Khi nào dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội sẽ chạy thử 10 đoàn tàu?

Tác giả : Admin 08/10/2021

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đang liên tục lắp ráp, thử nghiệm các đoàn tàu, phấn đấu chạy thử liên tiếp tất cả đoàn tàu vào tháng 12/2021.

Ngày 8/10, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, sau khi hoàn thành đưa 10 đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội về dự án (tháng 9/2021), đến nay nhà thầu gói thầu đầu máy, toa xe đang khẩn trương hoàn thiện lắp ráp 2 đoàn cuối, đồng thời thử nghiệm liên tục các đoàn tàu khác.

“Gói thầu CP06 (Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 1: đầu máy toa xe, thiết bị Depot, CC/SCAD, tín hiệu, thông tin và cấp điện) đang đảm bảo đúng tiến độ. MRB cùng tư vấn, nhà thầu đang nỗ lực để chạy thử liên tiếp tất cả các đoàn tàu vào tháng 12/2021.

Khi dự án đi vào vận hành chính thức, sẽ vận hành liên tục 8 đoàn tàu, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp”, MRB thông tin.

9845 1633682527 Nhon Ga Ha Noi
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đang liên tục lắp ráp, thử nghiệm các đoàn tàu, phấn đấu chạy thử liên tiếp tất cả đoàn tàu vào tháng 12/2021. (Ảnh: Internet)

Đại diện MRB cho biết thêm, hiện đang làm việc với Cục Đăng kiểm VN để kiểm định các đoàn tàu theo quy định và cung cấp các hồ sơ cho Tư vấn ABC để đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Nhổn – ga Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. MRB dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm nay và toàn tuyến vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ đến nay không kịp hoàn thành đoạn trên cao vào cuối năm 2021.

Lãnh đạo MRB cũng thừa nhận dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, dưới tác động của dịch COVID-19 trên toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ thực hiện dự án đặc biệt là đối với việc huy động chuyên gia nước ngoài sang làm việc cũng như việc sản xuất, nhập khẩu các thiết bị của dự án từ châu Âu.

“Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ trong thời gian dài do vướng mắc về thủ tục và sự chấp hành của các hộ dân; thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh các hiệp định vay, nghị định thư tài chính kéo dài; vướng mắc do Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam đang chưa đồng bộ và đầy đủ, có nhiều điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án,” lãnh đạo MRB cho hay.

Bên cạnh đó, thủ tục giao vốn ODA, các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh các hiệp định vay, nghị định thư tài chính giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ phức tạp, kéo dài do quy định của Việt Nam và nhà tài trợ có nhiều khác biệt. Bình quân thời gian thực hiện cho thủ tục điều chỉnh một hiệp định vay từ 1-1,5 năm.

Theo An Nhiên Môi trường và Đô thị VN

Tin liên quan