Hà Nội thực hiện quyết liệt, bài bản công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý biên chế
Sáng 20/12, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm trưởng đoàn, đã khảo sát và làm việc với thành phố Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì tiếp và làm việc với đoàn.
Tham gia buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo một số sở, ngành và quận, huyện.
Trình bày báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Minh cho biết, nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện các quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng, tinh giản biên chế, thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý biên chế.
Thành phố đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ về việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; công tác quán triệt, tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, thấu đáo để các cấp, các ngành cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện.
Ngay từ ngày đầu xây dựng Đề án vị trí việc làm, Hà Nội đã phối hợp với Viện Khoa học tổ chức nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ xây dựng Đề án vị trí việc làm thí điểm tại 02 sở và 02 quận huyện, trên cơ sở đó nhân rộng đến toàn bộ cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; ban hành kịp thời Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện, có thời hạn hoàn thành; quá trình triển khai thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, xem xét điều chỉnh các bất cập để điều chỉnh.
Thành phố cũng đã xây dựng Kế hoạch và đẩy mạnh chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ đến năm 2021 để làm cơ sở giảm biên chế hưởng lương ngân sách, đây được coi là giải pháp căn bản, mấu chốt, trọng tâm trong thực hiện tinh giản biên chế. Cùng với đó, tập trung rà soát, sắp xếp lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cả khối đảng, đoàn thể và khối chính quyền; từ Thành phố đến các quận, huyện, thị xã. Đến nay, toàn Thành phố đã giảm 54 phòng và tương đương thuộc các sở, ban, ngành; giảm 267 đơn vị sự nghiệp công lập… Thành phố cũng giảm 17.751 biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng, cán bộ công chức cấp xã so với năm 2015 (165.494 người), tương ứng giảm 10,7%. Như vậy, thành phố Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu giảm 10% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nhìn chung, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay của Thành phố đảm bảo yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn theo ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu vị trí việc làm. Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đều đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Ngoài ra, Hà Nội tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng các quy trình công tác, giải quyết công việc nhằm tăng năng suất lao động, hiệu quả giải quyết công việc.
Tại buổi làm việc, thành phố Hà Nội đã nêu 07 nguyên tắc, 05 căn cứ đề xuất biên chế, 10 giải pháp để thực hiện công tác quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026 cùng với 3 nhóm đề xuất, kiến nghị lớn với Trung ương trong công tác quản lý, sắp xếp và tinh giản biên chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 18, 19 và 26 của Ban Chấp hành Trung ương, Hà Nội đã vào cuộc, triển khai nghiêm túc; trực tiếp người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, chịu trách nhiệm công tác này; hằng năm giao chỉ tiêu về tinh giản biên chế đến các cơ quan, đơn vị…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, với đặc thù của Hà Nội, tốc độ tăng dân số rất nhanh, trung bình mỗi năm tăng trên 200 nghìn dân, gây áp lực rất lớn cho Thành phố, nhất là lĩnh vực giáo dục. Vì thế, Thành phố kiến nghị Trung ương xem xét, bổ sung biên chế viên chức giáo dục cho Thành phố để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục giao biên chế công chức, giai đoạn 2022-2026, của thành phố Hà Nội bằng số biên chế giao năm 2021 (đã hoàn thành chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị) để đáp ứng yêu cầu, tính chất, khối lượng công việc rất lớn của Thủ đô.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Hà Nội trong công tác sắp xếp, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, với tinh thần quyết liệt, bài bản, khoa học; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện; đảm bảo mục tiêu, yêu cầu về giảm đầu mối đơn vị, giảm chỉ tiêu biên chế, nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách, đội ngũ cán bộ cấp xã, phường, gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. “Hà Nội là một địa phương đi đầu trong xác định vị trí việc làm, đây là một việc khó nhưng Hà Nội đã đi trước một bước”, Trưởng đoàn công tác ghi nhận.
Lưu ý 6 nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị thành phố Hà Nội cần tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18, 19 của Trung ương với tinh thần quyết tâm cao hơn, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, rà soát, đánh giá việc thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, gắn với đẩy mạnh hơn quá trình đô thị hóa, xây dựng các huyện đủ điều kiện lên quận; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và vị trí việc làm, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố.
Cơ bản thống nhất với những kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế trong xã hội hóa, tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy, Thành phố cần đẩy mạnh công tác này để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thành phố cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà cũng đề nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất cơ chế đặc thù về quản lý tổ chức bộ máy và biên chế, phù hợp với Luật Thủ đô.
Theo Trọng Toàn-Cổng thông tin TP. Hà Nội