Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0

Tác giả : Admin 09/03/2021

DNVVN chiếm 97,14%(1) tổng số Doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp trực tiếp gần 50% GDP hàng năm, nộp 33% ngân sách cả nước, 45%(2) vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Như vậy DNNVV đang ngày một khẳng định vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và đóng góp vào ngân sách quốc gia.    

Đứng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các DNVVN vừa mang đến nhiều cơ hội phát triển, hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài, song vừa đặt ra các thách thức về sức cạnh tranh và mặt yếu kém công nghệ sản xuất.

Cơ hội của các DNVVN Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0

 Cơ hội và lợi ích lớn nhất dành cho các DNVVN Việt Nam khi tham gia vào Cách mạng công nghệ số chính là tăng năng suất và giảm chi phí trong sản xuất. Nhờ ứng dụng  công nghệ cao, dây chuyền sản xuất hiện đại, giải pháp phần mềm mà các DNVVN có thể tạo ra sản phẩm sản xuất hàng loạt với các mô hình kinh doanh mới. Đồng thời tạo ra quá trình quản trị Doanh nghiệp như quản trị nhân lực, tài chính, vốn được xử lý nhanh , chính xác và kịp thời hơn.

Cách mạng công nghệ 4.0, giúp việc kết nối giữa các DNVVN Việt Nam với đối tác nước ngoài trở nên đơn giản hơn nhờ ứng dụng các thành tựu công nghệ Internet of things, AI, Big data, cloud computing… Các giải pháp quản trị Doanh nghiệp giúp tối thiểu sai sót, tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhà quản trị. Các ứng dụng cảm biến thông minh giúp toàn bộ quá trình sản xuất của các DNVVN trở thành tự động hóa. Các hệ thống điều hành tập trung dành cho DNVVN như ERP, BI giúp việc điều hành và giải quyết các vấn đề nội bộ một cách nhanh chóng, chính xác. Cuộc CMCN 4.0 mang đến cho các DNVVN Việt Nam những giải pháp công nghệ thông minh, có thể quản trị tại mọi nơi, mọi lúc giúp nâng cao hiệu suất lao động và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thách thức mà DNVVN Việt Nam phải đối diện trong cuộc CMCN 4.0

Trước những cơ hội, CMCN 4.0 đã mang đến không ít những thách thức cho Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đặc biệt DNVVN nói riêng. Các DNVVN muốn đứng vững trong thời đại công nghệ 4.0 cần chuẩn bị cho mình chiến lược dài hạn và bài bản về kinh doanh, ứng dụng công nghệ, sản phẩm dịch vụ, nguồn nhân lực, chất lượng nhân sự… Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều DNVVN sẵn sàng hoặc lúng túng trong hội nhập, thay đổi cho phù hợp với thời đại công nghệ số. Có rất nhiều DNVVN hoạt động theo hình thức truyền thống tại Việt Nam còn đang loay hoay tìm cách tồn tại và phát triển trong hiện tại.

Thực trạng phát triển về cơ sở hạ tầng dữ liệu còn non yếu cũng là một trong những thách thức không nhỏ mà các DNVVN Việt đang phải đối mặt trong thời đại công nghệ 4.0. Mặt khác so với các DNVVN trong khu vực và trên thế giới, tốc độ phát triển công nghệ của các DNVVN Việt còn hạn chế và yếu kém nhiều. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng tiềm năng cho các DNVVN Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra nguồn nhân lực còn thiếu và yếu cũng là khó khăn của các DNVVN trong việc phát triển công nghệ số hiện nay.

Khuyến cáo cho các DNVVN của Việt Nam trước cách mạng công nghiệp 4.0

Nếu không muốn tụt hậu, bỏ lại phía sau hoặc bị dẫm chết bởi các Doanh nghiệp lớn, các DNVVN Việt Nam cần phải thực hiện các bước chuyển mình. Thông qua các giải pháp công nghệ số để tiếp sức cho DNVVN Việt Nam hiện sẵn sàng xông pha, cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và thế giới.

Khuyến cáo về chính sách

Chính phủ cần hoàn thiện những chính sách và hành lang pháp lý mới để phù hợp với công nghệ số nói riêng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung. Đồng thời tạo điều kiện để các DNVVN, start-up công nghệ phát triển, hỗ trợ Doanh nghiệp truyền thống phát triển mạnh hơn. Các quy định của pháp luật và các cơ chế chính sách hoàn thiện nhằm đảm bảo môi trường pháp lý, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho ứng dụng cho công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng tạo điều kiện cho các DNVVN phát triển.

Cần đột phá chuyển giao giữa các Doanh nghiệp lớn và DNVVN

Các công nghệ mới như: Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy, vật liệu mới,… cần được các Doanh nghiệp lớn, các Doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao cho các DNVVN. Các công nghệ trên đều được tích hợp trong máy tính và thiết bị điện tử, giúp việc tiếp cận và xử lý dữ liệu trở nên nhanh chóng và đơn giản hơn. Nhờ các bước chuyển giao công nghệ bộ máy sản xuất, nhân sự của các DNVVN được phát triển lên một tầm cao mới. Việc giao tiếp giữa các phòng ban, bộ phận, nhân sự trong DNVVN trở nên nhanh và chính xác hơn, năng suất lao động nâng cao. Các phần mềm cũng giúp quy trình sản xuất được tự động hóa, tiết kiệm nhân lực, sức lao động và thời gian.

Khuyến cáo nội tại các DNVVN

CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi văn hóa DNVVN, cũng mang đến các tác động đến văn hóa phát triển, hợp tác của các DNVVN Việt Nam với các đối tác. Trong thời đại kinh tế số các nhà quản trị Doanh nghiệp cần phải nói không với sự trì trệ, chậm chạp trong bộ máy quản lý, không ngừng đổi mới, linh hoạt trong việc tiếp cận đối tác. Nhà quản trị Doanh nghiệp ngoài chuyên môn, kinh nghiệm còn cần trang bị các giải pháp, công cụ phần mềm cho mình.

Đào tạo nguồn lao động có đủ khả năng và kiến thức về công nghệ số và triển khai tại DNVVN. Con người là một yếu tố vô cùng quan trọng trên con đường chinh phục thế giới số, thời đại số. Đầu tư vào con người chưa bao giờ là một sự đầu tư không có lợi nhuận. Do vậy các nhà quản trị DNVVN không ngừng học hỏi, tiếp thu, cập nhật các công nghệ nhằm ứng dụng vào quá trình sản xuất. Doanh nghiệp cần tổ chức đào tạo, hướng dẫn công nghệ, giải pháp phần mềm đến các nhân sự của mình. Qua đó tạo nên bộ máy nhân sự có chuyên môn, trình độ và kỹ năng nhằm tạo dựng Doanh nghiệp phát triển sức mạnh từ nội tại.

  (1). Theo sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 của Bộ kế hoạch và Đầu tư;

  (2). Theo Báo cáo phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân Việt Nam của Bộ kế hoạch và Đầu tư

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan