Ai sẽ “giải cứu” 10.030 tỷ đồng nợ trái phiếu Tân Hoàng Minh?
Vụ việc hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh với tổng trị giá huy động hơn 10.030 tỷ đồng gây xôn xao thị trường tài chính. Các ngân hàng, công ty chứng khoán lớn như ABS, KIS, BVSC, Agriseco, SHB, Vietinbank… có liên quan các đợt phát hành này liệu có “giải cứu” Tân Hoàng Minh không?
Huy động vốn trái phiếu để làm gì?
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil. Nguyên nhân là do vi phạm “công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 7/2021 đến tháng 11/2021, 3 công ty con kể trên đã phát hành tổng cộng 8 lô trái phiếu với tổng giá trị 8.130 tỉ đồng. Vì thông tin tháng 3-2022 chưa công bố đủ, nên có thể lô trái phiếu cuối cùng có giá trị phát hành là 1.900 tỉ đồng. Mục đích huy động vốn được công bố là dùng thực hiện các dự bán bất động sản ở Hà Nội và Phú Quốc, riêng 1 lô trái phiếu không nêu cụ thể mục đích huy động vốn.
Đáng chú ý, Công ty Ngôi Sao Việt (đơn vị bỏ cọc trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm) phát hành hai lô trái phiếu với tổng giá trị 2.700 tỉ đồng. Lô trái phiếu đầu tiên là 800 tỉ đồng, được huy động để đầu tư xây dựng công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội). Lãi suất lên đến 12%/năm, Chứng khoán Bảo Việt và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) thu xếp phát hành. Lô thứ hai 1.900 tỉ đồng được huy động để góp vốn hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình 2 tòa chức năng văn phòng, chức năng hỗn hợp tại đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), được VietinBank và Công ty chứng khoán Agribank thu xếp phát hành.
Công ty Cung Điện Mùa Đông cũng phát hành 3 lô trái phiếu vào tháng 11 và 12/2021. Trong đó, có 2 lô phát hành với tổng giá trị 450 tỉ đồng, nhằm hợp tác đầu tư tại khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc, Kiên Giang). Còn lô trái phiếu 3.230 tỉ đồng với lãi suất 12%/năm lại không được Cung Điện Mùa Đông công bố mục đích sử dụng vốn, được phát hành ngày 16/12/2021, tức chỉ vài ngày sau khi Công ty Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá lô đất vàng Thủ Thiêm.
Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil phát hành 3 lô trái phiếu (vào 6/7, 20/8 và 1/11/2021) với tổng giá trị 1.750 tỉ đồng, để góp vốn hợp tác kinh doanh dự án khu du lịch phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc.
Như vậy 5/8 lô trái phiếu đã được công bố thông tin và có tổng giá trị phát hành 2.200 tỉ đồng với chung lý do đầu tư vào dự án khu phức hợp Hoàng Hải tại Phú Quốc.
Tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu gồm: cổ phần, quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư là phần xây dựng hình thành trong tương lai, quyền tài sản của công ty phát hành trái phiếu được phát sinh từ hợp đồng hợp tác với đối tác…
Sau khi UBCKNN quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu này, Tân Hoàng Minh cho biết, các đợt phát hành trái phiếu của nhóm 3 công ty nêu trên thời gian qua đều được tư vấn phát hành, tư vấn định giá và quản lý tài sản đảm bảo theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, được thực hiện bởi các Công ty chứng khoán, ngân hàng uy tín trên thị trường. Tập đoàn hiện đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn luật và các bên liên quan để rà soát lại toàn bộ hồ sơ phát hành trái phiếu của 9 đợt phát hành như công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn sẽ làm việc với Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng theo đúng quy định pháp luật.
Các ngân hàng, công ty chứng khoán có vô can?
Sau khi quyết định hủy bỏ 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh, UBCKNN yêu cầu các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu trên. Đồng thời nhóm công ty Tân Hoàng Minh có trách nhiệm chấp hành quyết định kể từ ngày 3/4/2022.
Các đợt phát hành trái phiếu quy mô hơn 10.030 tỉ đồng của Tân Hoàng Minh, được thực hiện trong thời gian ngắn khoảng 8 tháng và đều được các ngân hàng, công ty chứng khoán lớn tham gia tư vấn, thu xếp, đại lý phát hành.
Cụ thể, lô trái phiếu 800 tỉ đồng của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt phát hành vào tháng 7/2021 do Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành, đại lý đăng ký lưu ký.
Ngân hàng SHB là đại lý quản lý tài sản đảm bảo. Lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng phát hành vào tháng 9/2021 do Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) là đơn vị tư vấn hồ sơ chào bán kiêm đại lý phát hành. VietinBank làm quản lý tài sản đảm bảo và tài khoản.
Công ty cổ phần chứng khoán An Bình đã làm tổ chức tư vấn cũng như đại lý đăng ký lưu ký trái phiếu 800 tỉ đồng của Công ty CP Đầu tư & dịch vụ khách sạn Soleil, ngân hàng SHB tiếp tục là đại lý quản lý tài khoản và tài sản đảm bảo. Còn Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) tư vấn hồ sơ chào bán, còn VietinBank cũng quản lý tài sản đảm bảo và tài khoản.
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam tư vấn hồ sơ, đại lý, lưu ký trái phiếu 450 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Cung điện mùa đông, Vietinbank là đơn vị quản lý tài khoản. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm.
Đặc biệt, đợt phát hành trái phiếu 3.230 tỉ đồng vào tháng 2/2022 có kỳ hạn 4 năm nhưng không công bố lãi suất cụ thể cũng như tên công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ, làm đại lý hay ngân hàng quản lý tài sản bảo đảm.
Điểm chung của các đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh là đưa ra mức lãi suất rất cao, lên tới 11,5-12%/năm, trong khi mặt bằng lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản dao động từ 4,5-13%/năm. Dù vậy, các lô trái phiếu này đã được phát hành nhanh chóng nhớ sự “hậu thuẫn” từ các tổ chức lớn và uy tín là ngân hàng, công ty chứng khoán.
Thế nhưng, trước việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu 10.030 tỉ đồng của nhóm Tân Hoàng Minh do vi phạm “công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ” thì vai trò, trách nhiệm của các ngân hàng, công ty chứng khoán liên quan như thế nào rất cần được làm rõ? Bởi ai sẽ thanh toán nợ trái phiếu cho các khách hàng nếu nhóm Tân Hoàng Minh không thu xếp được nguồn tiền, hay các công ty phát hành rơi vào tình trạng đầu tư thua lỗ, mất thanh khoản, không có tiền hoàn trả.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu