Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Hơn 70 năm qua, bằng biết bao tâm lực, những người làm Chèo đã cố gắng hết mình để nghệ thuật Chèo ngày một hấp dẫn khán giả. Theo đó, với mục tiêu bắt kịp nhịp phát triển của thời đại, những người yêu Chèo ngày một năng động sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động để tiếp cận nhiều khán giả hơn. Bên cạnh việc xây dựng nhiều trích đoạn, vở diễn, tái hiện những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử, nhiều tác phẩm biểu diễn ngày nay đã cố gắng đưa đề tài xã hội đương đại vào sân khấu chuyên nghiệp với những tác phẩm phù hợp với thị hiếu thưởng thức của khán giả. Theo đó, Lớp Diễn viên Chèo, Khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu điện ảnh đang tập trung cho mục tiêu mở rộng đối tượng người xem, nhất là khán giả trẻ, góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử và đời sống xã hội thông qua các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng, văn hóa nhân văn.
Lớp Diễn viên Chèo khóa 40 là mái nhà chung của 10 thành viên có cùng niềm đam mê với nghệ thuật chèo truyền thống. Các thành viên là những tài năng trẻ, nhiệt huyết, nỗ lực hết mình với môn nghệ thuật tinh hoa văn hóa dân tộc. Sợi dây gắn kết họ chính là tình yêu mãnh liệt cùng mong muốn góp sức gìn giữ nghệ thuật Chèo.
Gặt hái quả ngọt sau chặng đường dài giáo dục đào tạo, ngày 27/4, tại Nhà hát Tài năng trẻ, trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đã diễn ra Chương trình tốt nghiệp với vở diễn “Lưu Bình Dương Lễ”, trích đoạn “Đôi lứa xứng đôi” do Lớp Diễn viên Chèo, Khoa Kịch hát dân tộc thực hiện.
Để có được buổi diễn báo cáo tốt nghiệp thành công, các thành viên của Lớp đã cùng nhau luyện tập, trau chuốt lời ca, tiếng hát, điệu múa để có được những tiết mục đặc sắc. Nhờ đó mà trích đoạn “Đôi lứa xứng đôi”, vở diễn “Lưu Bình Dương Lễ” được thể hiện rất thành công.
“Lưu Bình Dương Lễ” được Lớp Diễn viên Chèo khóa 40 thể hiện đã làm nổi bật lên tình bạn đẹp giữa người với người. Đó là tình bạn không vụ lợi, không ác hại nhau, chỉ có sự yêu thương, sẻ chia và đồng hành cùng nhau. Thông qua nhân vật Dương Lễ, người diễn viên đã nêu bật được thông điệp “tình bạn nếu được coi trọng thì sẽ đơm hoa kết trái, nảy nở mãi mãi không tàn lụi”. Hơn nữa, tình bạn còn là bài thuốc tinh thần giúp bản thân luôn vững vàng trong cuộc sống, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Qua vở diễn, các diễn viên đề cao phẩm chất tốt đẹp của tình bạn; đồng thời nhắc nhở thế hệ tương lai cần lấy đó làm tấm gương, học tập theo để trở thành một người bạn tốt và xây dựng tình bạn đẹp, góp ích cho bản thân và xã hội.
Bên cạnh “Lưu Bình Dương Lễ” được các diễn viên trẻ thể hiện rất tròn vai, dẫn dắt khán giả hòa mình vào cốt truyện, đặc trưng văn hóa của một thời kỳ lịch sử, thì “Đôi lứa xứng đôi” lại tạo điểm nhấn với kết thúc mới mẻ, truyền tải ý nghĩa nhân văn về vẻ đẹp tâm hồn và tình người. Trong trích đoạn, Thị Nở đã thức tỉnh, cứu vớt Chí Phèo, làm hồi sinh tâm hồn, nhân tính trong Chí. Thị Nở là cầu nối, là hy vọng mở ra cánh cửa của thế giới lương thiện trong nhân vật Chí. Bát cháo hành là hiện thân của tình yêu, tình người, làm tươi lại, thanh lọc tâm hồn Chí Phèo.
Như đã nhắc đến, điều đặc biệt của tiết mục được thể hiện ở đoạn kết của trích đoạn, khi nhân vật Bà cô đã bỏ qua mọi định kiến của xã hội để tác thành cho Chí Phèo và Thị Nở – cháu gái mình. Đây là kết thúc cho thấy tình yêu thương, tình người ấm áp, tình cảm nhân đạo sâu sắc của nhóm diễn viên và đội ngũ dàn dựng đoạn trích dành cho con người, nhất là con người có số phận bi kịch. Từ đó thể hiện góc nhìn mới, suy nghĩ hiện đại bỏ qua định kiến của thế hệ trẻ ngày nay.
Là một thành viên của Lớp Diễn viên Chèo khóa 40, cô sinh viên Nguyễn Thị Hiền Trang chia sẻ, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc trong cuộc sống bận rộn hiện nay, nhiều người cho rằng giới trẻ không còn hào hứng với nghệ thuật Chèo truyền thống. Tuy nhiên, Chèo vẫn luôn tồn tại, phát triển và được trường Sân khấu điện ảnh duy trì, gìn giữ. Hiện nay, cùng với việc tập luyện, biểu diễn, Khoa Kịch hát dân tộc, Lớp Diễn viên Chèo của trường còn tích cực giao lưu, truyền dạy cho lớp trẻ hát chèo, với mong muốn loại hình nghệ thuật truyền thống này luôn được tiếp nối.
Hàng ngày, ngoài việc lên lớp học tập, lĩnh hội những kiến thức về nghệ thuật Chèo, các bạn sinh viên còn say mê tập luyện, hóa thân thành các nhân vật trong nhiều tác phẩm Chèo kinh điển, từ đó khám phá Chèo, lĩnh hội thêm tinh hoa văn hóa truyền thống mới.
Xem các diễn viên trẻ của Khoa Kịch hát dân tộc hóa thân thành nhiều nhân vật trong trích đoạn Đôi lứa xứng đôi và vở diễn Lưu Bình Dương Lễ mới thấy tài năng, niềm đam mê của giới trẻ với môn nghệ thuật dân tộc. Buổi biểu diễn đã lần nữa khẳng định chất lượng chuyên môn trong đào tạo của đội ngũ giảng viên và nhà trường, cùng tinh thần ham học hỏi, hết mình vì tác phẩm của sinh viên.
Theo giảng viên chủ nhiệm Lớp Diễn viên Chèo khóa 40, ThS. Trần Thị Hạnh, chương trình tốt nghiệp của Lớp Diễn viên Chèo thu hút đông đảo khán giả tham dự, cho thấy nghệ thuật Chèo truyền thống vẫn rất được quan tâm, yêu thích. Do đó, việc tiếp tục đào tạo diễn viên Chèo là hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian tốt đẹp của dân tộc. Chương trình có nhiều bạn trẻ tham gia, chứng tỏ nếu có cách làm khoa học thì nghệ thuật dân gian sẽ không bị mai một, người trẻ sẽ không còn thờ ơ nghệ thuật dân tộc.
Theo Môi trường và Đô thị VN