Có hay không một ông Thản tham lam?
Trong suy nghĩ của tôi, ông Lê Thanh Thản có lẽ là một nhân vật có nhiều điều thú vị nhất trong giới doanh nhân Việt Nam. Không biết tại trời sinh ra thế, hay tại ông luôn xung phong tuyến đầu – cả khi ông là người lính nơi trận mạc, cả khi làm anh cán bộ Đảng (huyện ủy) giữa thời bình, rồi trở thành một doanh nhân, thì ông, với bản tính hay lam hay làm và một cái đầu hừng hực khát vọng “xốc tới”, nên ông Thản tự nhiên trở thành một nhân vật luôn xông pha giữa bão giông?
Thông tin ông Thản bị khởi tố vụ “lừa dối khách hàng” đã có từ 2 năm trước, mới đây báo chí có nhắc lại chuyện này đồng thời khai thác một vài chi tiết khác, riêng với tôi thì đây vẫn là “rượu cũ bình mới” chưa phải tin NÓNG. Nhưng phải công nhận ông Thản có vẻ rất hút báo giới. Sự quan tâm của báo chí dành cho ông khiến tôi có thiện cảm hơn là phản cảm, bởi ông phải là một nhân vật tầm cỡ ra sao mới khiến báo giới tốn giấy mực đến vậy. Có những báo dành nhiều trang phân tích rất rạch ròi “sai – đúng” và nhận xét ông chỉ là một quân cờ trong cuộc chơi của CƠ CHẾ, xét bản chất ông Thản mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và có công góp phần phát triển kinh tế cho đất nước. Nhưng cũng có bài báo “chê” ông Thản tham lam, xốc nổi…. Cuộc chiến bình phẩm về một ông lão “thất thập cổ lai hy” còn chưa ngã ngũ. Nhưng tôi nghĩ chuyện thanh danh cả đời của một vị doanh nhân ai nói ngược nói xuôi đều chỉ là võ đoán, duy chỉ có người trong cuộc mới hiểu mình là ai? Mình làm thế là vì lẽ gì?
“Nhân vô thập toàn”! Các cụ xưa vẫn nói, có làm thì có sai, vấn đề là sai cố ý, sai do vô tình, sai do tham, hay sai do… cơ chế? Vậy có hay không một ông Thản tham lam đến phát “ghét” như một vài người từng lên án? Hoặc giả là ông Thản có tham thì nguyên nhân, gốc rễ của việc ấy bắt nguồn từ đâu? Xét cho tới cùng thì ông là người có công hay có tội?
Ở nước ta không phải chưa có tiền lệ chuyện người có công thành kẻ có tội, hoặc suýt chút nữa thì thành kẻ có tội. Còn nhớ vụ án Lệ Chi Viên của Nguyễn Trãi, vụ Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, và còn nhiều nhân vật lịch sử có thật, các vị ấy đều có một đặc điểm rất giống nhau, đó là rất ham làm, rất ham khai phá. Có lẽ vì làm quá nhiều nên đôi khi cũng có những quyết định sai. Quay trở lại câu chuyện của ông Lê Thanh Thản, qua những gì báo chí thống kê thì tôi thấy ông Thản đích thị là mẫu người “tham việc” top đầu Việt Nam.
Ông Thản có số làm giàu và nổi lên khi tuổi đã gần 40 (trung niên), sau hơn 30 năm lập nghiệp, điểm lại hành trình xây dựng “đế chế Mường Thanh” của ông, chắc mọi người cũng như tôi sẽ thấy ngỡ ngàng trước khả năng làm việc phi thường của ông:
Năm 1986 ông “bứt” ra khỏi biên chế nhà nước, xây dựng DN tư nhân số một tỉnh Điện Biên, nhanh chóng triển khai hàng loạt công trình trong nước và nước bạn Lào.
