Bất thường tại Ngân hàng Việt Á: Dòng tiền âm, nợ xấu vượt xa lợi nhuận, cổ phiếu trên đà “lao dốc”
Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Á (UPCoM: VAB) đang ở mức cao, gấp 512,98% lợi nhuận, dòng tiền luôn rơi vào trạng thái âm, nợ phải trả cũng đang gấp 1.272% vốn chủ sở hữu và giá cổ phiếu VAB đang trên đà “lao dốc”… báo hiệu bức tranh tài chính của VIET A BANK không bền vững, tiềm ẩn rủi ro cao.
Cổ phiếu trên đà lao dốc
VIET A BANK có vốn điều lệ 4.449 tỷ đồng, Hội sở chính đặt tại Hà Nội do ông Phương Hữu Việt là chủ tịch. Ông Phương Hưu Việt còn được biết đến là chủ tịch của nhiều “group” khác như: Capella Group, Infinity Group và LEC Group.
VIET A BANK mới công bố, so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 162,8 tỷ đồng, tăng tương ứng 433%, đạt 200,5 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 5.101 tỷ đồng, tương ứng tăng 11%, đạt 50.727 tỷ đồng. Những con số này đã tạo ấn tượng không nhỏ với thị trường khi tháng 7/2021 vừa qua, cổ phiếu VAB chính thức niêm yết trên sàn UPCoM và càng có ý nghĩa khi tình hình dịch bệnh Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước.
Nếu chỉ nhìn qua những con số mà VIET A BANK công bố thì rất ấn tượng, rất ý nghĩa… Tuy nhiên bức tranh tài chính “thật” của VIET A BANK lại không được tốt đẹp như kỳ vọng, thiếu bền vững, tiềm ẩn rủi ro cao. Theo báo cáo tài chính mới nhất quý 2/2021 của VIET A BANK , đến ngày 30/6/2021, ngân hàng này ghi tổng nợ phải trả ở con số 76.985 tỷ đồng, hiện đã gấp hơn 1.272% vốn chủ sở hữu. Với tổng nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu liệu có đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một tổ chức tín dụng khi tình hình dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước.
So với đầu năm, mặc dù cho vay khách hàng tăng thêm 2,91 tỷ đồng, nhưng tổng tài sản của VIET A BANK lại giảm mất 3,49 tỷ đồng, về ở con số 83.036 tỷ đồng. Chứng khoán đầu tư cũng giảm thêm 3,57 tỷ đồng về ở con số 8.822 tỷ và thu nhập lãi cũng giảm thêm 104 tỷ đồng tương ứng giảm 7,49% về con số 1.388 tỷ đồng.
Như vậy bước sang quý 2, VIET A BANK đã hoạt động về tài sản và chứng khoán thiếu hiệu quả, nên thu nhập đã giảm mất 7,49%. Cổ phiếu VAB trên sàn UPCoM trong những ngày gần đây liên tục rớt giá về vùng đáy. Nếu ngày 22/7 đạt đỉnh 22.800 đồng/cổ phiếu, thì đến hôm nay đã rớt giá thê thảm về 17.200 đồng/cổ phiếu, khiến nhà đầu tư “đu đỉnh” thua lỗ gần 2.500 tỷ đồng.
Sự sụt giảm này cũng có thể là nguyên nhân của tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước và VIET A BANK cũng không ngoại lệ. Nhưng cũng có thể do công tác quản trị của VIET A BANK đang gặp vấn đề, thiếu tối ưu và niềm tin của đối tác vào VIET A BANK đang trên đà suy giảm?
Nợ xấu vượt xa lợi nhuận
Về cơ cấu nợ của VIET A BANK cơ bản nằm ở khoản mục “nợ ngắn hạn” (33.152 tỷ đồng) và “nợ trung hạn” (12.017 tỷ đồng).
Mặc dù thu nhập lãi thuần tăng 32 tỷ đồng tương ứng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng chi phí hoạt động cũng tăng thêm 17,78 tỷ đồng, tăng tương ứng 12,06%, đạt 165,15 tỷ đồng.
So với quý 1/2021, chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng của VIET A BANK cũng tăng thêm 77,81 tỷ đồng và chi phí cho dự phòng rủi ro cho các tài sản có khác cũng tăng hiện ở con số 56,62 tỷ đồng.
Việc trích lập thêm 56,62 tỷ đồng chi phí cho dự phòng rủi ro tài sản có khác, có thể VIET A BANK đã nhận định được trước khoản tiền trên 10.266 tỷ đồng ở khoản mục tài sản có khác này sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu trong tương lai gần.
Chỉ tính riêng 2 khoản này hiện VIET A BANK đã phải bỏ ra số tiền trên 134 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, dự báo nợ xấu tiếp tục diễn biến phức tạp và sẽ tiếp tục đè nặng kết quả lợi nhuận của VIET A BANK trong thời gian tới.
Số liệu trong báo cáo tài chính quý 2/2021 của VIET A BANK cho thấy, nợ xấu của nhà băng này vẫn ở mức cao, hiện đạt trên 1.028 tỷ đồng, chiếm 43,2% vốn điều lệ. Là nhà băng thuộc top ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhất ở Việt Nam, nhưng nợ xấu của ngân hàng này lại thuộc top cao của các nhà băng. Trong đó, nợ nghi ngờ chiếm tỷ lệ cao nhất đang ở mức 508,187 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn ở mức 497,495 tỷ đồng (tăng 41,33 tỷ đồng); nợ dưới mức tiêu chuẩn đang ở con số 22,40 tỷ đồng.
Với trên 1.028 tỷ đồng nợ xấu, đã gấp 512,98% lợi nhuận liệu chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có gánh nổi nợ xấu đang tăng cao? cho thấy bức tranh tài chính của VIET A BANK không mấy bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro?
Bên cạnh nợ xấu ở mức cao vượt rất xa lợi nhuận. Bức tranh tài chính quý 2/2021 của VIET A BANK còn cho thấy dòng tiền của ngân hàng này luôn rơi vào trạng thái âm. Khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 4.763 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm tới 13,92 tỷ đồng, dẫn tới lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 4.777 tỷ đồng.
Năm 2021, VIET A BANK đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 97.075 tỷ đồng, cấp tín dụng đạt 55.654 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 658 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 700 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng thêm 950 tỷ, đạt 5.400 tỷ đồng.
Nhưng với tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức cao, vượt xa lợi nhuận, giá cổ phiếu lại trên đà “lao dốc”, công tác quản trị không tối ưu và dòng tiền luôn rơi vào trạng thái âm như hiện nay, liệu VIET A BANK có hiện thực hóa được mục tiêu đề ra?
Theo Nguyễn Long Tầm Nhìn