Hitachi đưa chuối Úc vào kỷ nguyên kỹ thuật số
Hitachi sẽ giúp một trang trại chuối ở Úc chuyển đổi kỹ thuật số toàn bộ hoạt động, từ sản xuất đến phân phối, sử dụng các công nghệ tiên tiến như internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo để nâng hiệu quả và năng suất.
Hitachi Vantara, công ty dịch vụ công nghệ thông tin của Hitachi tại Mỹ, sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Bartle Frere Bananas, một trang trại chuối ở bang Queensland, đông bắc Australia, với các giải pháp kỹ thuật số “Trang trại thông minh”, theo Nikkei Asia.
Gavin Devaney, chủ sở hữu và giám đốc điều hành trang trại, cho biết canh tác bền vững đòi hỏi sự minh bạch lớn về dữ liệu và sự hiểu biết tường tận có thể chuyển thành hành động.
Nhật Bản, cường quốc công nghệ, đã đưa thị trường công nghệ nông nghiệp toàn cầu vào tầm ngắm. Trong bối cảnh dân số thế giới vẫn đang tăng, được thúc đẩy bởi tăng trưởng ở các nước đang phát triển, nhu cầu về lương thực sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm tới, đòi hỏi nông nghiệp phải thâm dụng công nghệ và hiệu quả hơn.
Chuyển đổi kỹ thuật số trở thành một mệnh lệnh chiến lược đối với các nhà sản xuất thực phẩm, vì học máy (machine learning), tự động hóa và các công nghệ mới nổi khác đang thay đổi hoàn toàn hoạt động kinh doanh ở hầu hết các ngành công nghiệp. Học máy là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể.
Trang trại sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu được thu thập từ các trạm theo dõi thời tiết và các cảm biến độ ẩm của đất để kiểm soát mức độ tưới, từng khu một. Hệ thống được thiết kế để giúp xác định thời điểm cung cấp nước cho cây và lượng nước bao nhiêu. Hitachi dự kiến sẽ tạo ra một hệ thống tưới hoàn toàn tự động dựa vào aI trong tương lai.
Việc bón phân được kiểm soát bằng công nghệ Internet vạn vật. Các cảm biến sử dụng năng lượng mặt trời được lắp đặt trên các máy bơm thoát nước theo dõi lượng phân bón thải ra sông để giảm thiểu lượng phân bón chảy tràn và hạn chế mức độ tác động của trang trại đến môi trường. Hệ thống dự báo thời điểm chuối sẵn sàng cho thu hoạch cũng sẽ được đưa vào.
Một hệ thống theo dõi chuỗi cung ứng sử dụng thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) được gắn vào cây chuối và các pallet (kệ kê hàng) sẽ theo dõi trái cây từ nông trại đến chợ. Các thẻ có thể lưu trữ một loạt thông tin và sử dụng sóng vô tuyến để truyền dữ liệu. Thiết bị theo dõi sử dụng chức năng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và cảm biến nhiệt độ sẽ được sử dụng để giữ chuối ở điều kiện tối ưu trong quá trình vận chuyển.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, sản lượng lúa mì trung bình trên toàn cầu vượt mức tiêu thụ trung bình 800 tấn từ năm 2017 đến 2019. Nhưng viện dự đoán sẽ thiếu hụt 700.000 tấn vào năm 2030. Triển vọng ảm đạm này làm nổi bật tiềm năng thị trường của các giải pháp nông nghiệp thông minh dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số.
Cơ quan nghiên cứu thị trường Global Information cho biết thị trường công nghệ nông nghiệp toàn cầu được định giá 41,1 tỷ USD vào năm 2027, tăng 450% so với 2019. Bị thu hút bởi tiềm năng tăng trưởng, các công ty khởi nghiệp đang đổ xô vào thị trường này. Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp về thực phẩm và nông nghiệp đã nhận được tổng cộng 30,5 tỷ USD tiền đầu tư, theo AgFunder, một nhà cung cấp vốn mạo hiểm.
Hitachi đang tìm cách tận dụng xu hướng này bằng cách cung cấp dịch vụ nền tảng Internet vạn vật Lumada, nhằm biến dữ liệu thành thông tin chi tiết để thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số. Tập đoàn cung cấp các dịch vụ Lumada, trong đó có phân tích dữ liệu bằng cách sử dụng aI và các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến khác, cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Doanh thu của các dịch vụ này dự kiến đạt 1,58 nghìn tỷ yên (14 tỷ USD) trong năm tài chính 2021, tăng 42% so với năm trước, Nikkei Asia đưa tin.
Theo Kim Ngân-Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn.