Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ trong các khu công nghiệp Hà Nội năm 2022
TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất hơn 1.300ha. Trong đó, có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Tối 28/12, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ trong các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2022. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã tới dự.
Hiện nay, TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất hơn 1.300ha. Trong đó, có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; KCN hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 với diện tích khoảng 77ha đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được 2 dự án.
Năm 2022 thu hút đầu tư 359,5 triệu USD
Các KCN đã thu hút được 711 dự án đang hoạt động, trong đó, có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 166.000 lao động với thu nhập ổn định. Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN.
Để tiếp tục tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư vào KCN trên địa bàn TP, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP, ngay từ đầu năm, Ban quản lý đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, tập trung rà soát quy hoạch và đề xuất phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phương án trình UBND TP, giai đoạn 2021-2030, TP xác định mục tiêu quy hoạch và phát triển 24 Khu công nghiệp, với tổng diện tích là 5.831,8 ha, cụ thể: 9 KCN đang hoạt động, với tổng diện tích 1.670,6ha (trong đó đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch KCN Hà Nội – Đài Tư với diện tích 40ha); 3 KCN đã thành lập và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 663,4ha, gồm: KCN Quang Minh II, diện tích 160ha; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, diện tích 200,6ha; KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8ha.
3 KCN phù hợp quy hoạch, đang xin chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 586,8ha gồm: KCN Đông Anh, diện tích 300ha; KCN Bắc Thường Tín, diện tích 112ha; KCN Phụng Hiệp, diện tích 174,8ha. 04 Khu công nghiệp phù hợp quy hoạch, tiếp tục được bổ sung vào phương án phát triển hệ thống KCN giai đoạn 2021-2030, với tổng diện tích 1.604ha gồm: KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ; diện tích 389ha; KCN Khu Cháy, huyện Ứng Hòa, diện tích 550ha; KCN Tiến Thắng, huyện Mê Linh, diện tích 450ha; KCN Bắc Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, diện tích 215ha.
5 Khu công nghiệp mới đề xuất bổ sung vào phương án phát triển hệ thống Khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với tổng diện tích 1.307ha, cụ thể: KCN Thanh Văn – Tân Ước, huyện Thanh Oai, diện tích 350ha; KCN Xuân Dương, huyện Thanh Oai, diện tích 150ha; KCN Ba Vì, huyện Ba Vì, diện tích 310ha; KCN Phù Đổng, huyện Gia Lâm, diện tích 410ha; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín (phần mở rộng, diện tích 87ha).
Công tác thu hút đầu tư năm 2022 của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đạt 359,5 triệu USD quy đổi, tăng 20% so với năm 2021; trong đó đã thu hút được 10 dự án mới vốn đăng ký 8,5 triệu USD và 611 tỷ đồng, 18 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 307,7 triệu USD và 385 tỷ đồng (trong năm, có 05 doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện đầu tư mới và mở rộng với vốn đầu tư lớn là: Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (tăng vốn 150 triệu USD); Công ty TNHH Shu-nyun Hà Nội Việt Nam (tăng vốn 90,5 triệu USD); Công ty TNHH Nidec San-kyo (tăng vốn 32,5 triệu USD); Công ty cổ phần trang thiết bị y tế TMC Việt Nam (đầu tư dự án 395 tỷ đồng); Công ty cổ phần HTMP (tăng vốn 160 tỷ đồng).
Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 706 dự án đang hoạt động, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký trên 6,4 tỷ USD và 404 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 18.600 tỷ đồng. Năm 2022, các doanh nghiệp tại 10 KCX có doanh thu năm 2022 ước đạt 8,1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 300 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu năm 2022 ước đạt trên 4,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội.
Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội chủ yếu thuộc châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Châu Âu và Mỹ chiếm dưới 10% tổng vốn đăng ký. Dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Có thể thấy, với lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quang Long- Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết: “Mục tiêu năm 2023 của chúng tôi là thu hút đầu tư đạt 400 triệu USD tăng 20% so với năm 2022. Phấn đấu doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Hoàn thành thủ tục đầu tư và tham mưu quyết định thành lập mới từ 02 đến 03 KCN; tạo mặt bằng sạch thu hút dự án đầu tư vào các KCN. Hoàn thành phương án phát triển hệ thống các KCN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: “Năm 2022, bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều điểm sáng, nổi bật là: Hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2022, trong đó vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021; tăng trưởng GRDP Thành phố năm 2022 đạt 8,89% – mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Các doanh nghiệp Hà Nội đã đóng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế Thủ đô”.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh Thành phố sẽ tiếp tục phân cấp và ủy quyền nhiều hơn nữa cho Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để giảm các thủ tục trung gian, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng theo quy định để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Nhiều chính sách xúc tiến đầu tư
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP. Hà Nội đã và đang thúc đẩy hình thành mạnh mẽ các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện về mặt bằng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Tuy nhiên, ông cho rằng để làm được điều này đòi hỏi các hoạt động xúc tiến, thương mại, du lịch cần hạn chế làm bề nổi, chuyển sang hoạt động thực tế đi vào chiều sâu; qua đó nâng cao hiệu quả trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để tiếp tục phát huy lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong những tháng cuối năm 2022, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ và EU… Phát huy tối đa kết nối giữa các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư lớn với TP. Hà Nội; Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tìm hiểu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư trong nước.
Cụ thể, tổ chức đoàn công tác quảng bá môi trường đầu tư TP. Hà Nội và nghiên cứu tiềm năng, đối tác đầu tư tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha; tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch với Hàn Quốc; Hội nghị “Hà Nội 2022 – Hợp tác, đầu tư và phát triển”.
Trước đó, nhằm chuẩn bị sẵn hạ tầng, TP. Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt “Đề án thành lập từ 2-5 khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng; Khu công nghiệp Phụng Hiệp.
Song song với đó, TP. Hà Nội đang xúc tiến triển khai dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư.
Để tăng cường năng lực đón nhận dòng vốn FDI và tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối, theo chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp đất dễ dàng, nhanh chóng; sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải rắn, nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Hạ tầng công nghiệp là các khu công nghiệp và nếu cải cách thị trường trong nước càng tốt, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài càng cao. Theo logic, nếu mở cửa hội nhập càng tốt càng thu hút được đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều thuộc dòng đầu tư chất lượng cao sẽ tạo ra áp lực để buộc TP. Hà Nội phải cải cách mạnh hơn nữa”, ông Nguyễn Đình Thiên nói./.
Theo Môi trường và Đô thị VN