Chút tản mạn về ngày Tết Ông Công Ông Táo

Tác giả : Admin 04/02/2021
Trong mỗi gia đình Việt, gian bếp cũng được coi là nơi linh thiêng bởi nơi đó có Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân (gọi nôm na là ông Công ông Táo)  ngự trị. Người ta thường quan niệm rằng gia đình có được yên ấm hay không là nhờ 3 vị Táo quân. Bếp luôn đỏ lửa có nghĩa là gia đình luôn no ấm.    

Văn hóa Á Đông luôn thường trực thuyết “Vạn vật hữu linh”. Có thể hiểu là: vạn vật cũng như con người đều có linh hồn; đặc biệt mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi ngọn cậy cổ thụ, mỗi khu đất đều có những vị thần theo nguyên tắc “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Trong mỗi gia đình Việt, gian bếp cũng được coi là nơi linh thiêng bởi nơi đó có Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân (gọi gọi nôm na là ông Công ông Táo hoặc Vua Bếp) ngự trị.

Nếu như người Trung Quốc thờ Táo quân gồm 1 ông 1 bà thì người Việt thờ Táo quân gồm 2 ông 1 bà hoặc gọi là 3 ông đầu rau. Tại các gia đình Việt ở miền Bắc thường thờ Táo quân chung với Tổ tiên và các vị thần trong khu đất của mình như Thổ công, Bà chúa đất, Long mạch trên cùng 1 ban thờ. Duệ hiệu của các vị Táo quân được ghi rõ trong cốt bát hương thờ thần linh. Người Hoa và người Việt ở miền Nam hay lập riêng 1 ban thờ Táo quân trong căn bếp. Nếu như Tổ tiên được ví như vị vua, vị chủ của một ngôi nhà (Tiên Tổ Thị Hoàng) thì các vị Thần linh có vai trò trấn giữ, bảo vệ cho ngôi nhà. Trong nhà chùa có câu thành ngữ “thượng Tam bảo, hạ Táo trù” cũng có ý gián tiếp đề cao vai trò cả các vị Táo quân: trên thì bao quát nhiều công to việc lớn, dưới thì cần mẫn hết mình từ việc bếp núc.

Chuyện truyền miệng của người Trung Quốc lại cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình (nhất là về những người đàn bà làm điều xấu); sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Đến ngày ấy, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo; đặc biệt có thêm cả nước và cỏ khô (cho ngựa của vua bếp “ăn” để bay và chở vua lên trời – khác với Táo quân của ta thì cưỡi cá chép lên trời).

Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp – đa phần người Việt chúng ta coi đây là ngày “vua bếp” lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua. Sớm ngày 23 Tết, các bà nội trợ của mỗi gia đình đã xách túi ra chợ chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Táo quân. Lễ vật cúng gồm 3 bộ mũ, hia bằng giấy, tiền vàng, hoa quả, cau trầu, mâm cơm cúng. Ba chiếc mũ: một màu vàng ở giữa, hai màu đen ở hai bên – tức hai ông, một bà. Một thứ được coi là vô cùng quan tọng là cá chép để làm phương tiện cho tam vị Táo quân về chầu trời.

Thượng tọa Thích Tiến Đạt (viện chủ chùa Đại Từ Ân, nguyên Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội)

Trong một buổi giảng pháp tại chùa Ngòi (Hà Đông, Hà Nội), tôi từng nghe Thượng tọa Thích Tiến Đạt (viện chủ chùa Đại Từ Ân, nguyên Phó ban Trị sự Thành hội Phật Giáo Hà Nội) chia sẻ: “Trong tâm niệm của người Việt từ xưa, bếp rất quan trọng trong một gia đình. Bếp là biểu tượng của ngọn lửa, biểu tượng của sự sống. Ngày nay, người ta lại đề xướng việc giữ bếp lửa của gia đình vì sao? Ở nông thôn việc này ít xảy ra nhưng cuộc sống thành phố thì chúng ta biết. Sáng mỗi người ăn mỗi nơi, trưa ăn ở công sở, lắm lúc buổi chiều cũng mỗi người một nơi. Vì vậy có khi cả tuần bếp cũng không đỏ lửa. Một gia đình mà không thể thường xuyên quây quần bên nhau thì nguy cơ gia đình đó sẽ đổ vỡ.

Duy trì được ngọn lửa bếp thì chứng tỏ phần nào gia đình sẽ ấm no. Hạnh phúc gia đình được duy trì bởi thông qua đó, mọi người quây quần bên nhau, thông cảm với nhau, yêu thương nhau hơn qua bữa ăn, qua món ăn mà người thương nhau nấu cho nhau ăn. Đó chính là thông điệp văn hóa vô cùng sâu sa của tín ngưỡng thờ Táo quân, không hề mê tín dị đoan.”

