Ao hồ phải là những điểm điều hoà làm đẹp Thủ Đô

Tác giả : Admin 05/11/2020
Hệ thống các hồ, ao, đầm của Hà Nội (gọi chung là hồ Hà Nội) ngoài chức năng điều hoà nước mưa, giảm thiểu ngập úng, còn là các điểm nhấn danh lam thắng cảnh, vui chơi, giải trí, lễ hội.

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC BẢO VỆ AO HỒ [2]

Trong những năm qua, tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố trong cả nước, do quá trình đô thị hoá, các ao hồ bị lấn chiếm và san lấp đã gây nên tình trạng ngập úng liên tục khi có mưa lớn. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của việc bảo vệ ao hồ.
Hồ, ao, đầm thuộc hệ sinh thái nước tĩnh (Lentil Ecosystem), tức là nước không chảy, khác với hệ sinh thái nước chảy như sông, suối (Lotic Ecosystem). Giữa hồ và ao không có sự phân biệt thực sự rõ ràng, tuy nhiên theo Brown, A.L (1987) ao là nơi mà ánh sáng có thể soi qua tầng nước xuống tận đáy và hồ là nơi mà ánh sáng không soi tới đáy được. Đầm là nơi nước ngập rất nông có các loại thực vật có thể sống được tạo thành hệ sinh thái đặc biệt. Các hồ và đầm lớn vừa thuộc hệ sinh thái nước tĩnh, vừa thuộc hệ sinh thái đất ngập nước thuộc hồ và đầm.
Ao, hồ luôn có vị trí quan trọng đối với đời sống đô thị. Không chỉ là vai trò điều hoà không khí, tạo cảnh quan đô thị. Ao, hồ còn là “điểm đến” ấn tượng đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Hà Nội với những ký ức lịch sử hào hùng, những hồ nước đẹp lung linh, những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, đền đài đã đi sâu vào lời ca câu hát. Hà Nội mang nặng sứ mệnh Thủ đô của cả nước đang tự vượt lên bước vào kỷ nguyên hiện đại và toàn cầu.
Trên trang sử ngàn năm, qua nhiều lần giữ nước và dựng nước, Hà Nội luôn mang theo mình những hồ, những ao, những đầm thấp thoáng đô thị, nối người với thiên nhiên, cùng vui và cùng buồn với Hà Nội, phản chiếu phần tinh hoa cốt lõi của người Hà Nội.
Hệ thống các hồ, ao, đầm của Hà Nội (gọi chung là hồ Hà Nội) ngoài chức năng điều hoà nước mưa, giảm thiểu ngập úng, còn là các điểm nhấn danh lam thắng cảnh, vui chơi, giải trí, lễ hội. Nhiều ao, hồ của Hà Nội gắn liền với các đình chùa, được coi là các địa điểm tâm linh của Hà Nội. Một môi trường ao, hồ có hệ sinh thái khoẻ, đảm bảo mỹ quan về hình thức phải đạt được hai tiêu chí:
– Nước hồ sạch, có các động thực vật đặc trưng, phản ánh hệ sinh thái nước tĩnh (lentil ecosystem).
– Vệ sinh môi trường phần bờ và hành lang bờ xung quanh sạch sẽ, có thiết kế cảnh quan phù hợp với từng địa điểm.
Theo Văn bản số 134/KH-UBND ngày 16/08/2013 của UBND Thành phố, trên địa bàn 10 quận nội thành Hà Nội có khoảng 111 hồ/ao với tổng diện tích khoảng 1.165ha, trong đó một số hồ đã được cải tạo (nạo vét, kè mái hồ, làm đường dạo, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cây xanh chiếu sáng) gồm: Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, Thủ Lệ, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bảy Mẫu, Thiền Quang… v.v đã phát huy hiệu quả đầu tư góp phần cải tạo cảnh quan môi trường và điều tiết việc thoát nước của Thành phố; hiện tại còn khoảng 65 hồ chưa được cải tạo (chiếm khoảng gần 2/3 trong tổng số 111 hồ/ ao ở Hà Nội).
Hồ Gươm nằm ở trung tâm lịch sử của Thủ đô, giữ một vị trí đặc biệt đối với Hà Nội; Hồ Tây có diện tích lớn nhất, khoảng 526 ha, đóng vai trò quan trọng trong khung cảnh đô thị. Trong khu vực nội đô có thể kể tới những hồ nổi tiếng khác như Trúc Bạch, Thiền Quang, Thủ Lệ… Ngoài ra còn nhiều đầm hồ lớn nằm trên địa phận Hà Nội như Kim Liên, Linh Đàm, Ngải Sơn – Đồng Mô – Tuy Lai – Quan Sơn…
Một ao hoặc hồ khoẻ mạnh thì nước thường có màu vàng, màu xanh rêu hoặc màu ghi trong. Nước của hồ ao mặc dù trong hệ sinh thái tĩnh vẫn chịu sự tương tác với dòng nước khác từ đáy, từ bờ, từ nước mưa… lưu chuyển quanh nó và sự cân bằng sinh thái của các thực, động vật sống trong đó. Hệ sinh thái hồ, ao có các động, thực vật đặc trưng riêng. Ví dụ: trong các hồ ao ở Việt Nam gồm các loài thực vật đặc trưng như súng, sen, bèo cái, bèo tai chuột, cỏ… (gọi là thực vật chỉ thị ven hồ theo Thái Văn Trừng, 1971). Còn các loại động vật chỉ thị thì gồm các loại cá, tôm, tép, ếch, nhái, cua, ốc… Đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội nổi tiếng với Rùa Hồ Gươm. Các đầm sen quanh Hồ Tây có loài sen trăm cánh có hương thơm khác biệt và có loài chim Sâm Cầm hàng năm trở về từ phương Bắc khi mùa sen tàn để ăn hạt sen già. Ngoài ra còn nhiều loại côn trùng khác là các thành phần không thể thiếu được của hệ sinh thái này. Các động thực vật này sống dựa vào nhau thích ứng trong môi trường nước tĩnh và tạo nên hệ sinh thái cân bằng. Hồ, ao, đầm được gọi là khoẻ khi hệ sinh thái được cân bằng. Trong điều kiện thiên nhiên bình thường, hệ sinh thái lentil có khả năng tự điều chỉnh để tạo sự cân bằng. Hiện nay nếu về các làng quê của các tỉnh đồng bằng song Hồng, chúng ta có thể vẫn thấy rất nhiều những ao, hồ, có hệ sinh thái hoàn hảo, trông rất đẹp mắt và thực sự là điểm nhấn thanh bình yên ả cho nông thôn [2].

