Đấu thầu tại Điện lực Hòa Bình: Đọc hồ sơ mời thầu, nhà thầu đã biết nhãn hiệu hàng hóa để dự thầu

Tác giả : Admin 22/04/2021
Theo quy định pháp luật về đấu thầu, trong Hồ sơ mời thầu (HSMT) không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, tại một số gói thầu của Công ty Điện lực Hòa Bình, đơn vị này đã đưa một số yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT, khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch trong công tác đấu thầu…

Đi ngược Chỉ thị của Thủ Tướng

Theo Luật Đấu thầu 2013 và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc sử dụng xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa trong HSMT với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi là hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, catalô của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong HSMT khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó.

Khoản 2, Điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng chỉ rõ về lập HSMT: Trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Ngoài ra, tại Khoản 7, Điều 12 của Nghị định này cũng nêu rõ: Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa.

Để cụ thể hóa và tránh hiện tượng thiếu minh bạch, “cài cắm” các tiêu chí trong quá trình mua sắm, tại mục c, Khoản 5, Điều 3 Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã quy định rất rõ khi lập, thẩm định, phê duyệt HSMT gói thầu mua sắm hàng hóa. Theo đó, tổ chức, cá nhân: Không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng như nêu nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử…

Quy định về pháp luật đấu thầu đã rõ ràng như vậy, nhưng tại “Gói thầu số 01: Mua sắm thiết bị điện, thiết bị văn phòng” thuộc “Công trình: Mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh (đợt 2 năm 2020)” do Công ty Điện lực Hòa Bình làm bên mời thầu vẫn nêu rõ nhãn hiệu hàng hóa, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm.

Cụ thể, trong HSMT, tại mục “25. Máy quét HP ScanJet Pro 3000 s3”, bên mời thầu đã ghi nhà sản xuất hàng hóa rất cụ thể là của HP và tên nhãn sản phẩm là “ScanJet Pro 3000 s3”. Tại mục “30. Máy tính bảng + Bao da; Xuất xứ: Việt Nam”, nhà thầu cũng đã ghi rất cụ thể về xuất xứ của sản phẩm là Việt Nam.

Đấu thầu tại Điện lực Hòa Bình: Đọc hồ sơ mời thầu, nhà thầu đã biết nhãn hiệu hàng hóa để dự thầu
Tại chương V yêu cầu kỹ thuật, bên mời thầu đã ghi nhà sản xuất hàng hóa cụ thể là của HP và tên nhãn sản phẩm là “ScanJet Pro 3000 s3”

Ngoài việc vi phạm các quy định về lập HSMT, bên mời thầu còn vi phạm Khoản 1, Điều 9 của Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 8/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính. Theo đó, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu phải tự đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tại gói thầu này, mặc dù Giám đốc Nguyễn Phúc Thịnh đã kí Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu từ ngày 2/12/2020, nhưng đến ngày 11/01/2021 (chậm hơn 1 tháng so với quy định), phía Bên mời thầu mới đăng kết quả lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Giá cao hơn thị trường và vì sao Điện lực Hòa Bình làm khó báo chí?

Theo những tài liệu mà chúng tôi có, Gói thầu số 01: Mua sắm thiết bị điện, thiết bị văn phòng có giá dự toán là 14.354.731.118 đồng, liên danh Công ty CP Thiết bị điện Sơn Đông – Công ty TNHH MTV Công nghệ số F5  trúng thầu với giá 13.926.714.021 đồng. Mặc dù gói thầu tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng, nhưng nhiều sản phẩm, trang thiết bị vẫn cao hơn thị trường rất nhiều.

Đấu thầu tại Điện lực Hòa Bình: Đọc hồ sơ mời thầu, nhà thầu đã biết nhãn hiệu hàng hóa để dự thầu
Quyết định số 2171/QĐ-PCHB ngày 02/12/2020 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Gói thầu số 01: Mua sắm thiết bị điện, thiết bị văn phòng.

Đơn cử, thiết bị máy tính Case Dell Vostro 3671MT (xuất xứ: Malaysia) + Màn hình: Dell 20″ E2016HV xuất xứ: Trung Quốc (Cấu hình chi tiết tại Chương V, E-HSMT) giá trúng thầu là 25.761.120 đồng nhưng giá cao nhất trên thị trường tại thời điểm đấu thầu chỉ khoảng 20.000.000 đồng. Máy Dell Vostro 3590 xuất xứ: Trung Quốc (Cấu hình chi tiết tại Chương V, E-HSMT) giá trúng thầu là 23.931.600 đồng, tuy nhiên giá thị cao nhất trên thị trường tại thời điểm đấu thầu chỉ khoảng 18.000.000 đồng. Máy tính Dell Inspiron 5593A xuất xứ: Trung Quốc (Cấu hình chi tiết tại Chương V, E-HSMT) giá trúng thầu khoảng 26.939.220 đồng, tuy nhiên, giá thị trường cao nhất là 19.500.000 đồng. Với hàng chục bộ máy tính, có thể thấy giá trị chênh lệch giữa dự toán và trúng thầu không hề nhỏ.

Đấu thầu tại Điện lực Hòa Bình: Đọc hồ sơ mời thầu, nhà thầu đã biết nhãn hiệu hàng hóa để dự thầu
Máy in HP ScanJet Pro 3000 s3 Sheet-feed (L2753A) nhà thầu trúng với giá 10.093.820 đồng nhưng giá trên thị trường cao nhất chỉ 8.150.000 đồng.

Hạng mục thiết bị máy in HP M404DN, nhà thầu trúng thầu với giá 7.082.900 đồng, nhưng giá trên thị trường ở một số công ty chuyên kinh doanh về lĩnh vực tin học như Phúc Anh, An Phát, Phong Vũ… giá chỉ dao động từ 5.200.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Máy in HP ScanJet Pro 3000 s3 Sheet-feed (L2753A) nhà thầu trúng với giá 10.093.820 đồng nhưng giá trên thị trường cao nhất tầm 8.150.000 đồng.

Nếu nhìn qua thì thấy quy trình đấu thầu gói thầu có đặc thù kỹ thuật này là rất bài bản, đúng quy trình nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao các đơn vị thẩm định giá, lập dự toán lại cao hơn thị trường nhiều như vậy?

Để làm rõ những vấn đề này, chúng tôi đã xuất trình Giấy giới thiệu và các nội dung làm việc chi tiết với Công ty Điện lực Hòa Bình nhưng sau nhiều ngày chờ đợi, bà Đỗ Thị Thúy Hiền – Chánh văn phòng đã từ chối làm việc kèm theo yêu cầu: Nội dung làm việc phải có chữ ký của Tổng biên tập.

Trước việc gây khó dễ của Công ty Điện lực Hòa Bình đối với cơ quan báo chí, liệu có ẩn khuất gì hay không?

Theo Giadinh.net.vn

Link gốc: Giadinh.net.vn

Tin liên quan