Hơn 1.800 lượt người dự, xem hội thảo khoa học thảo luận góp ý dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
Chiều 28/2, phát biểu bế mạc Hội thảo khoa học thảo luận góp ý dự thảo luật đất đai (sửa đổi), ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hội thảo đã thu hút hơn 1.800 lượt người dự và xem trực tuyến.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay, trong 4 phiên chuyên đề và phiên tổng kết, việc điều hành, thảo luận trên tinh thần tham vấn một cách rộng rãi, đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực và sát với tình hình thực tiễn của thành phố. Các đại biểu đã trao đổi rất chi tiết, thẳng thắng những vấn đề, điểm vướng mắc, khó khăn mà cơ quan, đơn vị hay mỗi cá nhân gặp phải trong quá trình quản lý thực tiễn của mình, đáp ứng với chỉ đạo của các ban, ngành Trung ương trong công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự luật quan trọng này.
Những ý kiến này là cơ sở góp phần hệ thống hóa pháp luật về đất đai mới sớm ban hành, góp phần khắc phục, giải quyết các vấn đề bất cập, tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai như: Giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi, xác định giá đất… và nhất là các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và Bản án của Tòa án…
Đặc biệt, tại 2 phiên thảo luận chuyên đề về “Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai” và “Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực” thu hút nhiều ý kiến đóng góp xác đáng.
Cụ thể, các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận và cho nhiều ý kiến đóng góp về đăng ký đất đai, cấp giấy CNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất. Văn phòng Đăng ký đất đai Đà Nẵng đề nghị cần xem xét sửa đổi, bổ sung đối với quy định không bắt buộc đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho phù hợp với Luật nhà ở năm 2014 quy định về điều kiện có Giấy chứng nhận khi giao dịch về mua bán, cho thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở.
Trong trường hợp vẫn giữ quy định không bắt buộc đối với việc đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, đề nghị nghiên cứu cho phép thỏa thuận chuyển quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất bằng một thỏa thuận dân sự riêng, nhằm tránh phát sinh tranh chấp dân sự trong giao dịch nhà ở mà chưa được công nhận quyền sở hữu (bán đất mà chưa bán tài sản). Đề nghị quy định bổ sung việc công nhận mục đích khi cấp giấy chứng nhận là theo giấy chứng nhận đã cấp theo Luật Đất đai 1993 (được xác định mục đích đất nông nghiệp) hay theo giấy tờ có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg (đất thổ cư) để công nhận đất ở theo quy định và cách thức để các cơ quan thực hiện.
UBND huyện Hòa Vang đề nghị quy định căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có tên trong Sổ địa chính đang được lưu trữ tại UBND các xã (có phô tô bảng gốc và ký đóng dấu xác nhận giữa UBND xã). Do khoản 2, Điều 135 quy định người sử dụng đất có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước 15/10/1993 nhưng Sổ địa chính được lập thống nhất cả nước theo quyết định số 499/QĐ-ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính và đang được lưu trữ tại UBND các xã nên việc quy định phải có tên trong Sổ địa chính được lập trước 15/10/1993 là không hợp lý.
UBND huyện còn đề nghị cần cải cách về các thủ tục hành chính đất đai. Lí do, hiện nay thủ tục hành chính về đất đai quá rườm rà, không có hướng dẫn chi tiết cụ thể ngay từ đầu, gây phiền hà, nhân dân phải đi lại nhiều lần, khó khăn và bức xúc trong nhân dân mỗi khi làm các thủ tục hành chính đất đai tại các khoản như: Thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, công nhận quyền sử dụng đất; Thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại, đính chính Giấy chứng nhận; Thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất…
Về cơ chế, chính sách tài chính; giá đất, phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực, đại diện các đơn vị tham gia hội thảo là Cục thuế thành phố, Chi cục quản lý đất đai, Văn phòng UBND thành phố, UBND Q.Sơn Trà, Thanh tra Sở TN-MT và Sở Tư pháp thành phố đã tham gia 21 góp ý vào dự thảo. Theo Cục Thuế thành phố, thực tế hiện nay thì nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất (gồm thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương. Các khoản thu từ đất còn lại như: tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… thì ngân sách địa phương được hưởng 100%.
Việc áp dụng quy định tại Khoản 1, Điều 148 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cho phép Nhà nước có thể điều tiết thêm các khoản thu từ đất như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ nhà đất… của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về ngân sách trung ương. Để đảm bảo việc điều tiết phù hợp, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm điều tiết theo quy mô khoản thu; đồng thời cũng xem xét cho giữ lại một số khoản thu từ đất ở ngân sách địa phương để tạo điều kiện phục vụ mục đích xây dựng, đầu tư tại địa phương.
Thêm nữa, Khoản 2, Điều 153 dự thảo quy định. “Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác.”
Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho rằng, lý thuyết là khá lý tưởng nhưng thực tế thì rất khó thực hiện, nội dung này cũng đang là vướng mắc chung của thực tế hiện nay. Bởi lẽ, nhiều dự án đặc thù rất khó để tìm giá thị trường giao dịch thành công cùng mục đích, tương đồng về tính chất dự án… Ví dụ như Dự án Công viên Châu Á ở Đà Nẵng, khi xác định giá đất không tìm được giá đất của mục đích và dự án tương đồng, đơn vị tư vấn phải so sánh khảo sát các dự án ở tỉnh khác như Bình Dương. Hoặc khi xác định giá đất các dự án Thương mại Dịch vụ diện tích lớn thì không tìm ra bất động sản giao dịch thành công có mục đích tương đồng, phải tham khảo các khu đất ở vị trí xa đã giao dịch thành công rồi điều chỉnh giá cho phù hợp. Chỉ có đất thông qua đấu giá thì thông tin giao dịch thành công tương đối chính xác, còn các giao dịch chuyển nhượng thì trên hợp đồng vẫn không thể hiện giá trị thực nên việc tham khảo sát thị trường tương đối khó khăn…
Chi cục Quản lý đất đai đề nghị quy định cụ thể về mức giá đất giao dịch thực tế. Bởi thường thì giá đất kê khai tại các hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá đất giao dịch thực tế…
Theo UBND TP Đà Nẵng, Hội thảo đã thu hút 380 lượt người tham dự trực tiếp và 1.500 lượt xem trực tuyến tại 2 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề. Phần lớn các nội dung dự thảo được xây dựng với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, hơn 70 ý kiến thảo luận với trên 80 vấn đề còn trao đổi tại hội thảo và tổng hợp ý kiến của các cơ quan, ban ngành, nhân dân, doanh nghiệp… vẫn còn những vấn đề vướng mắc, tồn tại của thực tiễn diễn ra. Nhiều nội dung chưa phù hợp, còn vướng mắc, trái với luật định khác như luật nhà ở, luật quy hoạch đô thị, luật kinh doanh bất động sản…
Theo Môi trường và Đô thị VN