Theo đó, từ ngày 9/6/2017, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6008/VPCP-V.I, gửi UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, về việc khiếu nại tố cáo của Doanh nghiệp tư nhân Tiêu Điểm Kim Loan (Doanh nghiệp Kim Loan, do bà Phạm Thị Kim Loan làm chủ, tại TP.HCM).
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đồng ý với nội dung báo cáo của UBND TP.HCM về kết quả kiểm tra đơn tố cáo của Doanh nghiệp Kim Loan về việc UBND quận Tân Phú cưỡng chế thu hồi đất của doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình giao UBND TP.HCM xử lý diện tích đất thu hồi của Doanh nghiệp Kim Loan theo đúng quy định của pháp luật và quy hoạch sử dụng đất; chỉ đạo UBND quận Tân Phú giao trả tài sản thu giữ và bồi thường nếu tài sản của Doanh nghiệp Kim Loan bị hư hỏng, mất mát; kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong việc tổ chức cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/8/2017.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ trướng Thường trực Chính phủ, ngày 7/7/2017, Thường trực UBND TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở Nội vụ phối hợp với Thanh tra TP.HCM tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong việc tổ chức cưỡng chế không đúng quy định pháp luật;
Giao Sở TNMT kiểm tra, xử lý diện tích đất thu hồi của Doanh nghiệp Kim Loan theo đúng quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và quy định pháp luật đất đai;
Giao UBND quận Tân Phú tổ chức giao trả tài sản thu giữ và bồi thường nếu tài sản của Doanh nghiệp Kim Loan bị hư hỏng, mất mát;
Giao Thanh tra TP.HCM theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thường trực UBND TP.HCM, tổng hợp báo cáo kèm dự thảo trình UBND TP.HCM xem xét, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/7/2017.
Theo bà Kim Loan, sau các chỉ đạo trên, vụ việc của bà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên sau đó bà tiếp tục có đơn khiếu nại tố cáo gửi các cơ quan chức năng từ TP.HCM đến Trung ương và gửi Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng.
Ngày 31/12/2020 vừa qua, Văn phòng chính phủ tiếp tục có công văn số 11019/VPCP-V.I, gửi UBND TP.HCM, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình về vụ khiếu nại của bà Kim Loan.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ trướng Thường trực chính phủ tại văn bản số 6008/VPCP-V.I ngày 9/6/2017 của Văn phòng Chính phủ, kiểm tra, chỉ đạo UBND quận Tân Phú khẩn trương giao trả và bồi thường tài sản bị hư hỏng, mất mát (nếu có) cho Doanh nghiệp Kim Loan liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật, có văn bản thông báo cho Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng biết kết quả giải quyết.
Trường hợp Doanh nghiệp Kim Loan không thống nhất về việc giao trả và bồi thường tài sản bị hư hỏng, mất mát của UBND quận Tân Phú, UBND TP.HCM hướng dẫn các bên khởi kiện ra Toà án để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, ngày 4/2/2021, UBND TP.HCM đã có công văn chỉ đạo: Giao UBND quận Tân Phú khẩn trương thực hiện giao trả và bồi thường tài sản bị hư hỏng, mất mát (nếu có) cho Doanh nghiệp Kim Loan liên quan tới việc cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp Doanh nghiệp Kim Loan không thống nhất về việc giao trả và bồi thường tài sản bị hư hỏng, mất mát của UBND quận Tân Phú thì hướng dẫn các bên khởi kiện ra Toà án để giải quyết theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM trước ngày 20/2/2021.
UBND TP.HCM cũng giao Thanh tra Thành phố theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo nêu trên; báo cáo, đề xuất kèm dự thảo văn bản trình UBND TP.HCM xem xét, báo cáo kết quả thực hiện lên Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ và thông tin kết quả giải quyết cho Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng trước ngày 28/2/2021.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2013, Doanh nghiệp Kim Loan có hợp đồng thuê khu đất tại địa chỉ số 52 đường Kênh 19/5, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM, để kinh doanh dịch vụ câu cá giải trí và 2 sân bóng đá. Khu đất này nằm trong quy hoạch xây dựng Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn.
Doanh nghiệp Kim Loan đã có đơn xin UBND TP.HCM tiếp tục sử dụng mặt bằng và cam kết sẽ tháo dỡ, bàn giao mặt bằng khi dự án triển khai xây dựng.
Về việc này, tháng 3/2016 Thanh tra TP.HCM cũng đã có kiến nghị Chấp thuận cho Doanh nghiệp Kim Loan được tiếp tục tạm thuê mặt bằng theo hiện trạng và yêu cầu doanh nghiệp cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, an ninh trật tự và bàn giao mặt bằng khi dự án triển khai thi công.
Tuy nhiên, theo bà Kim Loan, ngày 3/6/2016 UBND quận Tân Phú đã huy động lực lượng tới cưỡng chế khu đất khiến nhiều tài sản của Doanh nghiệp Kim Loan bị mất mát, hư hỏng và xuống cấp không còn giá trị sử dụng, cùng một số thiệt hại khác…
Do đó, Doanh nghiệp Kim Loan xác định UBND quận Tân Phú phải là chủ thể trực tiếp thực hiện bồi thường tài sản cho doanh nghiệp này với số tiền khoảng gần 8 tỷ đồng.
Về việc này, UBND quận Tân Phú cho biết đã nhiều lần tổ chức làm việc theo chỉ đạo của UBND TP.HCM nhưng Doanh nghiệp Kim Loan không đồng ý nhận lại tài sản, mà đề nghị bồi thường toàn bộ tài sản với số tiền gần 8 tỷ đồng. Hiện vụ việc đã được gửi tới TAND quận Tân Phú để thụ lý giải quyết.
Về ý kiến của UBND quận Tân Phú liên quan đến việc đưa vụ việc ra giải quyết tại Toà án. Bà Kim Loan cho rằng: “Việc cưỡng chế của UBND quận Tân Phú đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và UBND TP.HCM xác định là không đúng quy định pháp luật và yêu cầu xử lý kỷ luật với tổ chức cá nhân vi phạm. Do đó, UBND quận Tân Phú phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty Kim Loan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước”.
Ngày 31/3/2021 PV đã liên hệ với ông Phạm Minh Mẫn – Chủ tịch UBND quận Tân Phú, TP.HCM để trao đổi thêm về vụ việc nhưng ông Mẫn không nghe điện thoại.
Theo Tầm Nhìn