Chứng khoán Kenanga Việt Nam bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt
Vừa qua (19/5), Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra Quyết định đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 19/5 đến ngày 18/9.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS), tiền thân là Công ty cổ phần chứng khoán Vàng Việt Nam, được thành lập ngày 03/12/2007.
Ngày 13/11/2008, công ty này chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Trước đó, ngày 10/3/2015, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) việc đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của Công ty cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) từ ngày 11/3/2015 đến ngày 20/3/2015 do vi phạm quy định về nộp phí quản lý thành viên.
Đến tháng 8/2015, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chấm dứt tư cách thành viên giao dịch với công ty này.
Tổ chức chứng khoán sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong những trường hợp nào?
Nếu rơi vào một trong các trường hợp sau thì tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ bị UBCKNN ra quyết định đặt vào tình trạng cảnh báo:
– Một là, tỉ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục.
– Hai là, tỉ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%.
– Ba là, báo cáo tỉ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỉ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.
Thời hạn cảnh báo kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo cho đến ngày UBCKNN có quyết định đưa tổ chức kinh doanh chứng khoán ra khỏi tình trạng cảnh báo.
UBCKNN xem xét đưa tổ chức kinh doanh chứng khoán ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỉ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó, tỉ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và tổ chức kinh doanh chứng khoán có báo cáo UBCKNN về việc khắc phục tình trạng cảnh báo.
Thông tư cũng quy định, các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
– Một là, tỉ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục.
– Hai là, tỉ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 120% đến dưới 150%.
– Ba là, báo cáo tỉ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150%.
Thời hạn kiểm soát không quá 12 tháng, và sau thời hạn 4 tháng kể từ ngày bị đặt vào tình trạng kiểm soát, Sở giao dịch Chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần giao dịch của công ty chứng khoán thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát.
Việc đình chỉ này chỉ kết thúc khi công ty chứng khoán được UBCKNN quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát.
Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày UBCKNN ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải gửi UBCKNN báo cáo phương án khắc phục chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.
Phương án khắc phục phải được xây dựng cho 2 năm kế tiếp, có lộ trình, điều kiện, thời hạn và kế hoạch thực hiện chi tiết tới hàng tháng, quý.
Bốn trường hợp bị kiểm soát đặc biệt
Tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
– Một là, tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dưới 120%.
– Hai là, không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn 12 tháng.
– Ba là, không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 2 kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không thực hiện kiểm toán hoặc soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán.
– Bốn là, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận, từ chối đưa ra ý kiến, ý kiến ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.
Thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá 4 tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Sau thời hạn 1 tháng, Sở giao dịch Chứng khoán thực hiện đình chỉ một phần hoạt động của công ty chứng khoán thành viên không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt. Việc đình chỉ sẽ kết thúc khi công ty chứng khoán được UBCKNN quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.
UBCKNN xem xét đưa tổ chức kinh doanh chứng khoán ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỉ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỉ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận và tổ chức kinh doanh chứng khoán có báo cáo UBCKNN về việc khắc phục tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Trong vòng 24 giờ, kể từ khi tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đình chỉ hoạt động, UBCKNN công bố thông tin về việc này trên trang thông tin điện tử của UBCKNN.
Sau 6 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, UBCKNN ra quyết định rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán trong trường hợp công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ.
Trong thời hạn tối đa 7 ngày kể từ ngày UBCKNN ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải gửi UBCKNN báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu