Hà Nội: Cần quan tâm, có chính sách với cán bộ thuộc diện sắp xếp
Về vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đại biểu Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội nêu ý kiến, với những nội dung thuộc thẩm quyền, Hà Nội cần quan tâm, chăm lo đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động thuộc diện sắp xếp bằng cơ chế, chính sách cụ thể.
Chiều 9/12, kỳ họp 20 của HĐND Thành phố thảo luận tại các Tổ về các nội dung: Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 của Thành phố; dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2025; kế hoạch đầu tư công năm 2025 và điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố; các dự thảo Nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Phát biểu tại thảo luận Tổ 3, đại biểu Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đề cập đến những nội dung nhân dân quan tâm hiện nay. Đó là những vấn đề: Triển khai Luật Thủ đô; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đại biểu Nguyễn Lan Hương, đây là nhóm nội dung không chỉ cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp quan tâm mà nhân dân Thủ đô rất quan tâm.
Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đại biểu đề nghị những việc thẩm quyền và trách nhiệm của TP. Hà Nội thì cần tập trung đẩy nhanh và cần quan tâm chăm lo đến người lao động, đội ngũ cán bộ, công chức tự nguyện hoặc dôi dư sau sắp xếp bằng cơ chế chính sách cụ thể, ưu đãi. Tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có điều kiện để chuyển đổi công việc mới.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương mong muốn Thành phố quan tâm để động viên đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong nhóm cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp trong đợt này. Như vậy, bảo đảm được an sinh xã hội, an ninh xã hội được giữ vững và an dân sau sắp xếp. Đại biểu cũng mong muốn các cơ quan chuyên môn khi có giải pháp cần thể hiện rõ tính đặc thù, vượt trội của Hà Nội.
Hà Nội cần tiên phong trong sử dụng trí tuệ nhân tạo
Đối với nội dung phát triển kinh tế số, đại biểu Phạm Đình Đoàn, huyện Mê Linh nêu ý kiến về cuộc cách mạng công nghệ , trí tuệ nhân tạo (AI) hiện tại rất phát triển. Trong khi đó, Hà Nội là trung tâm tri thức của cả nước cần đi đầu trong chuyển đổi số.
“Chúng ta cần đặt ra quyết tâm cao, Hà Nội cần tiên phong của cả nước trong sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh và trong nhiều lĩnh vực cuộc sống”, đại biểu Phạm Đình Đoàn chia sẻ.
Về phát triển du lịch, năm 2024, đại biểu nhận định du lịch Thủ đô hiện phát triển rất tốt và đề nghị cần suy nghĩ đến phát triển công nghiệp du lịch, thu hút du lịch hiệu của hơn để đem lại lợi ích hơn nữa cho Thủ đô. Đại biểu cũng đề nghị giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông, giải pháp giao thông công cộng…
Đề nghị sớm ban hành bảng giá đất mới theo Luật Đất đai
Đại biểu Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh nhận định, kỳ họp 20 của HĐND có khối lượng lớn nội dung, Nghị quyết quan trọng trực tiếp tác động đến người dân Thủ đô, theo đó, các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND đã chuẩn bị chu đáo, chất lượng cho các nội dung phục vụ kì họp.
Từ thực tế của địa phương, đại biểu nêu ý kiến, nhiều địa phương của Hà Nội vừa qua không đạt nguồn thu từ đất, nguyên nhân do thay đổi một số nội dung trong Luật Đất đai năm 2024 so với năm trước. Nhiều nơi của Hà Nội vừa qua tổ chức đấu giá còn gặp khó khăn. Từ nội dung này, đại biểu đề nghị HĐND, UBND Thành phố sớm ban hành bảng giá đất mới theo Luật Đất đai năm 2024 để phục vụ đấu thầu cho nhà đầu tư, phục vụ đấu giá đất.
Về kế hoạch đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công 2021-2025, theo đại biểu, trong 4 năm qua chúng ta triển khai được nhiều dự án góp phần phát triển Thủ đô. Tuy nhiên chỉ còn 1 năm nữa là hết giai đoạn 2021-2025 mà còn nhiều chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhiều dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án. Đại biểu đề nghị HĐND tiếp tục giám sát, UBND Thành phó xem xét kỹ nguyên ngân, trách nhiệm của đơn vị liên quan, có giải pháp chỉ đạo để kế hoạch đầu tư công của Thành phố giai đoạn này khả thi và xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo, tránh phải điều chỉnh nhiều lần.
Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh
Còn đại biểu Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Y tế nêu ý kiến: Năm 2024 là năm nhiều chế độ, chính sách với ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương, ngành Y tế đã chủ động trong triển khai chính sách để nâng cao chất lượng y tế Thủ đô.
Ngành Y tế đã có những giải pháp để chủ động cho các đơn vị thực hiện thầu từ năm 2023; tham mưu UBND Thành phố giao Sở Tài chính phân cấp, ủy quyền liên quan đến đấu thầu thuốc. Chính vì cơ chế chính sách được tháo gỡ sớm nên Hà Nội là một trong các tỉnh thành thiếu vật tư y tế không nhiều.
Đại biểu cũng cho biết, chất lượng y tế Thủ đô được nâng cao, ngay từ đầu năm 2024 ngành đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch. Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm nay Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh; khống chế thành công sốt xuất huyết, tỷ lệ mắc bệnh chỉ 2/3% so với năm 2023.
Kỳ họp này, Sở Y tế có trình dự thảo Nghị quyết liên quan giá dịch vụ y tế cho từng cơ sở y tế với hơn 1.000 trang phụ lục. Nội dung liên quan đến việc lương cơ bản tăng từ 1/7 nhưng giá dịch vụ y tế chưa tăng, gây khó khăn cho chi trả hoạt động của các cơ sở y tế.
Về số giường bệnh, trong nhiệm kỳ này Y tế được giao 40 dự án, có 6 dự án chuyển sang giai đoạn tiếp theo, 34 dự án thực hiện; tuy nhiên đến nay số dự án được phê duyệt còn thấp. Sở mong muốn năm 2025 sẽ khởi công được 34 dự án để số giường bệnh được tăng thêm. Về giải pháp tăng giường bệnh, Sở Y Tế đã đề nghị các đơn vị chủ trì khẩn trương khởi công dự án được phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở Y tế đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt các dự án ngoài công lập.
Theo Cổng thông tin TP. Hà Nội