Trong năm 2022, thành phố sẽ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đường sắt đô thị tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai.
UBND TP .Hà Nội cho biết, việc giải ngân đầu tư công cần được khẩn trương triển khai quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2022. Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ. Từ đó, đầu tư công tiếp tục là động lực cho tăng trưởng năm 2022 và giai đoạn sắp tới.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, đặc biệt gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, Hà Nội nằm trong các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, đạt 3.375 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 19/10/2020, UBND TP. Hà Nội có Tờ trình 176/Ttr-UBND trình Thủ tướng quyết định (QĐ) chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (Dự án).
Theo đó, Hà Nội đề nghị cho tăng tổng vốn đầu tư Dự án từ 19.555 tỷ đồng thành 35.679 tỷ đồng tương đương 195.365 triệu JPY, trong đó vốn vay ODA là 164.762 triệu JPY, vốn đối ứng là 5.549 tỷ đồng. Về cơ chế tài chính trong nước, UBND TP. Hà Nội vay lại 100% đối với phần vốn vay ODA tăng thêm (57.315 triệu JPY). Đối với vốn ODA đã được phê duyệt với trị giá 107.447 triệu JPY, ngân sách trung ương cấp phát 87.482 triệu JPY, UBND TP. Hà Nội đề nghị vay lại 19.965 triệu JPY. Còn vốn đối ứng Hà Nội đề xuất tự sắp xếp toàn bộ.
Về thời gian thực hiện, Tờ trình của UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh Dự án từ năm 2009- 2032 (trước đó là 2009-2015), thời gian hoàn thành xây dựng năm 2027, cộng thêm thời gian đào tạo vận hành, bảo dưỡng 5 năm.
Theo tìm hiểu, trong tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 49,06ha, đến nay, công tác GPMB của Dự án đạt 79% diện tích toàn tuyến, trong đó khu depot Xuân Đỉnh đạt 86,45% diện tích, đoạn trên cao và các ga đạt 70% diện tích, đoạn chuyển tiếp đạt 100%, đang triển khai GPMB đoạn ngầm và các ga ngầm và đã thực hiện 80% khối lượng rà phá bom mìn, vật nổ toàn tuyến.
Trong khi, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến dành khoảng 45.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2022 với nguồn vốn từ Trung ương và từ địa phương. Trong đó, Hội đồng Nhân dân thống nhất dự kiến bố trí nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn mà Trung ương bố trí cho TP. Hồ Chí Minh năm 2022 là hơn 2.479 tỷ đồng. Đồng thời, nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP. Hồ Chí Minh là 42.508 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn một số các dự án trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh có sử dụng ngân sách Trung ương là: Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên nhằm kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn với số vốn 1.000 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao thông An Phú trị giá khoảng 365 tỷ đồng và dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh có số vốn đầu tư trên 283,6 tỷ đồng;…
Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA (vốn hợp tác phát triển chính thức, một hình thức đầu tư nước ngoài) cấp phát từ ngân sách Trung ương sẽ dành cho một số dự án sau: Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Hồ Chí Minh, lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ, giai đoạn 2 với số vốn là 190 tỷ đồng; dự án Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh – giai đoạn 2 với số vốn là 400 tỷ đồng và dự án Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM với số vốn là 50 tỷ đồng./,