Hà Nội phát triển và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững
Ngày 23/9, HĐND TP khóa XVI đã thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của TP Hà Nội.
Nội dung Nghị quyết cho thấy, hướng phát triển và quản lý đô thị của Hà Nội là xanh, thông minh, hiện đại.
TP sẽ sớm xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, tổng hợp quy hoạch, trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; Quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang, các khu vực hai bên tuyến đường giao thông. Lập các quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn theo hướng xanh, hiện đại. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Triển khai đầu tư xây dựng các cầu vượt sông Hồng. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng. Xây dựng nền tảng về hạ tầng kinh tế – xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025-2030.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh. Nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị.
Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh gắn với quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị. Xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 2025, định hướng đến 2030. Phấn đấu diện tích nhà ở đạt 29,5 m2 sàn/ người vào năm 2025. Chuẩn bị đầu tư 05 khu nhà ở xã hội tập trung, 02 dự án nhà ở công nhân. Sử dụng tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Phấn đấu xây dựng khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 25 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.
Bố trí ngân sách (cơ chế linh hoạt) để mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng và hoàn trả chi phí xây dựng tại một số dự án nhà ở thương mại có quỹ nhà tái định cư phải bàn giao cho TP giai đoạn 2021-2025; Đầu tư xây dựng mới 05 dự án nhà tái định cư, khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở. Cải tạo, xây dựng lại 02-03 khu chung cư cũ, ưu tiên cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ nguy hiểm và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Xây dựng khoảng 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại.
Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh. Thực hiện cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; Đầu tư xây dựng mới 05 công viên, vườn hoa. Trồng mới 3,5 triệu cây xanh, trong đó 500 nghìn cây xanh đô thị, phấn đấu nâng diện tích xanh đạt 7,8-8,1m2/người vào năm 2025.
Đầu tư thay thế đèn LED hệ thống chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cảnh quan, mỹ thuật; hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ. Chỉnh trang hè, đường tại 180 tuyến phố trên địa bàn 12 quận. Bổ sung, lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông. Tiếp tục đầu tu phát triển mạng cấp nước và một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước đạt từ 1,8-2,0 triệu m/ngày đêm.
TP Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn khu vực ven đô theo tiêu chí đô thị, các huyện được phê duyệt thành quận theo quy hoạch. Đầu tư xây dựng 20 tuyến đường giao thông hạ tầng khung tại các huyện thuộc đề án lên quận; thực hiện cải thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống tưới tiêu, thoát nước thải, cấp nước sạch, nâng cấp các chợ dân sinh, xây dựng chợ đầu mối, xây dựng các khu chăn nuôi, khu giết mổ tập trung và tách sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gây ô nhiễm khỏi khu dân cư.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với nông dân. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/người/năm trở lên. Tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, các vấn đề xã hội và an ninh ở nông thôn.
Theo Môi trường và Đô thị VN