Các tập đoàn sừng sỏ thế giới đã có mặt ở Việt Nam, nhưng lời nguyền “không làm nổi con ốc vít” vẫn đeo bám doanh nghiệp nội
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được xây dựng từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn “èo uột” và chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vẫn còn quá nhỏ
Trong vài năm trở lại đây, các tập đoàn như Canon, Samsung… liên tục tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm đầu vào nhưng số doanh nghiệp (DN) Việt Nam đáp ứng được yêu cầu rất hiếm. Đại diện Canon cho biết, để sản xuất một chiếc máy in, Canon cần đến 400 linh kiện nhưng các nhà cung cấp Việt Nam chỉ có thể cung cấp một số chi tiết bằng nhựa, bao bì đóng gói.
Những năm qua, lĩnh vực điện tử đã thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia nhưng linh kiện tại chỗ lại không cao, điện thoại từ Việt Nam xuất khẩu nhiều tỷ USD mỗi năm nhưng phụ thuộc chủ yếu vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài.
Theo các số liệu thống kê, đến 99% DN công nghiệp hỗ trợ là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên năng lực còn hạn chế, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, khả năng tài chính yếu, vốn tự có thấp. Một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) thực hiện năm 2019 cho thấy, Việt Nam thiếu các nhà cung cấp có tiềm năng, có năng lực cạnh tranh. Tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam đạt chỉ 36,3%, trong đó tỷ lệ thu mua từ DN địa phương là 13,6%. Chính những khó khăn này khiến DN công nghiệp hỗ trợ “chậm lớn”, khó tiếp cận được công nghệ mới nên sản phẩm khó cung ứng được cho các DN trong chuỗi sản xuất công nghiệp ngay tại thị trường Việt Nam.
Chia sẻ về thực tại của DN, ông Đỗ Phước Tống – Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh cho rằng, DN Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng để đáp ứng các nhu cầu của nhà mua hàng nước ngoài. Các tập đoàn lớn thường đòi hỏi DN cung ứng phải có quy trình sản xuất hiện đại, sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu, có giá cả cạnh tranh và phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, hệ thống quản trị, không gian lao động. Trong khi đó, đa phần DN Việt Nam có quy mô nhỏ, đặc biệt là nhà xưởng sản xuất chưa đảm bảo được yêu cầu của đối tác nước ngoài nên khó có những đối tác lớn.
Đã vậy, cơ chế ưu đãi tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ cũng chưa được cụ thể hóa khiến DN công nghiệp hỗ trợ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để thay đổi và làm chủ công nghệ. Và cũng vì vậy, DN công nghiệp hỗ trợ vẫn còn khá nhỏ.
Khó tham gia chuỗi cung ứng
Cũng vì nhỏ, “chậm lớn” nên DN Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng ngay chính tại thị trường Việt Nam. Trong cả 5 yếu tố của sản xuất (nhân lực, hệ thống quản lý, máy móc, vật tư, công nghệ), DN Việt Nam đều chưa đáp ứng nên khó thu hút vốn và cạnh tranh về thời gian giao hàng.
Hai lĩnh vực đang phát triển mạnh tại Việt Nam là ô tô và điện tử nhưng DN hỗ trợ phục vụ cho những ngành này cũng chưa phát triển, chưa thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, để đầu tư một dây chuyền sản xuất ô tô đạt hiệu quả thì cần phải đạt đến 100.000 xe/năm, thế nhưng tổng thị trường cả nước đạt cao nhất cũng chỉ khoảng 400.000-500.000 xe/năm.
Số liệu của các DN kinh doanh ô tô cho thấy, một chiếc ô tô cần đến 30.000 linh kiện nhưng DN trong nước chỉ mới cung cấp được vài trăm loại linh kiện với giá trị thấp. Số lớn linh kiện chính của chiếc ô tô chủ yếu do DN đầu tư nước ngoài cung cấp. Đơn cử, Toyota Việt Nam có hơn 25 năm phát triển ở Việt Nam nhưng cũng chỉ tìm được khoảng 40 nhà cung cấp tại chỗ, trong đó DN nội địa chưa tới 10 và chủ yếu cung cấp các linh kiện đơn giản. Theo lý giải của DN này, việc thiếu DN nội địa trong chuỗi cung ứng linh phụ kiện của Toyota không chỉ do không đáp ứng về công nghệ mà còn ở sản lượng. Do tăng trưởng sản lượng thấp nên khó phát triển nhà cung cấp, khó nội địa hóa. Đó cũng là lý do mà đến nay, Việt Nam vẫn chưa có công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất ô tô, ngoài một số ít linh kiện.
Ngành điện tử cũng thế. Các tập đoàn lớn trên thế giới rất khó tìm được nhà cung cấp Việt Nam để đưa vào chuỗi cung ứng. Mặc dù điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng phụ thuộc chủ yếu vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài hoặc công ty vệ tinh đi theo các tập đoàn công nghệ này. Ngay cả lĩnh vực may mặc được cho là có nhiều lợi thế của Việt Nam trên thị trường thế giới nhưng để phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành này cũng khó khăn vì vốn DN trong nước yếu, ít có khả năng đầu tư.
Vậy nhưng tìm đến sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng lại không phải dễ. Bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là không dễ, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước, DN chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon chẳng hạn là có thể vay tín dụng giá rẻ, nhưng ở Việt Nam là không thể.
Trong những năm gần đây, để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn một khoảng cách rất lớn. “Mặc dù chính sách nhà nước đã ban hành nhưng cơ chế cho vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính còn nhiều bất cập khiến ưu đãi vẫn chưa đến được với DN”, ông Đỗ Phước Tống – Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh nói.
Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN phải đủ mạnh. Muốn vậy phải đầu tư. Để có một nhà máy phải đầu tư cả trăm tỷ đồng và khấu hao rất lâu nhưng doanh số không cao, chưa kể DN phải có đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao để nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Vì thế, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước thì DN sẽ ngần ngại đầu tư, và như vậy rất khó để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển như mong muốn. Mà khi ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển thì việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn xa.
Theo Doanh nhân Sài Gòn