thường sử dụng để phục vụ cho việc “rút ruột” công ty, công trình.
Sức khỏe tài chính yếu kém
Năm 2020 đánh dấu một sự sụt giảm mạnh cả doanh thu lẫn lợi nhuận của HUD1, với việc doanh thu giảm 33% so với năm trước. Chi phí lãi vay không giảm, trong khi các chi phí khác tăng đã kéo lợi nhuận trước thuế của HUD1 giảm 27%. Thuế thu nhập doanh nghiệp tăng do điều chỉnh theo một số chính sách mới. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức giảm 67% so với năm 2019, chỉ đạt 4,9 tỷ đồng.
Là công ty được biết đến nhiều trong lĩnh vực thi công xây lắp các loại công trình dân dụng, tuy nhiên, hoạt động thi công xây lắp của HUD1 không được cải thiện trong nhiều năm qua. Lãnh đạo của HUD1 phải chuyển hướng tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh bất động sản. Mảng thi công xây lắp chỉ có thể phụ thuộc vào những dự án mà HUD1 đầu tư.
Doanh thu từ kinh doanh bất động sản của HUD1 hiện nay chiếm 73% tổng doanh thu của công ty.
Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, HUD1 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các căn hộ tại dự án chung cư Sky Central 176 Định Công, bên cạnh đó là việc nhận thầu thi công dự án biệt thự nghỉ dưỡng giai đoạn 1, thuộc dự án Khu đô thị sinh thái AE Resort – Cửa Tùng, Quảng Trị.
Báo cáo tài chính công ty mẹ có kiểm toán năm 2020 cho biết, nợ ngắn hạn của HUD1 đã vượt quá tài sản ngắn hạn 243 tỷ đồng, và cao gấp gần 5 lần số vốn chủ sở hữu.
Điều này có nghĩa, HUD1 đang bị mất cân đối tài chính ở mức độ nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh, đầu tư của HUD1 phụ thuộc hoàn toàn vào vay nợ. Khả năng thanh khoản kém, gần như không có. Chỉ số thanh khoản bằng tiền mặt của HUD1 tính đến thời điểm cuối năm 2020 ước khoảng 0,04%.
Chất lượng tài sản của HUD1 cũng rất yếu, với chỉ số ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân) luôn ở mức dưới 1% trong nhiều năm nay. ROA quá thấp cho thấy việc sử dụng tài sản của HUD1 ở mức thấp, chất lượng tài sản yếu kém (mức ROA bình quân thường trên 5%).
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân (ROE) luôn dưới mức 5% (năm 2020: ROE của HUD1 là 4,6%), trong khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác luôn có chỉ số ROE trên dưới 20%.
Kết quả kinh của HUD1 trong những năm gần đây cho thấy, dù chuyển đổi kinh doanh bất động sản hay mảng thi công xây lắp, HUD1 vẫn đang ngày càng đi giật lùi, với những chỉ số tăng trưởng âm liên tiếp.
HUD1 hiện nay vẫn đang chật vật xoay xở giữa các khoản công nợ phải thu (dù không biết có chính xác hay không) và giải quyết những khoản nợ vượt quá tầm thanh khoản của mình. Do đó, việc phát triển hướng kinh doanh phù hợp để vực dậy công ty còn chưa được lãnh đạo chú trọng hàng đầu.
Nguồn: Khoa học và Đời sống