Ai hưởng lợi khi hơn 18,7 ha ‘đất vàng’ ở Gia Lâm được đấu giá ‘siêu rẻ’?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) mà bà Chu Thị Thành giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT đã trúng đấu giá lô đất TQ5 (1) với giá 779,6 tỉ đồng. Bà Chu Thị Thành được biết đến là mẹ đẻ của “đại gia kim cương” Chu Đăng Khoa.
“Đất vàng” giá “bèo”
Việc đấu giá quyền sử dụng đất là chủ trương được TP.Hà Nội triển khai nhằm quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Đấu giá đất còn giúp tăng nguồn thu cho ngân sách các cấp, tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều vụ việc đấu giá đất bị phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn “nhóm lợi ích”. Nhiều lô đất có nằm ở vị trí đắc địa lại được đấu giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của nó.
Khu TQ5 tại thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) với tổng diện tích hơn 18,7 ha nằm tại vị trí vô cùng đắc địa. Tuy nhiên, nhiều người nhạc nhiên thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, khu “đất vàng” này lại có giá “siêu rẻ”.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, khu đất TQ5 có tổng diện tích 187.405,9 m2, được UBND huyện Gia Lâm sử dụng 202,1 tỉ đồng tiền ngân sách Nhà nước để giải phóng mặt bằng. Cần phải nói thêm, thị trấn Trâu Quỳ đang phát triển mạnh hàng đầu của huyện Gia Lâm, giao cắt, tiếp giáp với nhiều tuyến đường lớn và xung quanh là các khu đô thị trọng điểm như đường Lý Thánh Tông rộng 40 m, đường cắt KĐT Vinhomes Ocean Park, dự án công viên hồ điều hòa rộng 29 ha, KĐT mới Trâu Quỳ…
Ngày 20/9/2019, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 5273/QĐ-UBND về việc giao khu đất TQ5 cho UBND huyện Gia Lâm thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại vị trí TQ5, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.
Theo đó, Khu đất TQ5 được chia làm thành 2 khu là TQ5 (1) và TQ5 (2). Lô TQ5 (1) có diện tích 83.388 m2, gồm đất để xây dựng nhà ở thấp tầng (31.529,6 m2), đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ (2.513m2), đất xây dựng bãi đỗ xe (9.079,4 m2), đất xây dựng nhà trẻ (8.692 m2) đất cây xanh thể dục thể thao (1.728,7 m2) và đất giao thông nội bộ khu vực (30.232,1 m2). Lô đất TQ5 (2) có diện tích 95,860,9 m2, gồm đất ở (41.742 m2), đất xây dựng bãi đỗ xe (7.801,5 m2), đất cây xanh thể dục thể thao (4.763 m2) và đất giao thông nội bộ (41.553,7 m2).
Ngày 14/12/2019, UBND huyện Gia Lâm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cả hai lô đất TQ5 (1) và TQ5 (2). Giá khởi điểm đấu giá đất xây dựng nhà ở thấp tầng khu đất TQ5 có giá 20.231.000 đồng/m2; đất tiện ích công cộng dịch vụ với thời hạn thuê 50 năm là 6.860.000 đồng/m2; đất dự án bãi đỗ xe với thời hạn thuê đất 50 năm là 4.653.000 đồng/m2.
Giá khởi điểm cho cả lô đất TQ5 (1) là gần 699 tỉ đồng; giá khởi điểm cho cả lô đất TQ5 (2) là gần 881 tỉ đồng. Giá này được nêu rõ trong Quyết định phê duyệt giá khởi điểm số 6689/QĐUBND ngày 19/11/2020, do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký và quyết định phê duyệt phương án đấu giá do Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm là ông Lê Anh Quân ký.
Điều khiến nhiều người bất ngờ là TQ5 nằm ở vị trí được xem là “đất vàng” nhưng mức giá khởi điểm để đấu giá chưa tương xứng với vị trí đắc địa của khu đất TQ5. Bởi chỉ sau có 17 ngày thời điểm đấu giá, vào ngày 31/12/2019, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND, về quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn TP.Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024.
Theo bảng giá đất mới, giá đất ở cao nhất tại thị trấn Trâu Quỳ là đường Nguyễn Đức Thuận (22,08 triệu đồng/m2), kế tiếp là đường Ngô Xuân Quảng (20,7 triệu đồng/m2)…; giá đất thương mại, dịch vụ cao nhất là đường Nguyễn Đức Thuận (13,9 triệu đồng/m2), kế tiếp là đường Ngô Xuân Quảng (13,1 triệu đồng/m2)…
Khi đó, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và đặt nghi vấn về việc vì sao giá khởi điểm của lô đất TQ5 lại được đưa ra thấp đến vậy? Liệu trong câu chuyện này ai sẽ được lợi?
Việc người dân đặt ra nghi vấn như vậy cũng không phải không có cơ sở. Bởi với mức giá khởi điểm được UBND huyện Gia Lâm đưa ra, nếu chia bình quân cho diện tích đất toàn khu, bao gồm cả đất cây xanh thể dục thể thao, đất xây dựng nhà trẻ, đất giao thông nội bộ khu vực, giá đất khởi điểm cho cả khu đất chỉ khoảng 8,4 triệu đồng/m2.
Doanh nghiệp nào “ôm” được “đất vàng giá rẻ”?
Theo tìm hiểu, đối với lô đất TQ5, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (TMD Group) đã bỏ giá cao nhất, vượt qua hai đối thủ là Công ty Cổ phần Hóa chất Nhựa và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Rubyland trúng đấu giá quyền sử dụng đất với hơn 779,6 tỉ đồng, tăng 81 tỉ đồng so với giá khởi điểm.
Còn Lô đất TQ5 (2), Công ty T&M bỏ giá cao nhất, vượt qua hai đối thủ là Công ty TNHH Ngôi sao Việt và Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngọc Viễn Đông, trúng đấu giá với giá bỏ là hơn 1.006 tỉ đồng, tăng so với giá khởi điểm 126 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức hiện (TMD Group) vừa trúng đấu giá lô đất TQ5 (1) được biết đến là tập đoàn đa ngành, có tới 20 năm hình thành và phát triển, hoạt động chủ yếu tại các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo đó, Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 9/2001 do bà Chu Thị Thành làm người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài, với hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật Thiên Minh Đức được biết đến là mẹ của “đại gia kim cương” Chu Đăng Khoa. Ông Chu Đăng Khoa sinh năm 1982, quê gốc ở Nghệ An. Người đàn ông này từng có thời gian kinh doanh sừng tê giác, ngà voi và kim cương ở Nam Phi. Vì vậy, bạn bè người thân thường gọi anh với cái tên “Khoa Nam Phi”.
Ngoài Thiên Minh Đức, bà Chu Thị Thành hiện đang đứng tên hàng loạt công ty như: CTCP Trung Long, lĩnh vực hoạt động chính là công viên vui chơi và công viên theo chủ đề. Theo tìm hiểu, Trung Long là chủ đầu tư dự án Công viên Trung tâm TP. Vinh; Công ty TNHH Thương mại Du lịch DKC, ngành nghề kinh doanh chính là kho bãi và lưu giữ hàng hóa; CTCP Điện mặt trời miền trung MK mới thành lập ngày 25/9/2019, là công ty liên doanh giữa CTCP Hóa chất Nhựa (Plaschem) và Thiên Minh Đức; CTCP Nam Long Vinh, CTCP Khoa học Kỹ thuật điện tử, thiết bị viễn thông Trung Thiên, CTCP Dầu khí EPIC và Công ty TNHH Thương mại Hiếu Thành Lộc.
Vào tháng 10/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (địa chỉ số 2A, đường Lê Mao, TP Vinh, người đại diện pháp luật là bà Chu Thị Thành, Chức danh Chủ tịch HĐQT) số tiền hơn 229,667 triệu đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này đã bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cụ thể, Tập đoàn Thiên Minh Đức đã bán 3.224 lít xăng E5 Ron 92-II có chất lượng không phù hợp, hàm lượng Etanol =0,67% thể tích.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, thời gian gần đây, nhiều địa phương đã thực hiện việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để đem ra đấu giá, góp phần đem lại hiệu quả hơn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, những lùm xùm từ việc đấu giá đất cũng không phải ít.
Luật sư Huy An dẫn chứng, việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua luôn là vấn đề nóng, nổi cộm, gây nhiều tranh cãi, bức xúc trong dư luận. Bởi, tại một số cuộc đấu giá, bề ngoài là công khai, minh bạch nhưng thực ra sau đó là “xin-cho”, “đánh võng”, đi đường vòng để có thể trúng đấu giá. Điều này biểu hiện cho “lợi ích nhóm”, tham nhũng.
“Có nhiều vụ việc các nhóm lợi ích móc ngoặc với nhau, móc ngoặc với cán bộ tổ chức đấu giá, thậm chí có hành vi thao túng các buổi đấu giá đất để trục lợi. Nhiều vụ việc sai phạm, thao túng, lợi ích nhóm từ việc đấu giá đất đã bị cơ quan chức năng phát giác và khởi tố như ở tỉnh Thái Bình, TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên)… Tuy nhiên, vì cái lợi quá lớn từ đấu giá nên nhiều kẻ vẫn bất chấp để làm sai”, Luật sư Huy An nhấn mạnh.
Theo Kinh tế môi trường