Chi trả tiền lương, bảo hiểm y tế cho F0 công nhân tại các Khu công nghiệp
F0 công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Long An có thể không được chi trả lương, kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian điều trị COVID-19.
Do một số quy định chưa cụ thể rõ ràng khiến nhiều F0 là công nhân tại các khu công nghiệp tỉnh Long An có thể không được chi trả lương, kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian điều trị COVID-19.
Không chấp nhận giấy tờ của F0 do doanh nghiệp cấp
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH JIA HSIN, Khu Công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết, công ty vừa kiểm tra, sàng lọc theo định kỳ cho trên 5.000 công nhân và phát hiện một số F0. Công ty đã thuê hơn 20 phòng trọ để tổ chức quản lý cách ly, điều trị cho công nhân là F0 phát hiện trong nhà máy. Tuy nhiên, có nhiều công nhân sinh hoạt tại nhà và tự test nhanh cho kết quả dương tính mà ngành y tế địa phương vẫn giao trách nhiệm quản lý, điều trị cho công ty là không ổn. Vì điều này khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí, quá tải về y tế khi có nhiều ca nhiễm.
Thêm vào đó, các giấy tờ xác nhận cách ly và hoàn thành cách ly, xác nhận khỏi bệnh do doanh nghiệp cấp không được cơ quan bảo hiểm chấp nhận. Vì vậy, hiện công nhân là F0 khỏi bệnh không thể nhận lương và bảo hiểm y tế.
“Nếu có F0 trong doanh nghiệp thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ cấp cho công nhân quyết định cách ly và hoàn thành cách ly. Nhưng mà những giấy tờ đó thì bảo hiểm xã hội đâu có công nhận, đưa những giấy đó lên thì bảo hiểm không duyệt. Mà bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế công ty đã đóng đầy đủ rồi, nhưng thực chất khi xảy ra dịch bệnh thì người lao động và người sử dụng lao động không thụ hưởng được gì hết”, bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết.
Tương tự, tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với gần 6.000 công nhân. Khu công nghiệp và các doanh nghiệp đều có khu cách ly riêng cho F0. Vừa qua một số doanh nghiệp cho biết đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly nội bộ. Trong khi đó sự hỗ trợ của địa phương còn hạn chế, thậm chí không thể liên hệ được với chính quyền và trạm y tế địa phương khi cần thiết.
Không có chức năng về quản lý y tế, nên khi doanh nghiệp tự điều trị và tự cấp giấy chứng nhận, nhiều công nhân gặp khó khăn trong việc giải quyết chế độ.
Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị KCN Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An kiến nghị: “Nếu phát sinh F0, F1 thì doanh nghiệp phải tiếp tục chi trả chi phí này. Đây cũng là gánh nặng tiếp theo, tại vì khi cọ xát đi vào sản xuất chắc chắn sẽ có phát sinh F0. Về mặt đạo đức nghề nghiệp thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm. Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phải trích quỹ hàng tháng hàng quý để phụ với doanh nghiệp chia sẻ với công nhân”.
Toàn bộ chi phí y tế do doanh nghiệp chi trả
Đến thời điểm này, tại 16 khu công nghiệp của tỉnh Long An đã có trên 1.400 doanh nghiệp phục hồi sản xuất với gần 170.000 lao động. Tính từ ngày 4/10- thời điểm Long An mở cửa cho hoạt động sản xuất trở lại đến nay, tại 140 doanh nghiệp phát hiện gần 2.000 F0.
Theo Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Long An, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động, nhưng quá trình cách ly điều trị F0 thì toàn bộ chi phí y tế đều do doanh nghiệp chi trả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải gồng mình để trả lương ngừng việc theo Khoản 3 điều 99 Bộ Luật Lao động. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, đối với công nhân F0 cần được chăm sóc tốt về y tế và phải được bảo hiểm xã hội tạo điều kiện giải quyết chi phí này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Long An cho rằng: “Hiện nay có 2 dạng F0, thứ nhất là cách ly trong cơ sở y tế, vấn đề này không bàn tới. Còn riêng F0 cách ly trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp chưa được hướng dẫn là những lao động F0 này được chi trả bảo hiểm y tế như thế nào, cũng như chi trả tiền lương trong doanh nghiệp ra sao… Do đó cơ quan bảo hiểm cần sớm vào cuộc và có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động yên tâm sản xuất”.
Việc chính quyền, ngành y tế cho doanh nghiệp chủ động về y tế, quản lý điều trị cho F0 giúp doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch và sản xuất, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với người lao động. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực hạn chế thì gặp khó khăn, lúng túng khi thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, do thiếu những quy định rõ ràng với đối tượng F0 trong doanh nghiệp, dẫn tới người lao động là F0 gặp khó trong nhận lương, bảo hiểm. Do đó, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng cần có những quy định và giải pháp cụ thể để giải quyết quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người lao động./.
Theo Môi trường và Đô thị VN