HDBank và PGBank lỗ lãi sao trước thương vụ sáp nhập thất bại?
Hai ngân hàng HDBank và PGBank đều trình cổ đông việc chấm dứt giao dịch sát nhập, kết thúc thương vụ thỏa thuận kéo dài hơn 3 năm.
Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết ban lãnh đạo ngân hàng này sẽ trình cổ đông việc chấm dứt sáp nhập ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào hệ thống ngân hàng sau hơn 3 năm đàm phán.
Lý do được HDBank đưa ra là dù hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được ngân hàng Nhà nước thông qua vào tháng 10/2018, nhưng đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa chính thức chấp thuận cho giao dịch sáp nhập giữa hai bên khiến quá trình sáp nhập bị trì hoãn và kéo dài.
Việc dừng kế hoạch sáp nhập HDBank và PGBank cũng được PGBank nhắc đến trong tài liệu chuẩn bị Đại hội cổ đông 2021.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của HDBank đạt 5.818 tỷ đồng, tăng 15,9% và hoàn thành 102,8% kế hoạch. Trong đó, lãi từ dịch vụ tăng 51,8% so với năm 2019. Mảng kinh doanh bảo hiểm ngay sau khi được tái khởi động đã đạt kết quả rất tích cực.
Tổng tài sản hợp nhất của nhà băng này đạt hơn 319 nghìn tỷ đồng, tăng 39,1% so với năm 2019 và hoàn thành 104,5% kế hoạch.
Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ được kiểm soát chỉ 0,93%, thuộc nhóm thấp nhất ngành. Ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng, với tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu riêng lẻ đạt hơn 100%, sẵn sàng ứng phó rủi ro nếu phát sinh.
Các chỉ tiêu an toàn của HDBank không ngừng được nâng cao. Trong đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát chỉ 24,8% so với mức tối đa theo quy định là 40%.
Năm 2021, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.281 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tổng tài sản dự kiến tăng 25% đạt 399.320 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng tăng 26% đạt 236.758 tỷ đồng và tổng huy động vốn tăng 25% lên 359.851 tỷ đồng.
HDBank cũng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.200 qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Với số vốn điều lệ được bổ sung, ngân hàng này sẽ dùng để cho vay trung dài hạn 2.000 tỷ đồng và phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động của ngân hàng.
Trong khi đó, PGBank ghi nhận lãi thuần hơn 906 tỷ đồng năm 2020, tăng hơn 5% so với năm 2019. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng lần lượt thu về 29,98 tỷ đồng và 31,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 8% và giảm 37% so với năm 2019.
Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh ở mức 200%, nhưng chỉ thu về khiêm tốn hơn 21 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PGBank giảm hơn 48% về gần 282 tỷ đồng trong năm 2020, làm lợi nhuận trước thuế của nhà băng này tăng vọt lên hơn 212 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần mức thực hiện năm 2019.
Tại thời điểm cuối năm 2020, quy mô tài sản của PGBank là 36.153 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng và dư nợ cho vay khách hàng lần lượt đạt 28.738 tỷ đồng và 25.675 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm từ 3,16% ở đầu năm 2020 về 2,44% thời điểm cuối năm.
Năm 2021, PGBank được cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 310 tỷ, tăng 46% với giả định tổng thu nhập tương đương năm trước, ở mức 1.148 tỷ đồng. Trong khi chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro giảm 90%.
PGBank dự kiến tổng huy động vốn đạt 32.500 tỷ, tăng 13,3% trong năm, dư nợ cho vay khách hàng đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2020.
Theo Tri thức cuộc sống