Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 805/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai
Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thành phố, Thanh tra thành phố, Cục Thuế thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Cùng với việc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đất đai, nghĩa vụ tài chính… xây dựng nguyên tắc giải quyết đối với các dự án chậm triển khai để tổng hợp báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố thống nhất về nguyên tắc tại kỳ họp tháng 3/2022.
Trên cơ sở các nguyên tắc được HĐND thành phố thống nhất, các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố có trách nhiệm kiểm tra, kết luận, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét chỉ đạo xử lý, báo cáo kết quả thực hiện với HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 7/2022.
UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát danh sách các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tại Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 21/10/2021 của UBND thành phố và các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai phát sinh đến thời điểm kiểm tra trên địa bàn để tổng hợp danh sách các dự án trước ngày 15/3/2022; chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường để rà soát, tổng hợp, thống nhất số liệu và xử lý.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đang có hàng trăm dự án “ôm đất” dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng tới hàng chục năm vẫn chưa bị thu hồi. Nhiều dự án chậm triển khai vẫn tiếp tục được gia hạn không những một lần mà còn nhiều lần.
Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai diễn ra dưới nhiều hình thức như lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, cho thuê lại đất, chậm giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính… Con số dự án “treo” vẫn tồn tại nhiều năm tại các cuộc họp cũng văn bản báo cáo của thành phố nhưng vẫn chưa được xử nghiêm.
Báo cáo số 20/BC-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội ban hành ngày 28/7/2021 chỉ rõ: sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kết quả giám sát các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai và gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố.
Kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố, đến nay, nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai không những tồn tại từ thời điểm trước giám sát năm 2018 chưa được xử lý mà còn phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay.
Cụ thể, nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong số đó, có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định;
31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.
Đối với nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai đến thời điểm tháng 5/2021, có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác;
39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất…); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND thành phố năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.
Đáng chú ý, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 38 dự án nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới gần 3.800 tỷ đồng. Trong số hơn 300 dự án chậm triển khai theo báo cáo giám sát của HĐND thành phố, có 30 dự án kiến nghị thu hồi, hiện mới thu hồi 10 dự án..
Theo Môi trường và Đô thị VN