Huyện Ứng Hòa thay da, đổi thịt nhờ xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội đã thay da, đổi thịt, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh cho huyện phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Nhân dân chung sức, đồng lòng
Năm 2010, chương trình xây dựng NTM của huyện được triển khai thực hiện, xã Đồng Tân được thành phố Hà Nội và huyện Ứng Hoà chọn làm điểm, để rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên địa bàn. Khi bắt tay vào thực hiện, vốn là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp nên huyện gặp rất nhiều khó khăn. So với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, hầu như các xã đều chỉ đạt 1/19 tiêu chí; 6/19 tiêu chí đạt trên 50%, 12/19 tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp.
Song song việc phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, Ban Giám đốc chương trình xây dựng NTM của huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân.
Quá trình triển khai, huyện luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của xây dựng NTM, huy động sức mạnh của toàn dân. Cùng với đó phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng NTM. Thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân được bàn bạc, quyết định, kiểm tra, giám sát và quan trọng hơn cả là chính người dân được tham gia thụ hưởng những kết quả từ xây dựng NTM đem lại.
Vì vậy, Nhân dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công, góp của cùng với chính quyền địa phương để tạo thêm nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các công trình xây dựng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của Nhân dân. Đến nay toàn huyện đã huy động được 800.348 triệu đồng từ Nhân dân đóng góp với nhiều hình thức, như: bằng tiền mặt, hiến đất nông nghiệp, ngày công lao động để làm đường làng ngõ xóm, bằng nguyên vật liệu…
Trong hơn 10 năm khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã huy động tổng nguồn vốn trên 6.189.959 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, thành phố hỗ trợ 3.813.354 triệu đồng; ngân sách huyện 1.131.788 triệu đồng, ngân sách xã 592.581 triệu đồng, nguồn vốn huy động xã hội hóa ngoài ngân sách là 1.651.236 triệu đồng. Đặc biệt phải kể đến sự chung tay, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân qua đóng góp hàng trăm ngàn ngày công lao động, hiến hàng ngàn mét đất để thực hiện các công trình phúc lợi. Bằng nguồn vốn đó, huyện tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng kinh tế xã hội…
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng, đồng thời là điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trước năm 2010, hệ thống đường giao thông nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều tuyến đường liên xã chưa được nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng để đạt chuẩn theo quy định. Công tác duy tu, bảo trì chưa được thực hiện thường xuyên, hệ thống cầu cống chưa được nâng cấp, tỉ lệ cứng hóa đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng còn thấp. Có nơi đường ngõ xóm lầy lội cục bộ vào mùa mưa hoặc chưa có hệ thống cống rãnh thoát nước hoặc có chưa có lắp đậy, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa có sự kết nối các vùng trong huyện; chưa có các tuyến xe bus phục vụ Nhân dân.
Nông thôn khởi sắc, đời sống nâng cao
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, với sự tập trung nguồn lực của Nhà nước, xã hội hóa, nhiều đường giao thông nông thôn được xây dựng mới và nâng cấp cải tạo, đồng thời được bảo trì thường xuyên; nhiều cây cầu mới được xây dựng, tuyến đường kết nối giữa liên xã, liên huyện được quan tâm đầu tư… qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập cho Nhân dân.
Đến thời điểm này, 28/28 xã của Ứng Hòa được công nhận xã đạt chuẩn NTM, huyện cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi toàn diện. Đây là minh chứng hiệu quả mà chương trình xây dựng NTM đem lại, cũng là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tiệm cận với đô thị, từng bước đưa nông nghiệp, nông thôn của huyện Ứng Hòa phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại hóa, hội nhập cùng Thủ đô và cả nước.
Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở, huyện cũng đặc biệt quan tâm tới tiêu chí môi trường, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp bằng việc thực hiện tốt phong trào “vì môi trường xanh – sạch – đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”. Xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường NTM kiểu mẫu, “tuyến đường tự quản xanh – sạch – đẹp – nở hoa kiểu mẫu và tranh bích họa.
Kết quả đến nay đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 272 đoạn đường nở hoa kiểu mẫu với tổng chiều dài trên 40 km và 98 điểm với tổng diện tích 3.750 m2 diện tích tranh bích họa tuyên truyền về công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện… nguồn kinh phí thực hiện từ huy động xã hội hóa, ngày công tham gia thực hiện, chăm sóc của Nhân dân.
Đường làng ngõ xóm, hệ thống thoát nước được kiên cố hóa đảm bảo đáp ứng yêu cầu, 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; 504/504 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, thuận lợi cho giao thông nội đồng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; cải tạo, xây mới các công trình trường học, 79/90 trường học đã đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 12,38 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2021 thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 54,67 triệu đồng, tăng 42,29 triệu đồng so với năm 2010.
Cùng với đó chất lượng công tác y tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo, công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được đảm bảo, huyện không còn nhà dột nát, không còn hộ đói. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định.
Huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn, đã hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao, từ đó góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân như phát triển chuỗi giá trị gạo chất lượng cao gắn với nhãn hiệu “gạo chất lượng Khu Cháy”, chuỗi giá trị sản phẩm rau, củ, quả Ứng Hòa theo tiêu chuẩn VietGAP; các mô hình nuôi lợn ứng dụng điều khiển tự động, nuôi cá “sông trong ao”, trồng rau trong nhà màng, nhà kính…