Hải quan tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tạo thuận lợi cho ‘dòng chảy’ hàng hoá
Ngành hải quan đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh COVID-19.
Đẩy nhanh thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ sản xuất
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang đối mặt với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 230.538 tỷ đồng, bằng 73,2% dự toán, bằng 69,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 31,53% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin với báo chí, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn nhất trong cả nước như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương,… phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ hoặc ở mức độ cao hơn, dẫn đến nhiều hoạt động không thiết yếu bị tạm dừng. Nhiều khu vực bị phong tỏa đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao.
Tổng cục Hải quan đã có một số giải pháp đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để kịp thời cung ứng các nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, vaccine, sinh phẩm y tế,… phục vụ công tác phòng chống dịch.
Hải quan chấp nhận cho DN được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc của người khai hải quan, bảo đảm hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hoá.
“Với những vướng mắc phát sinh tại chỗ chưa giải quyết được, chỉ cần qua email (thư điện tử), ứng dụng trên Zalo, Viber, các đơn vị sự nghiệp của Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn ngay cho các địa phương trong khoảng thời gian lâu nhất là 3 giờ”, ông Đào Duy Tám khẳng định.
Ông Đào Duy Tám cho biết, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm đến việc tạo thuận lợi tối đa cho thông quan các mặt hàng quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, tân dược, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ công tác phòng chống dịch. Cho phép DN được đưa các lô hàng tân dược về kiểm tra thực tế hàng hóa tại các địa điểm đáp ứng yêu cầu bảo quản đặc biệt để đảm bảo chất lượng của thuốc, vaccine, sinh phẩm…
Hải quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để kịp thời thực hiện các thủ tục thông quan hoặc đưa về bảo quản đối với các lô hàng chưa đủ điều kiện để được cấp phép nhập khẩu.
Liên quan đến việc giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, trang thiết bị y tế, tân dược, vaccine sinh phẩm xét nghiệm, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ quy định tại Điều 50 Luật Hải quan quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp. Hồ sơ để thông quan rất đơn giản, chỉ gồm: Tờ khai hải quan nhập khẩu chưa hoàn chỉnh; văn bản xác nhận của Bộ Y tế hoặc thông báo của Tổng cục Hải quan qua kênh trao đổi trực tiếp với Bộ Y tế về hàng hóa nhập khẩu để phục vụ yêu cầu khẩn cấp. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu do tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam, cơ quan hải quan chấp nhận Tờ khai xác nhận viện trợ hàng hóa nhập khẩu chưa được Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính xác nhận để áp dụng chính sách thuế theo quy định đối với hàng viện trợ.
Đối với hàng hóa do DN Việt Nam nhập khẩu, cần có văn bản xác nhận của Chính phủ, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền thì chưa phải thực hiện nghĩa vụ về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…
Ngoài ra, Hải quan cũng đang tham mưu Bộ Tài chính kiến nghị: Cho phép tổ chức, cá nhân được nợ chứng từ thuộc hồ sơ cấp phép, rút ngắn thời gian, quy trình cấp phép để đảm bảo việc cấp phép nhanh chóng; thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Y tế với Tổng cục Hải quan nhằm kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các DN, đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa…
Áp dụng công nghệ, tổ chức lực lượng hoạt động tại chỗ
Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, tại một số địa phương có dịch COVID-19, hải quan cũng phải thực hiện “3 tại chỗ”. Các đơn vị đã thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ cấp Tổng cục đến Chi cục Hải quan và do lãnh đạo cấp tương đương làm Tổ trưởng để thực hiện tiếp nhận, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn giải quyết ngay các vướng mắc của hải quan địa phương và DN. Ở địa phương, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch, bảo đảm không để gián đoạn công việc, làm việc trực tuyến…
Địa phương từng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch, theo ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết yêu cầu nhanh chóng thích ứng, bảo đảm tính liên tục trong việc làm thủ tục hải quan. Cục Hải quan Hải Phòng chịu trách nhiệm ở 4 tỉnh khác nhau bao gồm: Chi cục TP. Hải Phòng, Chi cục Hưng Yên, Chi cục Hải Dương, Chi cục Thái Bình với nhiều DN gia công, sản xuất xuất khẩu trong khu chế xuất… Khi tiến hành kiểm tra hồ sơ, cần yêu cầu giảm thiểu tiếp xúc, chỉ một cán bộ có đủ trang bị chống dịch, thực hiện phân luồng nhanh hồ sơ.
Hải quan cũng triển khai áp dụng công nghệ, bảo đảm ngay cả chi cục nằm trong địa phương bùng phát dịch có thể chuyển hồ sơ giao dịch trên hệ thống sang chi cục khác để xử lý ngay, không để gián đoạn. Với các phương án sẵn sàng, hoạt động của hải quan tại đây diễn ra thông suốt, hàng hóa DN được thông quan không đình trệ.
“DN tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, hải quan tổ chức lực lượng hoạt động tại chỗ và cũng đã có cả phương án “thay quân” nếu không may có cán bộ hải quan dương tính với virus”, ông Nguyễn Kiên Giang cho biết.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, để khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho DN theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hải quan địa phương cũng lập các tổ phản ứng nhanh. Đặc biệt để đơn giản hoá một số thủ tục, hải quan sẵn sàng cho DN nợ các chứng từ bản chính, DN có thể “scan” chứng từ để tiến hành thông quan trước, hoàn thiện nộp chứng từ sau.
“Ở Bình Dương có các DN lần đầu nhập trang thiết bị chống dịch còn lúng túng, hải quan đã tích cực hướng dẫn giải đáp thủ tục cho DN trực tuyến, kịp thời cụ thể. Đồng thời, hải quan Bình Dương cũng cấp phiếu để các nhân viên xuất nhập khẩu của DN trong thời gian giãn cách chứng minh mục đích ra ngoài đúng thực tế, để đi lại làm việc thuận tiện hơn”, Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Giang thông tin.
Theo Bao Huy Tầm Nhìn