Cổ đông công ty TDS đề nghị tòa xem xét và đưa ra phán xét khách quan, công bằng

Tác giả : Admin 30/11/2020
Sáng ngày 30/11/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục mở phiên phúc thẩm vụ án “tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư” giữa nguyên đơn là bà Trần Kim Phương đại diện cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS (gọi tắt Công ty TDS) và bị đơn là bà Lê Thị Bích Dung giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trường THCS – THPT Newton (gọi tắt Trường Newton). Phiên tòa đã công bố thêm các hồ sơ tài liệu mới bổ sung và tiếp tục đối chất, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Tại Tòa, bà Nghiêm Nhật Anh (cổ đông của công ty TDS) đã có phát biểu đanh thép làm rõ vấn đề cốt lõi của vụ án, đồng thời đề nghị Tòa sẽ đưa ra phán xét thật khách quan, công bằng.

Tại phiên tòa sáng ngày 30/11, phía nguyên đơn bà Trần Kim Phương đã nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án là hai vi bằng được lập. Cụ thể, nội dung trong vi bằng đầu tiên thể hiện việc bà Dung đã tự nguyện ký kết các hợp đồng hôm 10/7/2018 tại tòa nhà TH1 trong trạng thái vui vẻ chứ không bị ai ép buộc.

Được HĐXX mời dứng dậy, đối chất về việc bị ép ký hợp đồng, bà Lê Thị Bích Dung lại khá lúng túng cho biết, bản thân không biết ảnh này bà Phương chụp lúc nào, không thể xác định, còn việc ký hợp đồng hôm ấy là có. Buổi này là “họp phụ huynh học sinh”?

Ngay sau đó, Chủ tọa phiên tòa đã đọc công khai nội dung vi bằng về nội dung trên trước Tòa.

Tài liệu, chứng cứ tiếp theo là vi bằng mà bà Nguyễn Thu Hường (cổ đông của Newton) lập, được bà Kim Phương nộp cho Tòa. Nội dung thể hiện, bà Hường thấy bất công về vụ án tranh chấp Cty TDS – Trường Newton vì bà Dung “gian dối” nhiều nên đã lập vi bằng toàn bộ các nội dung Email mà bà Dung chuyển cho bà Hường nhằm khẳng định, bà Dung đều thông báo đáp ứng nội dung cần làm đối với bà Phương cho bà Hường,…

Đối chất lại nội dung vi bằng, bà Dung vẫn cho rằng, bị ép ký các hợp đồng?

HĐXX cho biết, nội dung hai vi bằng nêu trên sẽ được HĐXX nghiên cứu, xem xét.

Hình ảnh thể hiện bà Kim Phương và bà Bích Dung rất vui vẻ, bắt tay nhau trong buổi ký hợp đồng ngày 10/7/2018.

Cổ đông TDS đề nghị tòa xem xét đúng vấn đề cốt lõi của vụ án

Trình bày tại Tòa, bà Ngiêm Nhật Anh (cổ đông công ty TDS) khẳng định: “Xuất phát điểm, chúng tôi là nguyên đơn, nội dung là bên chúng tôi đã trả tiền rồi nhưng bên trường Newton chưa trả hóa đơn 44,2 tỷ. Đấy là nội dung xuất phát điểm của vụ kiện này”.

“Tuy nhiên, kể cả dựa trên công văn mà Thẩm phán gửi cho Công an quận Bắc Từ Liêm hay là toàn bộ nội dung này thì chúng ta lại đi giải quyết một khúc mắc về câu hỏi là: “Phía trường Newton có bị uy hiếp hay không?” Mà trong khi cái chi tiết uy hiếp này lại nằm trong một cái đơn phản tố đã quá thời hạn đến 5 tháng. Thế nhưng câu chuyện có uy hiếp hay không lại chiếm tới 70% khối lượng thời gian tranh luận ở đây. Trong khi ngay từ đầu chúng tôi đã trả tiền cho bên đấy rồi thì bên đấy (phía bên trường Newton – PV)  có phải xuất hóa đơn VAT cho chúng tôi không? Đấy mới là câu hỏi căn bản cốt lõi của vụ kiện này!” bà Ngiêm Nhật Anh nói.

Tiếp tục trình bày quan điểm, bà Ngiêm Nhật Anh cho rằng ngay từ hợp đồng đầu tiên giữa bà Phương và bà Dung đã vi phạm pháp luật.

“Bên bà Dung nói rằng là bà Dung không chuyển được cái 49% Pascal nữa tại vì những cổ đông của bà ấy không đồng ý mặc dù là bà ấy đã ký ở trong cái hợp đồng đấy. Và trong hợp đồng cũng nói rõ là bà ấy có trách nhiệm thuyết phục các cổ đông kia. Thì cho rằng hợp đồng này vô hiệu! Chúng tôi đồng ý! Nhưng đến phần của chúng tôi (bà Phương), cũng là một kịch bản y như thế, cũng là tự bà Trần Kim Phương bà ấy tự đi bán, cũng vi phạm thì Tòa lại giữ nguyên?

 “Cốt lõi là bên phía bà Dung và trường Newton có phải trả hóa đơn cho chúng tôi hay không? Đề nghị phiên Tòa làm rõ! Nếu vô hiệu cái điều khoản hợp đồng về việc bà Dung phải chuyển cổ phần trường cho chúng tôi. Thì kịch bản ngược lại ở phía chúng tôi Tòa có xử lý hay không? Có vô hiệu toàn bộ hợp đồng mà có những vi phạm rõ ràng như thế hay không”?.  Bà Nghiêm Nhật Anh liên tục đặt câu hỏi.

Bà Nhật Anh cũng tỏ ra bức xúc về việc phiên tòa dành quá nhiều thời gian để tranh luận xử lý đơn phản tố đã quá hạn 5 tháng: “Họ nói rằng họ bị uy hiếp trong khi 3 tháng trời uy hiếp đó không có một cơ quan nào nhìn nhận, không có một đài báo gì thông tin. Thực tế tiền của ai đã về đúng của người ấy cho nên chúng tôi đề nghị Tòa xem xét những gì của ai thì cũng nên bảo vệ quyền lợi cho người ta”. Bà Nghiêm Nhật Anh khẩn thiết đề nghị.

Trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội (Ảnh: BN)

Kết thúc phần trình bày, bà Nghiêm Nhật Anh một lần nữa nhấn mạnh về việc đây là phiên tòa về tranh chấp hợp đồng kinh tế chứ không phải tòa hình sự hay hành chính nên không thể cứ phân tán phân tâm để phán xét về việc có uy hiếp hay không? Nếu có uy hiếp, Tòa phải lấy ý kiến của người khác, nhưng trong chính công văn trả lời, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng không dám khẳng định với Tòa đấy là uy hiếp mà chỉ “đá bóng” lại cho Tòa. Từ đó bà Nhật Anh đề nghị Tòa sẽ đưa ra phán xét thật khách quan công bằng.

Kết thúc phiên tòa sáng 30/11, sau khi các đương sự lắng nghe ý kiến của Đại diện Viện Kiểm sát. HĐXX tuyên bố sẽ nghị án và tuyên án vào lúc 15 giờ chiều cùng ngày.

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan