Doanh nghiệp cần có những chính sách hỗ trợ để tham gia Khu công nghiệp sinh thái

Tác giả : Admin 19/11/2021

Mô hình Khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Giai đoạn từ 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu và thúc đẩy liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực. Từ kết quả đạt được dựa trên mô hình, định hướng và cơ chế, chính sách cho KCN sinh thái được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế (KKT).

Theo bà Lê Thị Thanh Thảo – Trưởng đại diện Văn phòng UNIDO tại Việt Nam: Mô hình KCN sinh thái được UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015-2019 tại 3 KCN và giai đoạn 2 từ năm 2020 tại 3 KCN nữa, tổng cộng là 6 KCN. Đây là con số quá nhỏ so với tổng số gần 400 KCN trên cả nước.

9859 1637228405 4850 Kcn Nam Cau Kien 8129f7fff810450198e3706fd2104f28
Phát triển KCN sinh thái là hướng đi tất yếu giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững

Tuy vậy, kết quả ban đầu đạt được sau một thời gian triển khai cũng rất đáng khích lệ, dự án không chỉ hỗ trợ xây dựng chính sách pháp luật như sự ra đời của Nghị định 82, mà còn hỗ trợ áp dụng công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại các KCN tham gia dự án, giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện, nước, nguyên nhiên liệu, hóa chất đầu vào và giảm chất thải trong quá trình sản xuất, qua đó góp phần giảm chi phí kinh doanh, nâng cao trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Tại hội thảo trực tuyến “Giới thiệu mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO diễn ra mới đây, ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Giám đốc dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” – cho biết: Dự án đánh giá cao vai trò chủ lực của các KCN, KKT trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho các KCN, KKT trong 30 năm qua, hoạt động của các KCN, KKT vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó nổi cộm là những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đối mô hình phát triển, trong đó có phát triển KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu, đồng thời mục tiêu đưa ra tại dự án cũng phù hợp với yêu cầu và định hướng của Việt Nam về tăng trưởng xanh và phát triển công nghiệp bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, trong đó có thể nói mô hình KCN sinh thái là một minh chứng cụ thể cho định hướng trên. Theo đó, mô hình phát triển KCN sinh thái sẽ góp phần thu hút nguồn lực của các bên liên quan, trong đó có đầu tư của khu vực tư nhân, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thành Quân, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Không chỉ tác động tích cực đến các KCN được chuyển đổi, các chuyên gia của UNIDO cho rằng, các doanh nghiệp tham gia dự án KCN sinh thái cũng tối ưu hóa được không gian vận hành của mình. Theo đó, trong dài hạn, có thể giảm thiểu được các nguy cơ khác về kinh tế, môi trường và xã hội, giảm các chi phí về rủi ro và đạt được các lợi ích về mặt kinh tế, môi trường, xã hội. Từ đó tạo hợp tác hiệu quả với địa phương về việc xử lý chất thải, rác thải, quy hoạch không gian…

Nói về kinh nghiệm thực hiện KCN sinh thái tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Tỵ – Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, những kết quả đạt được của KCN Hòa Khánh sau khi chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Theo đó, 29 doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi trong 4 năm, bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc chuyển đổi đã mang lại hiệu ứng truyền thông tích cực, lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp trong KCN và cả các KCN khác trong thành phố.

Tuy vậy, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào mô hình KCN sinh thái, ông Trần Văn Tỵ cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục có những chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt cơ chế pháp lý, xây dựng khung khổ pháp lý rõ ràng, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khi có nhu cầu.

Liên quan đến kiến nghị trên, bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – thông tin: Cơ quan này sẽ có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ làm thủ tục xác nhận KCN sinh thái, đồng thời đề xuất sửa đổi một số nội dung của Nghị định 82 về KCN sinh thái theo tiêu chí, chuyển đổi phụ thuộc vào từng địa bàn, nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

KCN sinh thái tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng, đem lại hiệu quả sử dụng đất cao nhất do các doanh nghiệp có thể cộng sinh được với nhau sẽ được sắp xếp gần nhau để việc cộng sinh hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp./.

Theo Môi trường và Đô thị VN

Tin liên quan