Năm 1990 ông xây khách sạn đầu tiên. Tính đến nay trong vòng 25 năm tổng số lượng khách sạn trên toàn quốc và nước ngoài của ông Thản là 63 khách sạn, toàn loại 4 – 5 sao. Vị chi bình quân mỗi một năm ông Thản làm gần 3 công trình khách sạn. Khối lượng công việc vô cùng khổng lồ, vừa xây dựng vừa đưa vào hoạt động chuỗi khách sạn lớn nhất Đông Dương của ông có lẽ chỉ có thể tính bằng ngày, bằng giờ. Đương nhiên là ông Thản có đội ngũ giúp việc, nhưng Mường Thanh chính là linh hồn của ông cho nên mọi quyết định cuối cùng vẫn là ông.
Năm 1997 ông Thản về Hà Nội. Chỉ hơn một thập niên ông đã làm luôn một loạt các dự án khu đô thị lớn gồm Kim Văn, Kim Lũ, Đại Thanh, Linh Đàm, Xa La, Thanh Hà… Khối lượng công việc trong 30 năm của ông Thản gây dựng nên tập đoàn Mường Thanh quả là quá đồ sộ.
Cứ thế, làm, làm, làm…và làm. Tần suất làm việc của ông Thản không biết gấp 10, 20, hay… 50 lần người bình thường?
Và đấy phải chăng là một nhân tố dẫn tới những hệ lụy của việc quá “chăm làm” của ông Thản, giống như người làm quá sức có lúc sẽ bị ốm. Có làm ắt có sai, sai nhiều hay sai ít, và sai bởi động cơ gì? Ông Thản, kỳ lạ như tôi biết, ít ai làm doanh nhân mà “thật như đếm” như ông…
Những người đồng đội nói gì về ông Thản?
Tôi được một người đồng đội cũ của ông Thản chia sẻ: Ông Thản xuất thân là lính cụ Hồ, nếu nói về ông Thản không ai dũng cảm cảm và “ham việc” như ông ấy, nhưng phải cái tội dễ tin người. Trong một trận đánh khốc liệt nhất tại chiến trường Bình – Trị Thiên, chính ông ấy đã từng suýt mất mạng vì một lỗi “tin người”. Hôm đó Thản cùng đồng đội tên L nhận một nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm: xuyên đồn địch báo tin mật cho quân ta trên Đồi Cối, khi bị địch phát hiện, 2 người đành tách nhau ra, tránh sự bao vây của địch. Thản không nghĩ ngợi nhiều, tin tưởng giao bản đồ duy nhất chỉ đường lên Đồi Cối cho L, còn mình sẵn sàng quyết tử để đánh lạc hướng kẻ thù. Sau đó vì sự hèn nhát, L đã bỏ trốn mang theo tấm bản đồ. Biết tin Thản đau lắm, nhưng thề sẽ hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá. Sau 2 ngày nếm mật nằm gai, chui rúc dưới hầm hào và xác chết thối rữa, khi thì giáp lá cà với địch, sự sống ngàn cân treo sợi tóc… Cuối cùng Thản đã tới được Đồi Cối báo tin trước sự ngỡ ngàng của đồng đội. Chính bởi ông có lòng dũng cảm, có khí phách và tin người, thương người như vậy, nên dù nay ông là “đại gia” thì ông vẫn yêu thương đồng đội, yêu thương người nghèo khổ, và đồng đội cũng rất yêu thương ông.
Một vị Thiếu tướng trong lực lượng vũ trang vốn là người rất quan tâm tới ông Thản thì nhận xét, ông Thản ngoài việc là một người chiến sỹ đã từng xông pha trận mạc, không tiếc máu xương trong thời chiến, thì ông còn là một nhà kinh tế có tầm nhìn chiến lược ở thời bình. Không phủ nhận trong ma trận của “kinh tế thị trường” ông Thản đã không thể tránh khỏi những va vấp đáng tiếc. Tuy nhiên tôi tin ông Thản có một triết lý kinh doanh thấm đẫm tính nhân văn, đôi khi làm việc bằng trái tim nhiều hơn lý trí. Có thể trong sự việc khiến ông bị khởi tố, ông không suy nghĩ đến vấn đề pháp lý quá nhiều mà say sưa với ý nghĩ xây nhà giá rẻ cho dân, làm xong nhà nước cũng sẽ ủng hộ vì đó là thiện ý, là giúp dân.
