Kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh với xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?
Giá xăng dầu liên tục tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Trước kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh định trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính vừa có ý kiến về vấn đề này.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, hiện nay, mức chi phí kinh doanh định mức đối với các mặt hàng xăng RON95, E5RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít; đối với các mặt hàng dầu Diezen 0,05s, dầu hỏa, dầu madut lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít (công văn số 5837 ngày 3/6/2021 của Bộ Tài chính).
Việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được Bộ Tài chính rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo: chậm nhất 31/3 hàng năm).
Với xu hướng giá thế giới tăng cao, thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng.
“Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, để tiếp tục triển khai cho năm 2022 theo quy định, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) đã có công văn số 95/QLG-TLSX ngày 18/02/2022 đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định (gửi về trước 31/3/2022); trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá”, Bộ Tài chính cho hay.
Trước đó, ngày 1/3, phiên điều chỉnh tăng giá lần thứ 6 liên tiếp đã đẩy giá xăng trong nước lên gần chạm mức 27.000 đồng/lít đã tập trung nhiều sự chú ý của dư luận. Điều này cũng đã tác động tới giá thành nhiều mặt hàng khác trong nước. Hiện, nhiều cơ quan, bộ ngành cũng đã lên tiếng, tìm cách tháo gỡ khó khăn và “hạ nhiệt” giá xăng dầu.
Theo Doanh nghiệp và Thương hiệu