Shark Nguyễn Ngọc Thủy Soya Garden

Soya Garden và cuộc phiêu lưu của Shark Nguyễn Ngọc Thủy

Tác giả : Admin 29/05/2020

Kêu gọi được 100 tỷ đồng từ Shark Thủy rồi ồ ạt mở cửa hàng trong năm 2018 và 2019, thế nhưng Soya Garden vẫn không đủ sức chống chọi khi đại dịch COVID-19 quét qua.

Đang trên đường chinh phục tham vọng trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực F&B Việt Nam, startup chuyên về các sản phẩm đậu nành hữu cơ Soya Garden bỗng nhiên “thụt lùi” khi ồ ạt đóng cửa một nửa số cửa hàng.

Cú chơi lớn của Shark Thủy

Soya Garden là thương hiệu đậu nành hữu cơ được ông Hoàng Anh Tuấn thành lập năm 2016 và gọi vốn thành công 15 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2017, với số vốn đầu tư thực tế lên đến 20 tỷ đồng.

Soya Garden đã nhận hơn 100 tỷ đồng đầu tư từ Shark Thủy

Tham dự chương trình, ông Hoàng Anh Tuấn và chị gái mong muốn gọi 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần của Soya Garden, startup chuyên kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Kết quả thật bất ngờ: Dù bị 4 “cá mập” chính trong chương trình từ chối, Soya Garden vẫn nhận được đề nghị rót vốn lên tới 15 tỷ đồng từ “cá mập khách mời” Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Egroup.

Khi đó, Soya Garden được đánh giá có yếu tố thị trường tốt, yếu tố sản phẩm tiềm năng, hướng đi mới với sự kết hợp cả không gian trải nghiệm sản phẩm – đó chính là lằn ranh nhỏ tạo nên sự khác biệt.

Đến đầu năm 2019, Tập đoàn EGroup của Shark Thủy tiếp tục rót 45 tỷ đồng vào thương hiệu này. Tháng 4/2019, sau lần thứ 3 đầu tư, tập đoàn nâng tổng số vốn tại Soya lên hơn 100 tỷ đồng tương đương gần 5 triệu USD.

Nhờ số vốn lớn, Soya Garden liên tục mở mới cửa hàng, với tham vọng 300 cửa hàng trong năm 2020, đồng thời có mặt tại các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…

Về mục tiêu dài hạn, trong 3 năm tới, thương hiệu này muốn hoàn tất sứ mệnh đưa các sản phẩm từ đậu nành lên ngang tầm với cà phê và trà, để việc “đi Soya” sẽ trở nên quen thuộc như “đi cafe” hay “đi trà sữa”.

Ở khía cạnh khác, giữa năm 2018, Soya Garden đã ký kết hợp tác chiến lược với thương hiệu sữa đậu nành hữu cơ từ Singapore là Mr Bean. Egroup chính là doanh nghiệp nhận quyền kinh doanh Mr Bean tại Việt Nam.

Trong năm 2019, Egroup đã mở 20 cửa hàng tại TP. HCM và Hà Nội sau đó giảm xuống còn 11 cửa hàng vào cuối năm 2019. Egroup từng đặt mục tiêu sẽ mở 200 cửa hàng Mr Bean vào năm 2020.

Đòn đau COVID

Trước khi lên Shark Tank , ông Tuấn xác định vừa mở, vừa nhượng quyền để phát triển hệ thống. Nhưng trong quá trình thẩm định, Shark Thủy đưa ra tầm nhìn lớn hơn ở một cuộc chơi lớn hơn: Tất cả cửa hàng phát triển theo hệ thống chuỗi chứ không nhượng quyền nữa. Nguồn vốn đầu tư do đó cũng vượt xa mức cam kết trên truyền hình.

sau khi nhận hơn 100 tỷ đồng đầu tư, trong số khoảng 50 cửa hàng Soya Garden hoạt động đến đầu năm 2020, hiện chỉ còn 23 chi nhánh mở cửa.

Ông Hoàng Anh Tuấn – CEO Soya Garden chia sẻ: “Khi nhận được đầu tư và được Shark giao một KPI là trong một năm đầu tiên phải mở được 100 cửa hàng, đồng thời, phải đưa được thương hiệu của mình ra thị trường nước ngoài khiến chúng tôi rất áp lực. Khi nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư cũng là một sự thách thức lớn với Soya”.

Nhận được đầu tư và sự kỳ vọng là một trong những thách thức lớn khiến startup trở nên áp lực hơn trên đường đua khốc liệt của giới khởi nghiệp.

“Theo quan điểm của tôi, việc tiêu tiền của nhà đầu tư khó gấp 10 đến 20 lần việc tiêu tiền của chính mình”, CEO Soya Garden cảm thán.

Trái với mong đợi, sau khi nhận hơn 100 tỷ đồng đầu tư, trong số khoảng 50 cửa hàng Soya Garden hoạt động đến đầu năm 2020, hiện chỉ còn 23 chi nhánh mở cửa.