Ông Nguyễn Đình Chức người cùng làm việc với ông Thản thời thanh niên thì nói với tôi rằng: Ông Thản không chỉ là một người biết làm ăn kinh tế, ông còn là một người có tấm lòng vàng đối với quê hương. Tại nơi ông Thản sinh ra, ông đã bỏ tiền đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học, trang trại, vườn thú và hơn 10 khách sạn nhằm tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người dân nghèo không đủ điều kiện học hành, không có bằng cấp. Bên cạnh những việc làm dài hạn ấy, ông Thản còn tìm đến tận nơi những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, người nghèo quê ông và cả người nghèo của tỉnh Lai Châu (nơi xưa kia ông công tác) hầu như không ai là không nhắc đến ông và biết ơn ông. Cảm giác như ông làm để trả ơn, làm để giúp dân chứ kiếm lãi lời ở chốn đó thì quả là khó lắm thay!
Một người bạn tôi đã từng đến Khu sinh thái Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An – quê hương ông), thăm chùa Lâm Hà, chùa Phúc Lạc…là những ngôi chùa ông Thản bỏ tiền ra xây, thì nhận xét rằng: Ông Thản không chỉ đơn thuần là một nhà kinh tế mà ông ấy còn là người có tầm văn hóa.
Có nên thay đổi cách nhìn về ông Thản?
Qua bao biến chuyển xoay vần của con tạo, từ một anh lính dũng cảm nơi chiến trường ngày nào giờ đây ông đã trở thành một doanh nhân mà người đời hay gọi là “Đại gia điếu cày”. Cái tên này khiến tôi có cảm giác ông dễ bị “bắt nạt” vì rằng có chất… nông dân. Ờ, mà ông Thản đích thị là anh nông dân chứ nào phải “ông quan” đâu nhỉ? Trong tác phẩm “Đối thoại cùng người nổi tiếng”, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đã từng viết “một người “gốc” thuần nông như ông Lê Thanh Thản, không thích màu mè, thích ăn cá đồng kho, rau luộc, rượu táo mèo, thường đi dép Tông Thái…”. Nhưng khác ở chỗ, ông nông dân Lê Thanh Thản lại biết có thể tạo ra cơn mưa để mọi người cùng hưởng, để hàng chục ngàn con người đổi đời, hàng chục ngàn người trẻ có công ăn việc làm.
Có điều, bản tính của người nông dân vốn thật thà, chất phác nên đôi khi làm phúc lại phải tội “tiền mất, tội mang”. Bao nhiêu công lao to lớn của ông không khéo lại bị vết bùn bám.
Nói đến đây tôi lại thấy buồn thay. Cơ chế ấy, người thế đấy, nào phải một tay ông Thản che trời cho được? Thật đúng dậu đổ bìm leo, coi như số phận ông phải kinh qua một lần “phạm thượng”. Ông giàu như thế, tư duy kinh tế nhanh nhạy như thế, thì cũng ngày 2 bữa cơm cà, cá mắm, cả đời chưa từng ăn đến con Tôm Hùm. Tôi đã từng chứng kiến nhiều bữa cơm ông thết khách, có nhiều món ngon, nhưng ông vẫn chỉ ăn cá trích kho hoặc cá mắm kho (kho kiểu quê đồ Nghệ), chứ nào ông có ăn cao lương mĩ vị gì đâu. Có lần ông còn thắc mắc với nhân viên “Chả cá Lã Vọng ngon lắm hả bây?”. Người như thế tôi tin chắc ông ấy không tham của ngon vật lạ, không tham tiền bạc gì đâu, nhưng chắc ông có… tham, đó là khát vọng dâng hiến cho một đất nước phồn vinh, cho một dân tộc Việt giàu mạnh, sánh vai các cường quốc. Muốn đất nước phồn thịnh thì những doanh nhân như ông Thản phải được chính quyền quan tâm, động viên, để họ nỗ lực hơn nữa, cống hiến công sức, trí tuệ nhiều hơn nữa! Và tất nhiên, cũng cần có những nhà quản lý, giám sát, nhắc nhở, xử phạt khi doanh nhân/ doanh nghiệp có nguy cơ làm sai chứ? Tại sao lại để cho sai rồi mới xử lý, mà xử lý thậm chí như vụ hủy hoại Công viên nước Thanh Hà khiến cho doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng? Đó chẳng phải cũng là xã hội thiệt hại? Là tài sản nhân dân thiệt hại?
