Hà Nội lên phương án bình ổn thị trường, ứng phó Covid-19 dịp Tết

Tác giả : Admin 30/12/2020
Theo ước tính của Sở Công Thương TP, tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 39.400 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020.
Chiều ngày 29/12, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Sở Công Thương TP đã thông tin về phương án bình ổn thị trường dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cụ thể, tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình, sự kiện tổ chức từ nay đến Tết Nguyên đán: Hướng dẫn các đơn vị đăng ký và tổ chức các chương trình khuyến mại và Hội chợ Xuân đã được chấp thuận theo quy định; Tổ chức Hội chợ hàng hoá nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 trong tháng 1/2021 với quy mô dự kiến khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn;
Dự kiến tổ chức Hội chợ Xuân Tân Sửu năm 2021 thuộc dự án thuần hàng Việt với quy mô 100 gian hàng trong tháng 2/2021; Dự kiến tổ chức 88 chợ Hoa Xuân phục vụ Tết, các chuyến hàng lưu động về khu vực ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân; Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 3-5 tuần hàng tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP cũng nêu giải pháp tập trung tuyên truyền, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cũng như tình hình dịch Covid-19 để kịp thời điều tiết cung cầu hàng hoá phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến.
Với phương án này, Thành phố giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi sát thị trường, nắm bắt thông tin về giá cả, hàng hoá, sức mua tại các khu vực trên địa bàn để chỉ đạo doanh nghiệp điều tiết đưa hàng về các khu vực thiếu hàng phục vụ nhân dân.
Trong đó, Sở Tài chính phối hợp Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt thông tin giá cả, cung cầu hàng hoá các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết, theo dõi sát tình hình nhập khẩu, tổng hợp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp về lượng hàng hoá kinh doanh, giá cả, tình hình cung cầu thị trường trong dịp Tết để kịp thời có giải pháp điều tiết, ổn định thị trường khi xảy ra biến động;
Sở Công Thương xây dựng quy trình nắm bắt thông tin, kịch bản điều tiết cung cầu khi thị trường xảy ra biến động bất thường và kịch bản trong điều kiện Covid-19 bùng phát trở lại trong dịp Tết để đảm bảo đầy đủ hàng hoá phục vụ nhân dân…
Sở Công Thương TP cũng nêu phương án chương trình bán hàng để thu hút, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn Hà Nội, như việc chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch về hàng hoá, tăng cường sử dụng tối đa công suất hệ thống mạng lưới bán hàng dịp Tết, tổ chức các chương trình khuyến mại, hậu mãi, bố trí, sắp xếp hàng hoá phù hợp, ngăn nắp, đảm bảo văn minh thương mại.
Chú trọng đến các nhóm hàng thiết yếu phục vụ Tết, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phối hợp các sở, ngành như Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Công an TP, Ban Chỉ đạo 389 cùng các địa phương và đơn vị liên quan.
Trong phương án này, các đơn vị chức năng sẽ tổ chức làm việc, hướng dẫn, kiểm tra về triển khai công tác phục vụ Tết, công tác phòng, chống dịch của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hoá, giá cả, chất lượng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, việc thực hiện các quy định khuyến mại, về tổ chức Hội chợ trong dịp Tết, kiểm tra, giám sát việc cung ứng điện, xây dựng phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt.
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra khoảng 10 đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại, sự kiện xúc tiến thương mại trên địa bàn…
Theo Sở Công Thương TP, đến hết tháng 12/2020, đã triển khai Kế hoạch đảm bảo hàng hoá phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: Triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn và đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp tham gia.
Đến nay đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình để đưa hàng bình ổn phục vụ nhân dân thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp phẩm…
Ước tính sơ bộ của Sở Công Thương TP, tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).
Theo Môi trường và Đô thị VN

Tin liên quan