Indonesia sử dụng công nghệ AI để cải thiện giao thông ở thủ đô
Cơ quan Giao thông vận tải Jakarta của Indonesia đã chính thức áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hệ thống đèn giao thông tại 20 giao lộ trên khắp thủ đô nhằm giải quyết nạn tắc đường.
Chính quyền thủ đô Jakarta – đại đô thị với hơn 10 triệu dân của Indonesia phải tìm đến sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết các vấn đề giao thông vốn ngày càng trở nên trầm trọng.
Sở Giao thông vận tải Jakarta đang hợp tác với Google để lắp đặt 20 đèn tín hiệu giao thông được trang bị công nghệ AI để phân tích thời lượng đèn xanh tối ưu dựa vào số lượng phương tiện qua lại và tính toán thời gian cần thiết để các phương tiện di chuyển giữa các địa điểm có đèn giao thông.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Jakarta, ông Syafrin Liputo cho biết: “Cho đến nay, việc quản lý thời lượng đèn giao thông được thực hiện thủ công bởi các nhân viên. Nhưng bây giờ các thuật toán sẽ tự động làm điều đó trong thời gian thực”.
Ông Syafrin cho hay AI đã giảm tắc nghẽn thành công vì cung cấp đèn xanh dài hơn cho các đoạn đường đông đúc hơn. Hệ thống này cũng có thể nhận ra các phương tiện giao thông công cộng, như xe buýt của nhà điều hành Transjakarta, và dành ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng ở các giao lộ.
Bước đầu, 20 đèn tín hiệu giao thông trang bị công nghệ AI đã được lắp đặt ở một số khu vực trên địa bàn thành phố. Sở Giao thông Vận tải Jakarta đang có kế hoạch lắp đặt đèn giao thông ứng dụng AI tại 40 giao lộ khác trong năm nay.
Đèn giao thông ứng dụng AI là chiến lược mới nhất được chính quyền Jakarta triển khai nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở khu vực thủ đô. Theo ước tính của cảnh sát Jakarta, hơn 22 triệu phương tiện xe cơ giới di chuyển hàng ngày trên các tuyến đường của thủ đô, cộng với hàng triệu phương tiện khác tại các thành phố vệ tinh.
Mới đây, quyền Thống đốc Jakarta Heru Budi Hartono đã ra lệnh đóng cửa 32 điểm quay đầu xe trên toàn thành phố, vốn được cho là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông, đồng thời đề nghị các công ty tư nhân bắt đầu ngày làm việc vào 2 khung giờ khác nhau là 8h và 10h sáng nhằm giảm bớt tình trạng tắc đường.
Ngoài ra, ông Heru cũng công bố kế hoạch mở rộng các tuyến xe buýt Transjakarta đến nhiều điểm ở các thành phố vệ tinh của Jakarta, trong đó có Depok và Bogor thuộc tỉnh Tây Java, cũng như sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thành phố Tangerang thuộc tỉnh Banten.
Trong khi đó, một số nhà phân tích đã kêu gọi chính quyền thành phố Jakarta thực thi các chính sách cứng rắn hơn để giảm tắc nghẽn giao thông như thu phí sử dụng đường bộ bằng hệ thống điện tử và tăng phí đỗ xe nhằm ngăn người dân sử dụng các phương tiện cá nhân.
Thủ đô Jakarta của Indonesia nằm trong số các thành phố đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất thế giới. Xử lý tình trạng ùn tắc là một trong những nhiệm vụ Tổng thống Indonesia Joko Widodo giao cho chính quyền Jakarta. Cảnh sát thủ đô Jakarta nhận định lưu lượng giao thông ở Jakarta đạt mức cao. Vì vậy, cảnh sát đã đưa ra một số sáng kiến như điều chỉnh giờ hành chính cho người lao động hay lưu thông biển số xe chẵn -lẻ ở Jakarta để giảm tắc nghẽn.
Theo Môi trường và Đô thị VN