Tôi biết cũng có người dân đang vướng mắc về việc mua căn hộ mà chưa được cấp sổ đỏ, cũng phàn nàn ông Thản sai, tại ông Thản…tham. Thực tế “cái tham” của ông Thản cần phải được nhìn nhận ở cả góc độ nhân văn mới công bằng cho ông ấy. Đối với người dân bị vướng mắc, rất cần có chế tài xử lý dứt điểm, cái đó xin chia sẻ với người dân. Nhưng đông đảo người dân hiện tại vẫn đang có cái nhìn thiện cảm dành cho ông, bởi tổ ấm của họ chắc chắn có bóng dáng ông Thản trong đó. Thử hỏi cầm số tiền 600 triệu đi mua nhà ở Hà Nội, liệu có ai bán cho ngoài ông Thản? Có những cái tham nhưng là tham cho người khác hưởng. Ông Thản khai có “nóng vội” nên mới làm như vậy trong kết luận của Cơ quan điều tra thì cũng có cái lý của ông ấy. Trên Vnexpress ông nói: “Tôi không đồng tình với kết luận của Cơ quan điều tra, việc xác định thu lời bất chính là không đúng. Đây là tiền bán nhà mà cơ quan điều tra lại quy kết hết thành thu lời bất chính, không trừ tiền đầu tư cho tôi”, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến phản bác ấy của ông Thản. Nó giống như câu chuyện người nông dân trồng rau đem bán, ra chợ muốn bán nhanh thì có lách luật để nhanh hết hàng, đến khi bị phát hiện thì nộp phạt, rau đó là bao công sức, tiền vốn mua giống mua phân bón mới có, không thể nói là “thu lời bất chính” được.
Trong vụ này thiết nghĩ ông Thản và khách hàng đang ngồi chung một thuyền, chỉ cần quan trên mở cửa thì con thuyền này ắt sẽ no gió mà phi ra biển lớn hát khúc khải hoàn thôi. Còn ai tin hay không thì cứ thử đi sẽ biết, đừng khư khư giữ cái nhìn méo mó dành cho ông ấy nữa. Giống như đôi mắt của văn sỹ Hoàng trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao: Đôi mắt ấy nhìn thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài “Ba giai đoạn” giống như một con vẹt, nhưng anh lại không trông thấy bó tre anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Có lẽ chính ông Thản cũng nên thay đổi cách suy nghĩ lối mòn rằng “cây ngay không sợ chết đứng”, cái ông cần lúc này là phải lên tiếng, phải tự mình nói ra rằng ông không có lòng nào đi “lừa đảo”, “lừa dối” hay “ăn quỵt” của người mua nhà. Ông có sai thì cũng sẽ được các cơ quan pháp luật xem xét về mức độ và mục đích, nhưng chắc chắn ông không lừa dối người dân, và như TBT Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: Pháp luật cũng có điểm nhân văn.
Tôi trộm nghĩ với cống hiến cả đời của ông, lý ra ông cũng phải được ngợi ca như một người tử tế hết lòng vì người khác, thì lại bị nhấn chìm dưới dư luận khi nhiều người chưa kịp hiểu gì về ông!
Theo Tầm Nhìn