II. HIỆN TRẠNG AO HỒ
Phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh như vũ bão trong những thập kỷ vừa qua đã tạo những áp lực to lớn lên ao, hồ theo ba kênh chính: rác thải, nước sinh hoạt và nạn lấn chiếm lấp hồ bất hợp pháp. Nước của nhiều hồ ao bị ô nhiễm trầm trọng, nhiều điểm bờ và hành lang bờ bị biến thành các nơi đổ rác hoặc phế liệu, bị lấn chiếm, nhiều ao hồ biến mất. Nhiều hồ đã trở thành các điểm ô nhiễm nhức nhối, đặc biệt vào mùa hè nóng bức. Các vấn đề môi trường hồ đã được đang tải nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc lớn trong xã hội.

Theo thống kê, tính từ năm 2010 đến nay Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Năm 2015 Hà Nội còn 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010, diện tích mặt nước bị giảm 72.540m2. Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất khu vực nội thành (hơn 30 hồ) nhưng chỉ trong 5 năm (2010 – 2015) đã mất đi 4 hồ, ao. Trong thời gian này, diện tích mặt hồ cũng mất gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do san lấp, lấn chiếm như hồ Linh Quang, ao Phủ, hoặc nằm trong vùng quy hoạch dự án như ao Hào Nam. Các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự. Quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) trong giai đoạn này diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Riêng hồ Tây, trước đây rộng 526ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ có 460ha …
Hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao, hồ… làm giảm đáng kể diện tích ao, hồ, nhiều hồ đang dần biến mất. Các hồ chưa kè đều đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm, việc kè hồ giúp chấm dứt hiện tượng lấn chiếm hồ. Tuy nhiên, nhiều hồ đã kè nhưng cũng rất ô nhiễm, nước đục, đen, cá chết gây mất mỹ quan. Việc kè hồ có thể giữ được diện tích hồ nhưng có thể làm mất đi nền tảng sinh thái và thảm động, thực vật tự nhiên ven bờ rất quan trọng đối với hồ.[2]

III. CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ HỒ
1. Sự cần thiết
Có thể khẳng định, các kết quả đạt được về công tác phát triển đô thị của Hà Nội trong nhiệm kỳ vừa qua rất đáng kể, đó là: Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông… được tăng cường. Tuy vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội (Nghị quyết Đại hội XVII) thẳng thắn nhìn nhận: Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải… chưa đạt kế hoạch.
Vì thế, Nghị quyết Đại hội XVII đã xác định phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô. Đáng chú ý, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục kế thừa giai đoạn 2015-2020, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, nếu như Nghị quyết Đại hội XVI xác định: “Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, gắn với quản lý tốt tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường”; thì Nghị quyết Đại hội XVII quyết nghị rõ nét hơn: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững”.
Như vậy, giai đoạn 2020-2025, công tác phát triển, hiện đại hóa đô thị được xác định theo hướng bền vững, thông minh, hướng tới nâng tầm chất lượng cuộc sống người dân. Để làm được điều này, Nghị quyết Đại hội XVII nêu rõ 5 chỉ tiêu về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường, như: Tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%;…

2. Nâng tầm chất lượng cuộc sống cần thêm nhiều “lá phổi xanh”[3]
Hai năm qua, hồ sinh thái Lâm Du, phường Bồ Đề (quận Long Biên) được khoác “chiếc áo mới” với quang cảnh xung quanh thực sự sạch đẹp. Đáng nói, vào những ngày kỷ niệm lớn, các tổ dân phố 12, 13, 14, 15, 16, 17 đã cùng nhau trang trí, treo đèn lồng xung quanh hồ và các ngõ, giúp khu vực này càng thêm đẹp. Ngoài công trình chiếu sáng, các tổ dân phố đã kêu gọi được người dân tham gia trồng hoa xung quanh hồ, cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh, bố trí thêm đài sen, đài phun nước, gắn đèn LED để trang trí.
Chỉnh trang, duy trì thường xuyên việc dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực hồ Ao Phủ là niềm vui của người dân phường Láng Thượng (quận Đống Đa). Hồ Ao Phủ rộng khoảng 4.000m2, được xây kè gạch và đổ bê tông kiên cố ở đường dạo cách đây 2 năm. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Láng Thượng Ngô Thị Kim Oanh, các hội viên Chi hội phụ nữ số 2 đã, đang là nòng cốt trong việc vệ sinh, chăm sóc các hàng cây khu vực quanh hồ. “Vừa thực hiện làm đẹp cảnh quan, chúng tôi vừa tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư”, bà Ngô Thị Kim Oanh chia sẻ.
Góp phần vào gìn giữ môi trường hồ Văn Quán (quận Hà Đông) phải kể đến Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 5 với phong trào tổng vệ sinh hằng tuần. Bà Đào Thị Hẩu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 5 phường Văn Quán cho biết, mỗi tuần, nhờ duy trì nếp vệ sinh thường xuyên, thu gom rác thải kịp thời nên đoạn phố Nguyễn Khuyến đến hồ Văn Quán dài 3km luôn sạch sẽ, góp phần giúp hồ nước luôn trong xanh.
Còn Trưởng thôn La Thạch (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) Nguyễn Xuân Toản chia sẻ, sau khi chính quyền xã đầu tư kè hồ Cổng Đồn của thôn từ năm 2019, 40 gia đình trên địa bàn đã ủng hộ cây xanh và ghế đá tạo dựng không gian vui chơi hoàn chỉnh, sạch đẹp. “Điều đáng mừng là ai cũng có ý thức giữ gìn “lá phổi xanh” của thôn ngày càng sạch đẹp hơn”, ông Nguyễn Xuân Toản nói.

