Doanh nghiệp và “sân chơi” nông sản: T&T Group tham gia khắc phục câu chuyện “được mùa mất giá”
Bứt phá từ chính khó khăn
Nếu cần tổng kết một sự kiện ảnh hưởng đến cả nền kinh tế thế giới lẫn Việt Nam trong năm 2020, chắc chắn đó chính là COVID-19. Với mức độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, đại dịch đã khiến bức tranh sản xuất kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực như bất động sản, công thương, nông – lâm – thủy sản, xuất nhập khẩu… trong nước có phần ảm đạm, nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp rơi vào tình trạng “đuối sức”, kích hoạt chế độ “ngủ đông” hoặc buộc phải đóng cửa, giải thể. Tuy nhiên, COVID-19 cũng được các chuyên gia đánh giá giống như một “cuộc sàng lọc tự nhiên”, chỉ những doanh nghiệp có nội lực nhất định cùng chiến lược đầu tư kinh doanh bài bản, lâu dài mới có thể vượt qua. Nói cách khác, đây chính là cơ hội “lửa thử vàng” tạo sức bật cho doanh nghiệp. Bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp “chết yểu” vì COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp có chiến lược bài bản, tầm nhìn dài hạn… dường như lại có phần khởi sắc.
Trong số đó, có thể kể tới T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển khi ngay giữa tâm bão dịch bệnh, “ông lớn” đa ngành này lại khiến thị trường bất ngờ khi liên tiếp thực hiện nhiều thương vụ nông sản lớn. Cụ thể, đầu tháng 4/2020, đơn vị thành viên của T&T Group là Công ty TNHH Nông nghiệp T&T, thông qua hình thức làm việc trực tuyến đã ký kết hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trị giá 115 triệu USD từ Tập đoàn Marquis Energy Global (Mỹ). Theo đó, ngay trong tháng 4/2020, Marquis Energy Global đã giao 48.000 tấn DDGS (bã ngô lên men) cho T&T Group và số còn lại được giao ngay sau đó một thời gian ngắn. Trong bối cảnh hoạt động giao thương bị đình trệ bởi COVID-19, khiến cho nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước thiếu hụt do trước giờ nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, đã đẩy giá thành thức ăn chăn nuôi nội địa tăng cao khiến cho nông dân “điêu đứng”, thì thương vụ nhập khẩu này của T&T Group đã phần nào “gỡ khó” cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho thị trường thức ăn chăn nuôi phần nào đã được tháo gỡ, qua đó giảm áp lực về giá cả, góp phần ổn định thị trường. Ngoài ra, về lâu dài, sản lượng nguyên liệu TĂCN còn lại mà T&T Group nhập từ Marquis Energy Global sẽ góp phần ổn định nguồn cung cho thị trường, giải quyết bài toán đầu vào – đầu ra cho nguyên liệu TĂCN mà lâu nay vẫn đang là sức ép của ngành chăn nuôi.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 8-2020, T&T Group tiếp tục gây tiếng vang trên thị trường, đặc biệt là trong ngành điều nói riêng và nông sản nói chung khi ký kết thành công thương vụ mua 150.000 tấn điều thô từ Chính phủ Bờ Biển Ngà, đây cũng là toàn bộ lượng hàng mà Chính phủ Bờ Biển Ngà đang nắm giữ ở thời điểm đó. Thương vụ này được coi là lần tái lập kỷ lục của T&T Group trong lịch sử ngành điều, bởi trước đó T&T Group đã từng thu mua 176.000 tấn điều thô từ Tanzania – hợp đồng được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới.
“Sân chơi” không dành cho “tay mơ”
Không thể phủ nhận, ngành nông sản với rất nhiều tiềm năng, được ví như mảnh đất màu mỡ mà doanh nghiệp nào cũng muốn tham gia. Đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn lấn sân sang lĩnh vực này… nhưng thực tế cho thấy, nông sản không phải là “sân chơi” cho những ” tay mơ”, không phải cứ đầu tư vào nông sản là dễ dàng hưởng “trái ngọt”. Mảnh đất nông nghiệp càng nhiều tiềm năng thì để thành công càng không dễ dàng, không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính vững mạnh, mà còn cần chiến lược đầu tư bài bản, tầm nhìn dài hạn để có được những bước đi “đúng và trúng” trong hành trình “trồng cây đợi ngày hái quả”.
Quay trở lại câu chuyện hai thương vụ nông sản triệu đô của T&T Group thực hiện ngay giữa “tâm bão” COVID-19, có thể thấy rằng ảnh hưởng của dịch không làm T&T Group yếu đi mà còn khiến doanh nghiệp của “bầu Hiển” trở nên mạnh hơn khi biết chớp thời cơ, vận dụng những nguồn lực hiệu quả để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến cuối năm 2020, T&T Group cùng đối tác chiến lược của mình trong dự án kinh doanh nông sản đã nhập khẩu trên 2,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương kim ngạch 559 triệu USD), chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước.
