Mới đây, kiểm tra kho hàng và xưởng sản xuất bánh kẹo của Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Thái Lan (xã La Phù, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội), Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội phát hiện và thu giữ 4.000 hộp bánh kẹo có hình thức nhái các thương hiệu lớn (như Damisa nhái theo Danisa, Cozy nhái theo Cosy). Cơ sở này chưa được cấp phép sản xuất thực phẩm và thiếu các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có dấu hiệu làm giả công bố chất lượng sản phẩm.
Nhìn sơ qua, rất khó nhận ra sự khác biệt trên bao bì bánh Damisa với thương hiệu bánh Danisa của Tập đoàn Mayora bởi kiểu dáng, hình ảnh giống nhau; bánh Goszy cũng có tên na ná thương hiệu bánh quy Cosy của Tập đoàn Kinh Đô; bánh Milano có tên giống nhãn hàng Milano thuộc Pepperidge Farm của Mỹ); bánh Huran Delin có tên gần giống thương hiệu Hura Deli của Công ty cổ phần Bibica.
Tại TP HCM, điểm chuyên bán sỉ bánh trên đường Nguyễn Văn Tạo, H.Nhà Bè cũng được bày bán nhiều loại bánh nhái với giá chỉ 25.000 đồng/hộp 450g, như bánh Oreon được nhái theo thương hiệu Oreo thuộc Công ty Bánh quy quốc gia Nabisco, Mỹ; bánh Gossy nhái thương hiệu bánh quy Cosy; bánh APC nhái thương hiệu AFC của Tập đoàn Kinh Đô; bánh KisKat nhái thương hiệu KitKat của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam; bánh Tippo nhái thương hiệu bánh trứng Tipo của Công ty Hữu Nghị. Tất cả sản phẩm này đều ghi nhà sản xuất Sơn Hà, đóng gói tại cơ sở bánh kẹo Tân Minh Khôi. Cơ sở sản xuất Sơn Hà còn tung ra thị trường nhiều loại bánh quy có tên “tiếng Tây” như Orange, Chocolate, Rositte, Bolitas, Caroly… Nhiều hộp bánh còn in cả chữ Hàn, chữ Nhật, khiến người mua có thể nghĩ đây là bánh ngoại nhập.
Thậm chí, khi mở những hộp bánh nhái này, như bánh Huran Delin, bên ngoài vỏ hộp giới thiệu là bánh bông lan hương sữa dâu, nhưng bên trong lại là bánh quy. Hộp bánh ghi trọng lượng 450g nhưng bên trong chỉ vỏn vẹn 11 cái bánh quy khô khốc, trọng lượng chưa đến 100g. Để hộp bánh được đủ trọng lượng, trong mỗi hộp đều gắn kèm theo một thanh ván ép, bìa cứng khá nặng.
“Thủ phủ”bánh kẹo nhái La Phù, Hà Nội những ngày cận Tết vô cùng nhộn nhịp, người xe ra vào tấp nập để vận chuyển hàng đi tiêu thụ.Ở “thủ phủ” này, những thùng bánh kẹo thường có tên na ná các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, lại được viết lệch đi, hoặc thêm bớt một hai từ gây nhiễu, hiểu lầm cho người mua. Chẳng hạn, thương hiệu bánh trứng nổi tiếng Custas được “phù phép” thành Custasd, Custar; Cosy thì biến thành Goszy…
Ở đây, bánh bông lan trứng muối 145.000 đồng/thùng có 12 hộp to; bánh trứng nhiều loại, có loại 160.000/thùng 16 hộp, có loại 190.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 165.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 265.000 đồng/thùng 12 hộp”; bánh Custard, Chocopia bán với giá 280.000 đồng/thùng 20 hộp (khoảng 14.000 đồng/hộp). Chia trung bình thì mỗi hộp bánh có giá rơi vào khoảng 10.000 – 15.000 đồng. Trong khi giá bán của thương hiệu nổi tiếng như Custas, Chocopie… trên thị trường dao động ở khoảng 50.000 – 60.0000 đồng/hộp. Tính sơ qua đã thấy các thương buôn sẽ “lãi to” như thế nào khi bán hàng “dởm”.
Giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu sử dụng các loại bánh kẹo tăng đột biến, lợi dụng nhu cầu của người dân, một số dân buôn còn nhập hàng quá hạn sử dụng về để gắn hộp, mác mới, dập hạn sử dụng mới để đánh lừa người tiêu dùng.
Mới đây, ngày 5.1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24, Cục QLTT Thành phố Hà Nội phối hợp với lực lượng Công an trên địa bàn huyện Hoài Đức đột xuất kiểm tra và bắt quả tang Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang có trụ sở chính tại đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Lê Văn Hướng là đại diện theo pháp luật đang trữ một lượng lớn sản phẩm bánh quy do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu hết hạn sử dụng. Lực lượng chức năng phát hiện hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu “Torku” có nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn sử dụng từ tháng 2 năm 2020 đang được công nhân của Công ty này đang “gia hạn sử dụng” bằng máy dập date có sẵn tại doanh nghiệp. Tại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện Công ty có nhiều loại máy móc khác như máy in, máy đóng gói bao bì, sản phẩm cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm.
Theo cơ quan quản lý thị trường thì hầu hết các loại bánh, kẹo ở đây là hàng nước ngoài, được sản xuất từ năm 2018 và có hạn sử dụng đến tháng 2 năm 2020. Sau đó, công nhân tại đây vứt bỏ vỏ hộp với hạn sử dụng đã hết để chuyển sang một bao bì mới với hạn sử dụng mới dài hơn được in lại từ máy dập date có sẵn.
Theo quy định hiện hành, mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả khá thấp, từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng, bên vi phạm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt hành chính như trên quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu được nên không đủ sức răn đe vì nhiều người sẵn sàng chấp nhận bị phạt để tiếp tục thu lợi từ việc nhái thương hiệu nổi tiếng.
Một chủ doanh nghiệp cho biết, khi phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm nhái, họ ngại làm đơn gửi cơ quan chức năng do quy trình, thủ tục xử lý rườm rà, mất nhiều thời gian. Theo các chủ doanh nghiệp, việc làm nhái sản phẩm thực phẩm không chỉ tạo bất công trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải nâng mức xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng.
Để tránh mua phải những hộp bánh kẹo hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng cần phải xem xét kỹ lượng sản phẩm trước khi mua và không ham hàng rẻ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…Hãy là người tiêu dùng thông thái, để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân, tránh “tiền mất tật mang”, mang bực dọc vào người…
Theo Tầm Nhìn