Hà Nội: Nhiều khu đô thị bộc lộ bất cập sau đầu tư
Theo UBND TP Hà Nội, việc quản lý đất đai, việc đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc kết nối hạ tầng xung quanh… không đầy đủ, không rõ trách nhiệm.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 4866/QĐ-UBND (ngày 17-11-2021) phê duyệt đề cương nhiệm vụ Khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư. Thời gian thực hiện khảo sát từ tháng 10-2021 đến tháng 12-2021.
Thành phố sẽ nghiên cứu 5-7 khu đô thị được lựa chọn theo tiêu chí có tính đại diện theo địa giới hành chính (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, một số huyện) và theo diện tích (dưới 20 ha, 20-50 ha và 50-200 ha)… được hình thành tại Hà Nội kể từ 2010. Dự kiến các quận, huyện được khảo sát là Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, địa phương đã sớm hình thành các khu đô thị mới và phát triển nhanh so với cả nước. Chỉ tính sau khi mở rộng địa giới hành chính thành phố từ 2008, Hà Nội đã có hơn 350 khu đô thị, quy mô khoảng 2.500 ha.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, UBND thành phố đánh giá việc quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư tồn tại một số bất cập. Đơn cử, nhiều khu đô thị đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, chậm bàn giao hoặc bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý không đồng bộ.
Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số khu đô thị như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục,… chưa tốt.
Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai, đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch,… không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.
Một số khu đô thị tổ chức cộng đồng dân cư, hệ thống chính trị – hành chính như thành lập Ban quản trị nhà chung cư, quản lý cư dân trong khu đô thị, đặt tên đường, phố trong khu đô thị, thành lập và kiện toàn tổ dân phố, lập mới hoặc kiện toàn các tổ chức chính trị – xã hội… không kịp thời.
Nhiều khu đô thị được hình thành có mật độ dân cư cao, trong khi đó các tổ chức đoàn thể, chính trị giúp chính quyền địa phương về quản lý dân cư tại địa bàn còn chưa kịp hoàn thiện theo số dân mới tăng lên…
Theo Hoài Thu Môi trường và Đô thị VN