Với riêng hợp đồng thu mua điều, đây là thương vụ kỷ lục thứ 2 của T&T Group sau hợp đồng nhập khẩu 176.000 tấn điều thô ký với Chính phủ Tanzania vào năm 2019 – hợp đồng được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới và cũng là cột mốc đánh dấu T&T Group chính thức trở thành nhà nhập khẩu điều thô lớn nhất nước. Trong năm 2020, tổng sản lượng xuất nhập khẩu điều mà T&T Group thực hiện đạt trên 400 nghìn tấn, tương đương khoảng 25% sản lượng xuất nhập khẩu điều của cả nước. Năm 2021, T&T Group đặt kế hoạch sẽ nhập khẩu 600.000 tấn điều thô và sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và xuất khẩu điều nhân.
Đáng chú ý, các thương vụ thu mua điều của T&T Group đều thực hiện theo phương thức đấu thầu quốc tế. Theo các chuyên gia trong ngành, đấu giá mua điều thô nguyên liệu tại châu Phi thường cạnh tranh rất quyết liệt, có sự tham gia của các “ông lớn” quốc tế và thế giới. Sau thương vụ đấu thầu quốc tế thu mua 150.000 tấn điều thô từ Bờ Biển Ngà, và trước đó là đấu thầu thu mua 176.000 tấn điều tại Tanzania, đại diện Hiệp hội Điều Tanzania cho biết T&T Group là thương hiệu có uy tín của Việt Nam, thắng thầu lớn là nhờ am hiểu thị trường, điều phối nguồn lực hiệu quả, “và quan trọng hơn cả là chiến lược thương mại đầu tư lâu dài, có tầm nhìn tại Bờ Biển Ngà, Tanzania đã giúp T&T thắng thầu”. Thành công của T&T Group khi vượt qua những doanh nghiệp khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, UAE… để trúng đấu giá mùa vụ 2019-2020 tại Bờ Biển Ngà, Tanzania có ý nghĩa hết sức đặc biệt, tạo tiếng vang và ảnh hưởng lớn trên thị trường điều thế giới và châu Phi, không chỉ khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt ở thị trường nước ngoài, mà còn góp phần tạo dựng chuỗi cung ứng điều thô ổn định, bình ổn giá cho nhu cầu trong nước, giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều của Việt Nam giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận và phát triển bền vững. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam giữ vững ngôi vị số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt điều trong thời gian tới.
Theo đại diện Tập đoàn T&T Group, việc doanh nghiệp này tăng lượng nhập khẩu điều thô qua từng năm là nhằm giúp các doanh nghiệp chế biến nhân điều, chế biến sâu trong nước phát triển bền vững trong chuỗi giá trị ngành hạt điều toàn cầu. T&T Group cũng đang nỗ lực hết sức mình để ổn định giá điều thô trên thị trường và thiết lập giá giao dịch điều thô hợp lý. “Tập đoàn T&T Group muốn mua thật nhiều và ổn định hàng nội địa Việt Nam cũng như trên thế giới để bình ổn giá thị trường, để không còn xảy ra câu chuyện “được mùa mất giá”, giúp ổn định thu nhập của người nông dân trồng điều Việt Nam, và góp phần làm ổn định hơn chuỗi giá trị sản xuất cung ứng ngành điều được bền vững và hiệu quả. Đó chính là cái tâm, cái tầm, của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông sản” – ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, đối tác chiến lược trong dự án kinh doanh điều của Tập đoàn T&T Group chia sẻ.
Sau 28 năm thành lập và phát triển, bên cạnh các thành tích trong lĩnh vực thể thao, T&T Group đang dần được biết đến là một tập đoàn đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, hạ tầng, bất động sản cho đến năng lượng, môi trường, logistics và đặc biệt là nông sản. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, T&T Group cũng đều tham gia với một tầm nhìn dài hạn, lâu dài, cùng chiến lược đầu tư kinh doanh bài bản, sẵn sàng hợp tác với những đối tác “sừng sỏ” trong nước và quốc tế. Và phải chăng chính vì sự nghiêm túc cùng cái tâm, cái tầm của một “doanh nghiệp dân tộc điển hình” (lời nhận xét của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), thương hiệu T&T Group không chỉ tạo dấu ấn tại thị trường nội địa, mà bắt đầu được biết đến ở sân chơi quốc tế. Tập đoàn T&T Group cũng nằm trong số ít các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2- năm 2018).
Theo Tầm Nhìn