Cụ thể, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ này hiện chỉ còn 18 cửa hàng hoạt động ở phía Bắc và 5 điểm bán ở phía Nam. Việc đóng cửa được thực hiện từ khoảng cuối năm 2019, đến giai đoạn dịch Covid-19 thì diễn ra đồng loạt.

Vào cuối tháng 1/2020, tức là trước Tết Nguyên Đán, trên Fanpage Soya Garden, họ cho biết có tất cả 45 cửa hàng: 29 tại Hà Nội, 13 tại TP. HCM và 2 tại Hải Phòng, 1 ở Nha Trang. Còn nhớ, Soya Garden đã khai trương cửa hàng thứ 50 tại Ngã 6 Phù Đổng vào tháng 9/2019. Tức trong vài tháng cuối năm 2019, Soya Garden đã đóng cửa 5 cửa hàng.

Điều này được Shark Nguyễn Ngọc Thủy giải thích là doanh nghiệp này đang trong quá trình tối ưu hóa mô hình.

“Ngày trước chúng tôi tập trung vào không gian trải nghiệm tại chỗ, nhưng sau một thời gian hoạt động thì đánh giá những mô hình ít chỗ ngồi, ví dụ như kiosk, và đẩy mạnh giao hàng tận nơi sẽ mang lại hiệu quả hơn”, Shark Thủy chia sẻ.

Theo vị này, dịch Covid-19 có phần ảnh hưởng đến quyết định đóng cửa chi nhánh của Soya Garden. Chuỗi giữ lại những mặt bằng rộng và kinh doanh hiệu quả, còn những vị trí rộng với giá thuê cao nhưng không hoạt động tốt sẽ dừng. Đồng thời, sự lựa chọn cũng phụ thuộc vào khả năng hỗ trợ của chủ mặt bằng.

Tham vọng xây dựng hệ sinh thái Egroup bằng việc phát triển mảng giáo dục và chăm sóc sức khỏe- làm đẹp, đánh giá Soya Garden chính là mảnh ghép phù hợp với định hướng ấy nhưng dường như những toan tính của Shark Thủy đã bị dập tắt vì đại dịch COVID-19.

Không chỉ đóng cửa một loạt cửa hàng Soya Garden, dường như Egroup đã đóng cửa cả chuỗi Mr Bean – đơn vị có ký kết hợp tác chiến lược với Soya Garden. Trên cả Fanpage lẫn website của Mr Bean không có bất cứ thông tin gì mới trong năm 2020. Trao đổi với Zing, chị Hoa Trần – chủ mặt bằng Mr Bean trên đường Tôn Thất Tùng (quận 1, TP.HCM) cho biết Egroup vẫn chưa thanh toán tiền mặt bằng quý I/2020 dù chị đã gửi 5 công văn đề nghị thanh toán.

Có lẽ những tín hiệu trên đây có vẻ đúng với nhận định của Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech: rủi ro ngành F&B rất cao, mở 10 nhà hàng thì 8 nhà hàng vắng khách. Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư không được cao lắm. Khi đầu tư cho các nhà hàng truyền thống, mức độ tăng trưởng doanh thu thường đi kèm với chi phí, cộng với công sức quản lý, con người.

Câu chuyện kêu gọi vốn đầu tư nếu có một dự án kinh doanh tuyệt vời thì cũng là rất bình thường. Starbucks khi khởi nghiệp cũng đã phải kêu gọi đầu tư trước khi thành công rực rỡ như ngày hôm nay. Nhưng, ở Việt Nam kêu gọi đầu tư vào kinh doanh F&B lại là những câu chuyện buồn và cái kết thảm họa.

Một trường hợp điển hình vẫn được nhắc đi nhắc lại trong giới khởi nghiệp đó chính là câu chuyện của Đào Chi Anh.

Năm 2015, thông tin The Kafe kêu gọi được 5,5 triệu USD đã gây xôn xao dư luận. Thế nhưng, sau 2 năm hoạt động chóng vánh, Chi Anh rời The Kafe, sau đó The KAfe cũng phải đóng cửa.

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược, marketing và thương hiệu Đoàn Đình Hoàng ngành ẩm thực của Việt Nam rất đa dạng, ngay cả khi các chuỗi chưa xuất hiện đã có nhiều nhà hàng nhỏ, lẻ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Vì vậy, khi mở chuỗi, các công ty cần chỉ ra cho khách hàng mình có điều gì đặc biệt hơn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Đoàn Đình Hoàng, việc kinh doanh theo chuỗi các món ăn nổi tiếng của Việt Nam là một bài toán không đơn giản vì khó tạo được sự khác biệt.

“Người dùng chấp nhận những sản phẩm du nhập như KFC, Lotteria… Tuy nhiên nếu muốn ăn cơm tấm, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn là đến một chuỗi F&B nào đó”, ông nói.

Có lẽ, lúc này, hơn ai hết, Shark Thủy phải hiểu được câu chuyện kinh doanh chuỗi không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà đường trải hoa hồng chỉ dành cho những thương hiệu có tầm nhìn, có tư duy dài hạn và có cam kết phát triển lâu dài.

 

Link gốc: Enternews

Tin liên quan