‘Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại’

Tác giả : Admin 17/08/2021

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ngày 25/8/1911 ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, con của ông Võ Quang Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kiên.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021), từ ngày 22-8, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại” tại website: www.trungbayonline. hoangthanhthanglong. vn.

1629175316 Dai Tuong Vo Nguyen Giap
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại. Ảnh: TL

Triển lãm gồm 3 chủ đề: Từ nhân dân mà ra; Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam; Di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, làm nổi bật dấu ấn, vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 đến năm 1975, góp phần làm nên những chiến thắng làm thay đổi cục diện chiến trường, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với 200 tài liệu, hình ảnh, triển lãm tri ân những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc; góp phần ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với vị tướng huyền thoại
– Tháng 6/1940, ông được kết nạp vào Đảng; được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đi Diên An, giữa đường được chỉ thị trở về Quế Lâm, hoạt động ở biên giới Việt – Trung. Khi về nước, cùng làm việc với Bác Hồ tại Pác Bó. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ VIII được giao nhiệm vụ vận động đồng bào ở Hòa An và Nguyên Bình, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, lập ra những xã “hoàn toàn”, những châu “hoàn toàn” (hoàn toàn tham gia Việt Minh).
– Năm 1941, ông tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và xây dựng căn cứ địa ở Cao – Bắc – Lạng.
– Năm 1942, ông phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.
– Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy.
– Ngày 25 và 26 tháng 12/1944, ông trực tiếp chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiêu diệt hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch.
– Tháng 4/1945, Tại Hội nghị quân sự Bắc kỳ, ông được cử vào Ủy ban quân sự cách mạng Bắc kỳ.
– Tháng 5/1945, Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
– Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho ông thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng.
– Tháng 8/1945, Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Sau đó, ông được bầu làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bí thư Đảng – Đoàn Chính phủ.
– Tháng 1/1946, ông là đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này, ông liên tiếp là đại biểu các khóa II, III, IV, V, VI, VII).
– Tháng 3/1946, Chủ tịch quân sự, ủy viên trong Chính phủ liên hiệp. Khi thành lập Quân ủy Trung ương ông là Bí thư Quân ủy Trung ương.
– Tháng 10/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ mới. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng chỉ huy quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam.
– Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tướng.
– Tháng 2/1951, tại Đại hội Toàn quốc lần thứ II của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương.
Các chiến dịch ông đã tham gia với tư cách là Tư lệnh chiến dịch – Bí thư Đảng ủy trong kháng chiến chống Pháp:
Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947)
Chiến dịch Biên giới (tháng 9 – 10, năm 1950)
Chiến dịch Trung Du (tháng 12 năm 1950)
Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5 năm 1951)
Chiến dịch Đông Bắc (năm 1951)
Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 năm 1951)
Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 năm 1952)
Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953)
Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 3-5 năm 1954)
– Tháng 9/1955, ông được bầu làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
– Tháng 9/1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương.
– Tháng 12/1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương.
– Tháng 1/1977, ông được phân công làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách quốc phòng và khoa học kĩ thuật.
– Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
– Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tặng thưởng:
Huân chương Sao Vàng (1992),
Hai Huân chương Hồ Chí Minh,
Hai Huân chương Quận công hạng Nhất,
Huân chương Chiến thắng hạng Nhất,
Huân chương chiến công hạng Nhất,
Huân chương Kháng chiến hạng Nhất,
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất,
Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Ngoài ra, ông còn được Nhà nước Lào tặng Huân chương vàng Quốc gia Lào, Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco, và được Đảng, Chính phủ của các nước tặng nhiều Huân chương cao quí khác.
– Ông không chỉ là thần tượng của thế hệ kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây mà còn là hình ảnh lẫm liệt trong lòng giới trẻ, thanh niên, trí thức ngày hôm nay. Thế hệ trẻ nhìn nhận lịch sử và ngưỡng mộ ông một cách tự nguyện và chân thành nhất.
– Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị, trong đó có 30 năm là Tổng Tư lệnh quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng và trong Quân đội.
– Ông là tác giả của nhiều tác phẩm và sách lý luận quân sự được xuất bản trong và ngoài nước. Từ năm 1948 đến nay, ông có gần 70 đầu sách trong đó có sách văn học, có sách viết về đề tài khoa học kỹ thuật, kinh tế, có cuốn tái bản đến 5,6 lần. Ngoài ra còn có 21 tuyển tập gồm các lệnh động viên, báo cáo tổng kết, diễn văn, huấn thị, chỉ thị…
Vào lúc 18h09 phút, ngày 4 tháng 10 năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần tại Viện Quân y 108 (Hà Nội), khi ông vừa bước sang tuổi 103. Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2013 và ông được an táng tại quê hương Quảng Bình, theo ý nguyện của ông và gia đình. Địa điểm an táng là khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, nằm cách đèo Ngang khoảng 4km.
– Gắn liền với giai đoạn lịch sử này là tên tuổi của một vị tướng đặc biệt với trí tuệ rộng mở và trái tim nhân ái. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã đến với cuộc chiến bằng khát khao độc lập của một trí thức trong giao thời lịch sử và ra khỏi cuộc chiến bằng nhân cách của một người trí thức biết gánh vác vận mệnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình.
– Là bậc khai quốc công thần, tuổi đã gần bách niên, nhưng ông hết sức tránh thái độ bề trên, trưởng thượng khi lên tiếng. Chưa nhận được phản hồi, ông kiên nhẫn điềm tĩnh tiếp tục thu nhận tư liệu, dữ kiện để tiếp tục góp ý, kiến nghị. Là một vị tướng nhưng chưa từng thấy ông nổi nóng hay nói to, dù biết nhiều khi ông rất buồn.
Nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng mãi mãi xứng đáng là “Anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam. Bạn bè thế giới, các nhà chính khách, học giả, các nhà quân sự khâm phục, kính trọng Đại tướng và coi ông là một danh tướng tài ba thao lược.
…Anh Văn, là người cộng sản chân chính, trong sáng. Một con người như thế, từng trải bao điều, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, đã luôn đặt lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân trên hết...”
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

– Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và một trong những thiền tài lớn nhất của tất cả các thời đại.
(Nhà sử học Mỹ Cecil Curry trong cuốn “Victory at any cost”)

– Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutudôp, Giucôp…, những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh.
(Ducan Townson, tác giả cuốn “Những vị tướng lừng danh” xuất bản ở London)
– Từ năm 1944 -1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có.
(Tướng Peter Mac Donald, nhà nghiên cứu KH lịch sử quân sự người Anh).

– Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp.
(G.Bonnet, trong Từ điển bách khoa toàn thư Pháp).

– Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh.
(Tướng Mỹ Westmoreland).

 PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội (Môi trường và Đô thị VN)

Tin liên quan