Xét lại câu chuyện Sự tích Táo quân chầu trời; Một người bà khi xưa lấy chồng, một thời gian người chồng biệt tăm không rõ sống chết nên bà ấy đã tái giá với người khác để tìm nơi nương tựa. Đến khi chồng cũ trở về thì bà ấy bối rối, trong lúc quẫn trí đã nhảy vào lửa tự sát. Hai người chồng cùng nhảy vào cứu nhưng rồi cả ba vị đều chết cháy và hiển Thần, được Ngọc hoàng phong là Táo quân. Như vậy hình ảnh thần bếp của người Việt (2 ông 1 bà) tượng trưng cho tình thủy chung, sự hi sinh vì hạnh phúc. Ngọn lửa của bếp chính là ngọn lửa của hạnh phúc gia đình.Vì thế trong 1 căn bếp xưa đều đặt bà “ông đầu rau” chính là đại diện cho Táo quân – 2 ông 1 bà.

Vì sao lại cúng cá chép sống? Vì người ta hay bảo với nhau đó là phượng tiện để Táo quân về trời. Tuy nhiên, theo thượng tọa Thích Tiến Đạt, cách hiểu như vậy ảnh hưởng từ tục hiến sinh thời cổ. Ý nghĩa việc thả cá sẽ không còn nhân văn theo nghĩa phóng sinh nữa. Loài cá chép tượng trưng cho phẩm chất kiên định, cố gắng không ngừng, luôn nỗ lực vươn lên. Phẩm chất này được thể hiện rõ nhất trong hình tượng cá chép vượt vũ môn hóa rồng (để ví với các sĩ tử khi xưa đỗ Tiễn sĩ, từ chỗ không có địa vị mà dấn thân vào chốn Quan trường). Như vậy, chúng ta nên hiểu việc thả cá chép ngày ông Công ông Táo là để phóng sinh, tu phúc. Đi kèm với đó là hành động thả cá phải thật văn minh, thả cá nhưng không thả túi nilong làm ảnh hưởng đến môi trường

Sau khi cúng Táo quân, các gia chủ có thể tiến hành bao sái ban thờ, tỉa chân nhang mà không phải lo động bát hương bởi lúc này các vị thần tạm thời vắng nhà. Mỗi chân nhang là sự thành tâm, là những lời nguyện cầu của con người. Hóa chân nhang cũng nhằm đưa những lời nguyện cầu đến gần hơn với chư vị thần linh cõi thiên đình.

Có một điều thú vị là ngày 23 tháng Chạp năm này trùng vào ngày lập xuân. Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội và mọi người lại truyền tai nhau quan điểm là phải bao sái, dọn dẹp ban thờ, tỉa chân hương và ngày 21, 22, kiêng làm vào ngày 23, thậm chí phải cúng Táo quan trước, không cúng đúng ngày. Nhưng quan điểm này xét ở nhiều khía cạnh có phần mê tín dị đoan.

Bàn cúng Táo quân của một gia đình Hà Nội năm 1955 (ảnh Tư liệu)

Đúng là theo quan niệm dân gian Á Đông, ngày lập xuân là ngày khởi đầu của mùa xuân mới, vạn vật sinh sôi nảy nở. Hơn nữa, người ta thưởng lầm tưởng rằng bát hương là nơi thánh thần, tổ tiên giáng ngự rồi bày đặt kiêng kị đủ điều nhưng nhưng không phải. Việc thờ cúng từ cổ xưa có chế ra tượng, tranh mô phỏng hình ảnh vị được thờ. Điều kiện eo hẹp hoặc không biết dung mạo của vị đó thì sẽ có cỗ ngai và tấm bài vị (ghi tên của vị được thờ). Đó là những nơi để thánh thần ngự theo quan niệm của người xưa. Nếu không có những thứ trên thì có tờ giấy ghi vị duệ hiệu đặt trong bắt hương làm cốt để việc phụng thờ được rõ ràng. Có lẽ từ đó người ta lầm tưởng và có xu hướng “lãnh tụ hóa” một vật vô tri là chiếc bát hương. Trong việc cúng lễ có 6 thức đồ lễ là hương, hoa, đăng, trà, quả, thực thì bát hương cũng chỉ là đồ vật để dâng lễ cũng như cái lọ cắm hoa, cái đĩa bày quả, bánh.

bàn cúng Táo quân trong một gia đình hiện đại

Người xưa có câu “Nhất thiết duy tâm tạo”. Thiết nghĩ, sự tưởng nhớ, tôn kính nên xuất phái từ tâm thành chứ không nên quá vin vào những vật hình thức. Chiếc bát hương trên bàn thờ cần phải gọn gàng, chân nhang quá rậm rạm cũng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn thế nên tỉa chân nhang cuối năm cũng để phòng cháy. Thời tiết xoay vần theo quy luật còn những nghi lễ theo truyền thống văn hóa tốt đẹp thì chúng ta nên duy trì sao cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Chúng ta nên hiểu ngày Tết Táo quân cũng là ngày của sự đoàn viên, gia đình sum họp, là ngày tổng kết một năm đã qua và rút kinh nghiệm cho năm mới./.

Theo Tầm Nhìn

Link gốc: Tầm Nhìn

Tin liên quan