Hà Nam: Vụ bắt giữ 14 tàu khai thác cát trái phép, trách nhiệm của cơ quan quản lý?
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên 14 tàu có 55 thuyền viên, thu giữ 3000 m3 cát khai thác trái phép. Được biết, tại khu vực trên không có bất cứ mỏ cát nào được các cơ quan chức năng cấp phép.
Thời gian qua, một số địa phương đã đẩy mạnh việc phòng, chống, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông. Do đây là lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao nên các đối tượng đã bất chấp tất cả, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với các lực lượng chức.
Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất như: Cần đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác gắn với bảo vệ môi trường, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khai thác thực tế; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.
Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thành việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khoáng sản cát, sỏi lòng sông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Mới đây, qua trinh sát, nắm bắt tình hình, ngày 06/01/2021, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, Thái Bình tổ chức vây bắt 14 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Nam và Thái Bình.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện trên 14 tàu có 55 thuyền viên, thu giữ 3000 m3 cát khai thác trái phép. Được biết, tại khu vực trên không có bất cứ mỏ cát nào được các cơ quan chức năng cấp phép.
Để có thêm thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Trần Hưng Đạo. Ông Nguyễn Tiên Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân cho biết “Hiện tại trên địa bàn chỉ có Dự án Cảng Thái Hà, đã được các cơ quan chức năng cho phép khai thác, nạo vét khu vực tàu vào cảng. Tài nguyên trên mặt đất thì của địa phương quản lý, còn khai thác lòng sông thì lại Cục Đường thuỷ, Trạm Cảnh sát đường sông các đơn vị khác cho phép. Quá trình khai thác chúng tôi khẳng định là đảm bảo về vị trí. Còn việc lợi dụng đêm tối là việc của doanh nghiệp. Địa phương chưa có chế tài, chỉ là phối hợp thôi. Khi dân có phản ánh thì chúng tôi yêu cầu làm đúng vị trí, đảm bảo hệ thống kè, thực ra lúc đó ban ngày chỉ có vài tàu thôi. Vì ở đây chúng tôi sẽ phối hợp với Hạt quản lý Đê điều, với Trạm Cảnh sát đường sông nằm ngay trên này. Việc tuần tra đêm hôm thì địa phương không làm được. Hiện trạng tàu sử dụng thì cũng chỉ 1,2 con thôi, nhưng khi đêm hôm thì họ tàu khác về. Rất khó cho địa phương, địa phương có nắm được cũng chỉ điện cho các đơn vị chức năng phối hợp thôi. Đêm mà Cục Cảnh sát giao thông bắt 14 tàu hút cát trái phép thì xã không nắm được, đến sáng hôm sau chúng tôi mới được biết. Việc khai thác mới được gần 1 tháng nay thôi”
Theo tìm hiểu, ngay khu vực khai thác trái phép liền kề với Dự án Công trình xây dựng cảng thuỷ nội địa Thái Hà do Công ty cổ phần Cảng Thái Hà chủ đầu tư. Dự án được phép thực hiện nạo vét khu vực đậu tàu, khu vực neo tàu. Cát hút lên được dùng để tận dụng san lấp dự án kết hợp tận thu sản phẩm.
Trong Biên bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký thì tổng khối lượng khoáng sản khai thác, thu hồi là: 269.229 m3 (theo kết quả do, xác định khối lượng khoáng sản thu hồi đã được phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám của Sở tài nguyên và Môi trường kiểm tra ngày 01/4/2020: tại Tờ trình số 250/TTr-STN&MT ngày 06/7/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường). Công suất khai thác 250.000 m3/năm, mức sâu khai thác khu đậu tàu là -4,8m, khu quay tàu và luồng vào là -3,65m. Công ty cổ phần Cảng Thái Hà được sử dụng 5 tàu để khai thác, thời gian từ 7h sáng đến 5h chiều.
Tại thời điểm 14 tàu khai thác trái phép bị bắt giữ, có 4 tàu đang khai thác trong phạm vi dự án được cấp phép (tuy nhiên khai thác sai thời gian trong giấy phép) và 10 tàu khai thác liền kề dự án.
Theo quan sát, số tàu tạm giữ trên có khối lượng khoảng 400-500 khối, mỗi khối cát cao điểm sẽ bán được 38.000 đồng/ m3. Như vậy, trung bình một tàu chở đủ 500 khối sẽ bán được khoảng 19 triệu đồng. Một đêm khai thác, một tàu có thể được 2 chuyến. Như vậy, với 14 tàu khai thác trong một đêm, số tài nguyên bị thất thoát là không hề nhỏ.
“Nếu để mà nói, thì khẳng định không có ông nào tự nhiên khai thác được, đây là lợi dụng dự án để khai thác trái phép” ông Nguyễn Tiên Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hưng Đạo cho biết thêm.
Cát, sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, việc tái tạo phải trải qua rất nhiều năm, nếu không được bảo vệ chặt chẽ nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt, điều này cũng đồng nghĩa với những nguy cơ về xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng và sự phát triển chung của đất nước.
Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Nếu thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trong.
Vậy số lượng 14 tàu khai thác trái phép trên do cá nhân hay tổ chức nào đứng sau? Việc xác định chính xác số lượng cát đã bị khai thác trái phép trước đó là vô cùng quan trọng, nó là một trong các căn cứ xử lý các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ quan quản lý đến đâu khi để số lượng tàu của “cát tặc” lộng hành ngang nhiên như vậy?
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.
Theo Môi trường và Đô thị VN