Hà Nội: Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững

Tác giả : Admin 07/04/2021

Ngày 7-4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Chu Tich
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU.

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành dịch vụ

Cuộc họp tập trung thảo luận về dự thảo triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy. Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất, gồm: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân: 7,5-8%/năm. Trong đó, dịch vụ 8-8,5%; công nghiệp và xây dựng 8,5-9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,5-3%. GRDP bình quân/người là 8.300-8.500 USD…

Thành phố sẽ tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, với những đầu việc, nhiệm vụ quan trọng, như tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, nâng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (hiện tại khoảng 25%); Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định rõ các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 40-45% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, phát triển 8-10 nhóm ngành sản phẩm chủ lực, phấn đấu có khoảng 10% số doanh nghiệp công nghiệp lọt vào tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Thành phố cũng tái cơ cấu đầu tư công, thu hút các nguồn lực kinh tế tư nhân, từ khu vực FDI. Tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành dịch vụ, góp phần nâng dần tỷ trọng đóng góp của dịch vụ trong GRDP lên khoảng 65-65,5% vào năm 2025 với tốc độ tăng bình quân 8-8,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để thực hiện được mục tiêu đặt ra. Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, cần làm rõ thêm nội dung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và mối quan hệ với nuôi dưỡng nguồn thu. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh là nguồn bền vững và quan trọng hàng đầu trên địa bàn; từ đó xác định việc đáp ứng yêu cầu ra đời, phát triển đối với doanh nghiệp là cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan…

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, nội dung Chương trình số 02-CTr/TU rất rộng lớn, bao hàm các lĩnh vực và mục tiêu quan trọng, thể hiện bức tranh nền kinh tế Thủ đô. Vì vậy, các cơ quan tham mưu, chuyên ngành cũng như Ban Chỉ đạo cần làm rõ các nội dung gắn liền với các mục tiêu một cách rõ ràng, cụ thể; nhất là yêu cầu về tiến độ, lộ trình với số lượng hoặc tỷ lệ. Ví dụ, cần nêu rõ đến thời điểm nào thì đạt tỷ lệ hay số lượng là bao nhiêu trong mỗi chỉ tiêu, lĩnh vực để dễ rà soát, phân tích cũng như kiểm đếm chính xác, gắn liền với trách nhiệm hoặc mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, cần xác định các nội dung, xây dựng đề án, chương trình chi tiết và phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch; càng cụ thể, khoa học, càng tạo thuận lợi cho quá trình triển khai; trong đó tập trung vào những nội dung mang tính đột phá, động lực để tận dụng, phát huy nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô…

Đại diện một số sở, ngành cũng nêu ý kiến về phát triển công nghiệp, thương mại, hạ tầng, nhất là về vấn đề chuyển đổi số, phát triển dịch vụ chất lượng cao, kinh tế số, kinh tế đô thị… trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về nguồn lực tổng hợp và vị thế của Thủ đô.

Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu, trước mắt ưu tiên nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn thành phố; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó là nỗ lực phục hồi lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu việc hình thành, phát triển một số mô hình kinh tế mới: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP lên khoảng 30% vào năm 2025.

Việc triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU phải được tiến hành bài bản, hiệu quả; xây dựng lộ trình thực hiện cho từng quý, từng năm và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt là cần nâng cao tinh thần tự giác, phối hợp giữa các cơ quan, tránh chồng chéo để hướng tới chất lượng, hiệu quả cao nhất. Trong đó, rà soát, đánh giá, làm rõ những yêu cầu, nội dung về tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội, nhất là những lĩnh vực có thể đóng góp trực tiếp để tạo sự đột phá trong kinh tế của Thủ đô. Đó là hạ tầng giao thông; công nghệ thông tin; nguồn nhân lực; tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cải cách thể chế, hành chính, môi trường đầu tư – kinh doanh.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Chương trình số 02-CTr/TU có tầm quan trọng trong việc quyết định sức mạnh kinh tế Hà Nội đến năm 2025, cũng là tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo và liên quan đến nhiều ngành, đòi hỏi sự kết nối, tinh thần quyết tâm và năng động từ các cấp, ngành, địa phương.

Thành phố sẽ tập trung thu hút và tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, hợp lý để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển, quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.

Thành phố chủ trương thực hiện các giải pháp tăng nhanh số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó tập trung phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh: Hỗ trợ pháp lý; các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi (Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp); các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động của dịch Covid-19.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cần tận dụng cơ hội để xây dựng nền kinh tế số, hướng tới chính quyền số, chủ động thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công viên phần mềm thành phố Hà Nội; đưa Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đổi mới sáng tạo Hà Nội đi vào hoạt động. Phát triển mạnh ngành CNTT, chú trọng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về CNTT trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố, đồng thời tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về CNTT.

Tất cả nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình số 02-CTr/TU, góp phần khẳng định vị thế đầu tàu cả nước của Hà Nội.

Theo Hà Nội Mới

Link gốc: Hà Nội Mới

Tin liên quan