3. Nhân rộng những mô hình tốt [3]
Hồ điều hòa – những “lá phổi xanh” của thành phố được hồi sinh là nhờ sự chỉ đạo, thực hiện kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.
Trao đổi về việc này, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (quận Long Biên) Nguyễn Văn Luyện cho biết, bên cạnh nỗ lực của người dân trong việc tổng vệ sinh môi trường, lực lượng chức năng của phường cũng ra quân chỉnh trang các hoa viên, giải phóng các tuyến đường, hành lang bị lấn chiếm nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị quanh khu vực hồ và giúp người dân lưu thông thuận tiện, an toàn. Việc này nhằm từng bước nâng cao ý thức, thói quen trong cộng đồng đối với việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Còn theo Chủ tịch UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Phạm Thị Hồng Hải, khu vực hồ Ao Phủ luôn sạch đẹp là nhờ vai trò nòng cốt của lực lượng phụ nữ, thanh niên, từ đó khơi gợi được ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân.
Trong khi đó, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình thông tin, theo chỉ đạo của UBND quận, sẽ tiếp tục phối hợp với các phường chỉnh trang lại môi trường xung quanh khu vực các hồ. Tại các phường thành lập hàng loạt tổ giám sát môi trường quanh hồ, với lực lượng nòng cốt là cán bộ tổ dân phố, phụ nữ, thanh niên…
Sau khi được hồi sinh, nhiều hồ điều hòa trên địa bàn Thủ đô đã trở thành địa điểm lý tưởng để người dân vui chơi, tập thể dục. Giữ gìn, phát huy những thành quả đạt được, chính quyền các địa phương và người dân đã, đang thực hiện nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa để những “lá phổi xanh” tiếp tục góp phần làm đẹp Thủ đô.[3]

