Cùng bàn về kinh tế số

Tác giả : Admin 22/03/2021
 Thời gian gần đây Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo, điều hành bảo đảm kinh tế số phát triển bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới. Tuy thực tiễn phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ số ở nước ta đang rất sôi động, nhưng sự phản ứng của các cơ quan chức năng trước sức nóng của nó có nhiều chuyện chưa thể theo kịp. Các cơ quan truyền thông tuyên truyền về kinh tế số, đặc biệt là dự báo, khuyến cáo, cảnh báo về sự vận hành của kinh tế số trên toàn cầu, những tác động tích cực và tiêu cực, rủi ro của nó đối với cộng đồng xã hội, nhất là lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đang có nhiều câu chuyện trên thực tế thiếu sự nhận diện sâu, thiếu kiểm chứng, còn đưa ra những nhận định chủ quan, chung chung, một chiều…    

Bài 1: Đôi điều về kinh tế số và những kiến nghị với các nhà quản lý

Cả thế giới đang chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công nghệ số thông minh đã được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, kinh tế số đang có những chuyển động mạnh mẽ, tác động làm thay đổi tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn của xã hội loài người. Nhất là lĩnh vực tài chính, tiền tệ, marketing, lưu thông hàng hoá, bán hàng trực tuyến…

Khái niệm về kinh tế số thì có nhiều, nhưng tựu chung lại, kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động.

Hiện tại có những sự vận hành trong xã hội số đang là sự thách thức về pháp lý đối với nhiều quốc gia. Cấm thì không được, quản cũng không xong. Tính tất yếu khách quan cùng những đặc điểm, đặc trưng mới của sự vận động, phát triển của nhiều mô hình, giải pháp kinh tế số, nhiều quốc gia chưa thể cập nhật, tổng kết ngay. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng chưa thể kịp thời. Ban hành văn bản pháp luật khi chưa hội đủ căn cứ có thể không phù hợp, thậm chí là cản trở sự phát triển.

Kinh tế số thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, tạo ra môi trường minh bạch, công bằng trong sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh theo quy luật cung cầu. Tuy nhiên bước đi ban đầu cũng tạo ra nhiều hệ lụy khó khăn cho xã hội. Nhiều hoạt động, mô hình kinh doanh truyền thống bị thu hẹp, biến mất. Trong khi, chuyển đổi theo xu hướng chung về sự phát triển của công nghệ số, cơ hội và rủi ro trong đầu tư, tổ chức kinh doanh, các chủ thể kinh tế cũng không dễ có những quyết định đúng. Làm thế nào để vừa nắm bắt được cơ hội mới, vừa bảo đảm an toàn tài chính, tài sản trong đầu tư cũng đang là những vấn đề thời sự, có những chuyện chưa có sự nhận biết rõ ràng… Trước khi cùng nhau nhận diện, bàn luận một mô hình kinh tế số khác biệt, đang thu hút hàng chục triệu người trên thế giới tham gia, với hiểu biết của cá nhân, xin có mấy kiến nghị sau đây:

⁃ Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kinh tế số, ngoài những nghị quyết, chỉ thị, quyết định nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế số, Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án kinh tế chia sẽ. Tuy nhiên, hiện có nhiều dự án, mô hình kinh tế số ngoài nước đã được người Việt Nam tham gia. Trong các mô hình dự án này, để nhận diện rõ bản chất cũng như cơ hội và rủi ro của từng mô hình cụ thể thì các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được đầy đủ thông tin. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng, nhằm nghiên cứu, đưa ra thông tin chính xác cho cộng đồng, vừa khuyến khích tham gia các dự án, mô hình phát triển bền vững, thu hút được dòng vốn từ nước ngoài, tạo được việc làm trong nước, đồng thời cảnh báo, khuyến cáo những lừa đảo, rủi ro trong môi trường kinh tế số.

⁃ Riêng lĩnh vực tài chính tiền tệ chuyển động trên nền tảng số rất mạnh mẽ. Theo đó, dòng tiền nhàn rỗi người dân gửi vào ngân hàng bị giảm đi. Có thể nói dòng tiền hàng vạn tỷ trong mấy triệu tỷ gửi ngân hàng lâu nay của khách hàng trong nước được chia ra đầu tư vào kinh doanh trên nền tảng số. Có số chơi chứng khoán, mua bán cổ phiếu, tham gia trade các sàn giao dịch Forex, hoặc đầu tư làm cổ đông quỹ cung cấp thanh khoản cho các sàn giao dịch ngoại hối. Có số mua bán tiền điện tử, đào tiền ảo. Có số tham gia vào các dự án kinh doanh mạng nhiều cấp… theo luật chơi của chủ dự án. Phổ biến của kinh doanh nhiều cấp hiện nay, các chủ dự án, công ty đưa ra hai hình thức để thúc đẩy xây dựng hệ thống và phân chia lợi nhuận theo cách mà họ áp dụng là hệ nhị phân hoặc hệ mặt trời (*). Từ câu chuyện chia sẽ dòng tiền gửi nhàn rỗi nói trên, được biết, hệ thống ngân hàng trong nước đã có nhiều động thái tích cực, bắt nhịp xu thế chung, đưa ra và bổ sung các dịch vụ phù hợp. Tuy nhiên về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chính phủ cũng cần có những chính sách, chỉ đạo linh hoạt, trong khi nhiều quy định của pháp luật chưa theo kịp xu thế mới.

⁃ Vấn đề thuế cũng có nhiều chuyện cần có chính sách linh hoạt. Riêng thuế thu nhập cá nhân cần có biện pháp tăng cương tuyên truyền, tổ chức khai báo thu nhập và có các biện pháp cụ thể để người kinh doanh trên nền tảng số chấp hành nộp thuế thu nhập cá nhân.

⁃ Cũng như kinh doanh truyền thống, trong hệ sinh thái của sản xuất và lưu thông hàng hoá, khách hàng là yếu tố quan trọng và quyết định thành bại của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẽ, chủ doanh nghiệp tìm mọi cách nắm giữ khách hàng bằng cách bảo đảm chất lượng sản phẩm, chia sẽ lợi nhuận kinh doanh cho người tiêu thụ hàng hoá, kết nối xây dựng hệ thống khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã thu hút được số lượng khách hàng đông thông qua chính sách ưu đãi và công cụ điện thoại thông minh trên nền tảng công nghệ số chung và nền tảng công nghệ số riêng do công ty xây dựng.

Chính vì vậy mà hoạt động marketing, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm hàng hoá đang chuyển động theo hướng trực tuyến từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Dự báo việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, thương hiệu trên báo chí và mạng xã hội ngày càng giảm đi. Vì vậy các cơ quan truyền thông báo chí cũng cần có sự nghiên cứu, cảnh báo để chuyển hướng kinh tế báo chí phù hợp. Đồng thời Chính phủ cũng cần có chính sách phù hợp đối với báo chí.

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan