Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Công nghiệp chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua.
Các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, chạy đua trong những tháng cuối năm
Bước vào Quý IV/2021, với những tín hiệu hết sức tích cực từ “tâm dịch TP HCM” và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia khẳng định “Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc”. Các doanh nghiệp cũng tăng tốc sản xuất, chạy đua với đơn hàng trong những tháng còn lại của năm.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 9, cán cân thương mại của Việt Nam đã có xuất siêu. Tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Điển hình tại tỉnh Kiên Giang, bước vào khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội những tháng cuối năm, Kiên Giang thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 0,5% trở lên; phấn đấu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ 2,5 – 3%, nỗ lực không để kinh tế tăng trưởng âm.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp với hai lĩnh vực chủ lực là lúa và thủy sản, tỉnh đã thu hoạch hơn 4,47 triệu tấn lúa, phấn đấu năm 2021 đạt sản lượng trên 4,5 triệu tấn lúa; tôm nuôi thêm hơn 23.000 tấn để cả năm đạt trên 105.000 tấn, vượt 7.000 tấn so với kế hoạch năm 2021, bù đắp cho những ngành nghề thiếu hụt do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất nhiều loại rau màu và cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm, nhất là vào dịp lễ, tết, đón chào năm mới 2022.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, tỉnh phấn đấu trong quý IV, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 14.230 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 2.890 tỷ đồng trở lên và Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giải ngân khoảng 11.000 tỷ đồng vốn các dự án để cuối năm đạt 20.000 tỷ đồng.
Kiên Giang chủ động ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tham gia thực hiện chuỗi dây chuyền sản xuất trong các khu và cụm công nghiệp, lưu thông, phân phối, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục để tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ của Trung ương; thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính như: giảm, giãn thuế, tín dụng, bảo hiểm, vay vốn… để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngành chức năng và địa phương phối hợp tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án…
Tại tỉnh Tiền Giang đang triển khai các phương án đảm bảo an toàn sản xuất đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất.
Theo đó, tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 186 đơn vị. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã công nhận phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho 78/186 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (chiếm 41,9%) với tổng số lao động thực hiện phương án là 57.163 người.
Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 454/897 doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu, cụm công nghiệp đang hoạt động (chiếm 50,6%). Trong đó, có 91 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”; 363 doanh nghiệp hoạt động đảm bảo các công tác phòng, chống dịch theo quy định…
Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó, bao gồm 03 doanh nghiệp chủ đầu tư hạ tầng: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh; Công ty IZICO và Công ty Cổ phần Phú Mỹ) đã tổ chức xét nghiệm Covid-19 theo định kỳ cho người lao động đạt 42% (2.926/6.965 lao động). Lũy kế đến thời điểm báo cáo, các doanh nghiệp đã tổ chức khoảng 18 đợt xét nghiệm Covid-19 (theo định kỳ 03 ngày, 05 ngày, 02 tuần) theo định kỳ cho người lao động.
Tại Hà Nội, sau khi thành phố thực hiện các biện pháp nới lỏng các biện pháp chống dịch, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tăng tốc sản xuất nhằm đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất.
Thống kê đến giữa tháng 10 cho thấy, ở 9 Khu công nghiệp tại Hà Nội, lượng doanh nghiệp hoạt động lại bình thường đã đạt trên 95%. Cùng với đó, 661 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo COVID-19 tại doanh nghiệp với 3.600 tổ Covid an toàn.
Chú trọng triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chủ động triển khai các giải pháp ổn định sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đồng thời rà soát, báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Y tế thường xuyên cập nhật và tổ chức các Chương trình tập huấn hướng dẫn 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), từ nay đến cuối năm, Cục sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người lao động.
Song song với đó, Cục Công nghiệp cũng tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp và truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Công nghiệp chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua.
Đặc biệt Cục cần lưu ý việc bảo đảm an toàn phòng dịch, dịch vụ sản xuất kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa; đề xuất các chính sách như tài chính, tín dụng, lao động… Từ đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời, xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của các Hiệp hội, doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới, hậu COVID-19.
Cục Công nghiệp cũng khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương (nhất là những địa phương có tiềm năng về công nghiệp) để xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của địa phương (tích hợp vào Quy hoạch vùng, tỉnh).
Cùng với đó, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn (thép, ôtô, dệt may, da giày, thực phẩm) phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; sớm đưa vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị cần hướng dẫn, khuyến khích xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ.
“Chúng ta phải tập trung thật cao xây dựng, vận hành hiệu quả các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trên địa bàn cả nước để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp tại các địa bàn trọng điểm là đầu mối kết nối với các trung tâm, các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, kết nối cung-cầu cũng như đóng vai trò là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong vùng…,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.