4. Giải pháp để duy trì sạch đẹp các hồ, cần thiết phải thực thi một số giải pháp sau:[2]
1. Không xả rác thải sinh hoạt xuống hồ và quanh hồ: Cộng đồng tại mỗi hồ, có thể do Hội Phụ nữ hoặc Hội Cựu chiến binh hoặc Đoàn Thanh niên, hoặc nhóm các cán bộ về hưu khởi xướng, cùng thảo luận với các hộ gia đình, các cơ quan, các hộ kinh doanh hàng quán cạnh hồ để thảo luận cùng nhau đồng thuận các biện pháp ngăn việc xả rác thải xuống hộ. Các hộ có tiềm năng xả rác nhiều nhất phải có cam kết với cộng đồng. Một khi đã đạt được sự đồng thuận cần có biện pháp giám sát và kiểm tra việc thực hiện.
2. Tại các hồ có chợ cóc hoặc chợ lớn cộng đồng cần làm việc với ban quản lý chợ hoặc các chủ kinh doanh ở chợ thông báo về việc cấm xả rác xuống hồ cũng như bảo vệ vệ sinh trên hành lang bờ. Ban quản lý chợ và các chủ doanh nghiệp phải có cam kết và cũng phải có cơ chế tự giám sát và kiểm tra chéo.
3. Việc ngăn ngừa xả nước thải xuống hồ có thể khó hơn vì đòi hỏi thêm các biện pháp công trình như cống thu gom nước thải. Trong thực tế, các cống thu gom nước thải trong hệ thống thoát nước thành phố đều đã được xây dựng, vì vậy việc cần làm là điều chỉnh các cống thải ra hồ về lại các cống thu gom nước thải đã có. Công việc này cần có sự trợ giúp của Phường, Quận và Công ty Thoát nước Hà Nội. Cấm xả nước thải chưa qua xử lý vào ao hồ.
4. Đưa công tác bảo vệ hồ, ngăn ngừa rác thải và nước thải vào hồ và vệ sinh hành lang bờ hồ thành chương trình quản lý của Phường, chủ động và có kế hoạch hoạt động thường xuyên. Tham gia các cuộc họp của cộng đồng và thực thi các biện pháp cần thiết bảo đảm cho việc ngăn ngừa rác thải nước thải hiệu quả.
5. Chủ động khuyến khích và hỗ trợ các sáng kiến bảo vệ hồ các tổ nhóm nhân dân tham gia và bảo vệ hồ. Làm việc chặt chẽ với các hộ dân sự và các cơ quan quanh hồ để huy động sự hỗ trợ và tham gia cao nhất của tất cả các thành viên trong cộng đồng.
6. Cần xem xét và rà soát lại các quy định hiện nay, giao nhiệm vụ bảo vệ hồ cụ thể hơn cho các phường có hồ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng tham gia bảo vệ hồ với cách tiếp cận hệ sinh thái.
7. Các cơ quan trực tiếp phụ trách các công trình liên quan đến hồ như Sở Xây dựng, công ty Thoát nước nên cân nhắc đưa cách tiếp cận sinh thái bảo vệ hồ vào các công trình đanglàm hiện nay và tương lai, đảm bảo các phương án cải tạo, xử lý nước, bảo vệ thuỷ vực đều cân nhắc các biện pháp khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái cũng như sự tham gia của các cộng đồng vào công việc giám sát bảo vệ hồ tương lai.
8. Nên có một Ban quản lý hồ địa phương riêng biệt cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm theo dõi giám sát các công tác khôi phục và bảo tồn hồ theo cách tiếp cận hệ sinh thái, đảm bảo sự hợp tác nhiều mặt của các bên liên quan quản lý hồ đạt hiệu quả tích hợp có lợi nhất cho hệ sinh thái hồ. Ban quản lý hồ chịu trách nhiệm giám sát hệ sinh thái của các hồ. Dư luận rất hoan nghênh việc UBND thành phố Hà Nội đã nghiêm túc xử lý vụ ô nhiễm ở Hồ Tây, kiên quyết dẹp các kinh doanh ăn uống ở trên hồ.
9. Ban quản lý hồ cần làm việc với các nhà khoa học và chuyên gia về hồ và hệ sinh thái hồ, xây dựng các hướng dẫn bảo vệ hồ cho các cộng đồng cách thức bảo vệ hồ theo cách tiếp cận hệ sinh thái, và cung cấp các thông tin cơ bản về hệ sinh thái hồ. Các hồ ô nhiễm cần vớt hết rác, bèo và nên xử lý bằng redoxy-3C của Liên bang Đức.
10. Lãnh đạo của các dự án hồ là tổ chức dân sự, phòng, ban, các cộng đồng ở tại địa phương đó. Lãnh đạo ở đó có thể huy động sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các trường hoặc cơ quan nghiên cứu tham gia.
11. Công tác bảo vệ hồ nên bắt đầu từ một số hồ nơi có các đơn vị dân sự thực sự nhiệt tâm và có khả năng thực hiện hiện, có được sự hỗ trợ của chính quyền và mọi người dân địa phương. Chương trình tập trung hỗ trợ về kiến thức, xây dựng năng lực thực hiện kế hoạch và giúp cộng đồng thực hiện giám sát từng bước. Trên cơ sở thành công một số hồ, có thể rút kinh nghiệm áp dụng sang các hồ khác.
12. Nên có chương trình truyền thông về kiến thứcvà các biện pháp bảo vệ hồ đưa lên các chương trình truyền thông đại chúng hoặc chương trình giáo dục môi trường.
13. Về mặt tài chính, nên huy động tài chính từ các Quỹ bảo vệ môi trường, các nhà tài trợ doanh nghiệp, các nhà tài trợ tư nhân. Tuy nhiên nên coi trọng công tác tự nguyên và huy động nguồn lực của các cộng đồng tại chỗ. Tránh các bẫy về cơ chế tài chính nặng nề, làm sao những nơi cần có thể trực tiếp làm việc với các nơi tài trợ và nên có giám sát kết quả cụ thể.
14. Các doanh nghiệp hỗ trợ hoặc đỡ đầu các dự án hồ về tài chính nên được cắt giảm thuế, bảo vệ hồ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dạ Khánh, “Phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững”, Báo Hà Nội mới ngày 20/10/2020.
2. PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, “Cần phải gìn giữ bảo vệ ao hồ”, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam 2019.
3. Ngân Dung, “Giữ gìn hồ điều hòa làm đẹp thành phố”, Báo Hà Nội mới ngày 20/10/2020

Theo Môi trường và Đô thị VN

Tin liên quan